Sáng mãi tấm gương người thầy trong thời kỳ đổi mới

Sáng mãi tấm gương người thầy trong thời kỳ đổi mới

(GD&TĐ) - Nhân kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam(20-11-1982; 20-11-2012), Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Người thầy-nhân tố quan trọng trong sự nghiệp Giáo dục và đào tạo” với sự tham dự của hàng trăm đại biểu các cấp, các ngành. Tại buổi tọa đàm, những ý kiến, tham luận của các nhà quản lý, thầy cô giáo không chỉ giúp mọi người thấy được những vất vả, cực nhọc đội ngũ thầy cô giáo đang phải đối mặt, mà còn chỉ rõ tầm quan trọng của chính những con người này trong sự nghiệp giáo dục, chấn hưng và phát triển đất nước.

Người thầy-nhân tố quan trọng nhất

Tại cuộc tọa đàm, bốn nhóm vấn đề chính đã được các đại biểu đặt ra là: Các chủ trương chính sách để phát huy đội ngũ nhà giáo; Chuẩn mực của người thầy trong xã hội hiện nay; Sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục; Giáo dục-đào tạo dưới góc nhìn của người dạy và người học.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn: Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, những góp ý, những ý kiến quan tâm đối với công tác giáo dục-đào tạo sẽ là giải pháp để ngành phát huy mọi nguồn lực, chăm lo cho đội ngũ được tốt hơn. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng mong muốn tiếp thu những ý kiến đóng góp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang và sẽ thực hiện trên lĩnh vực giáo dục, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa và con người mới.

Đóng góp ý kiến ngay khi tọa đàm khai mạc, TS Nguyễn Đức Hưng, Vụ trưởng vụ GD-ĐT, Dạy nghề-Ban tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong định hướng, tư vấn hoạt động học, mà quan trọng hơn là góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học.

Do đó, cần phải xác định rõ vai trò quan trọng, định hướng phát triển giáo dục mang tính trung tâm xoay quanh người thầy, giúp người thầy có thêm điều kiện, nâng cao kiến thức. Bởi ngày nay yêu cầu đối với nhà giáo là rất cao. Họ không chỉ là những người giỏi về chuyên môn mà còn phải là người có năng lực sư phạm, có hiểu biết sâu rộng và có khả năng cập nhật được những thông tin mới nhất trong môi trường thay đổi nhanh chóng về khoa học, công nghệ.

Ngoài ra nhà giáo phải là người có khả năng thích ứng với những thay đổi trong xã hội. Có như vậy thì nhà giáo mới có thể phát huy được vai trò và ảnh hưởng của mình trong qúa trình dạy học.

Sáng mãi tấm gương người thầy trong thời kỳ đổi mới ảnh 1
Đồng chí Phan Xuân Biên, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu, góp ý tại buổi toạ đàm

Đồng tình với nhận định của TS Hưng, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng: Chính những trái tim đầy nhiệt huyết, say mê với nghề đã giúp nhà giáo trụ vững và trở thành thành tố quan trọng không thể thiếu trong tiến trình nâng chất, đổi mới giáo dục nước nhà.

Chính cái sự: Tin-Yêu-Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo mà chúng ta có được một nền giáo dục đáng tự hào như ngày hôm nay, dù cho vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức. “ Một người bình thường nếu bước vào nghề chỉ vì một sự toan tính nhỏ nhen, không thật tâm muốn khám phá và cống hiến cho vẻ đẹp của nghề mình chọn thì không bao giờ biết tin, biết yêu và biết có trách nhiệm với nó. Điều ấy lại càng đúng với ngành sư phạm. Làm sao một người có thể nhanh chóng có một cuộc sống khá giả, tên tuổi nhanh chóng nổi như cồn, xã hội, học sinh kính trọng nếu như trước hết anh ta không tin vào nghề mình chọn, không yêu và không có trách nhiệm với nghề?”.

Vì vậy, để có được những thế hệ giáo viên tin-yêu và có trách nhiệm với nghề không cách nào khác chúng ta phải thay đổi, thay đổi từ nhận thức, quan điểm, chính sách đãi ngộ cho đến vị trí người thầy trong tiến trình cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục.

NGND, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cũng nêu quan điểm: Ngày nay, quan niệm chung là lấy người học làm trung tâm. Nhưng vấn đề chất lượng đào tạo vẫn liên quan mật thiết đến số lượng và chất lượng người thầy. Thầy giỏi sẽ có trò giỏi, sau trở thành những công dân tốt. Người thầy có học trò giỏi bao nhiêu thì người thầy đó càng xứng đáng được tôn vinh bấy nhiêu.

Chính vì thế, trong thời đại mới, người thầy phải có trình độ chuyên môn vững vàng, phải hiểu thật rõ chuyên ngành mình dạy và theo dõi được thường xuyên sự tiến bộ của nó. Đặc biệt, người thầy phải có nền văn hoá rộng để không chỉ như những người thợ thủ công lành nghề, mà còn là người bạn, dẫn lối, chỉ đường cho học sinh.

Vẫn còn quá nhiều khó khăn phải tháo gỡ

Vai trò của người thầy quan trọng là vậy trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục. Tuy nhiên chính sách đãi ngộ, cường độ lao động của những người làm công tác “trồng người” vẫn còn qúa nhiều bất cập, thua kém so với những ngành nghề khác.

Thực tế này không chỉ được mọi người trong ngành nhìn thấy, mà cả những người làm chính sách cho nhà giáo cũng nhìn thấy từ nhiều năm qua. Nhưng đến nay vì nhiều lý do và khó khăn khách quan, lương của người thầy giáo vẫn là quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho họ.

Tại buổi toạ đàm, TS Hồ Thiệu Hùng, Nguyên Phó trưởng Ban tư tưởng-Văn hoá Thành uỷ TP.HCM thẳng thắn chỉ ra: Thống kê của tôi cho thấy, lương của GV sau hơn chục năm vẫn không có nhiều thay đổi trong khi chỉ số giá tiêu dùng, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. Nếu như thu nhập bình quân của người làm ngành, mỏ, luyện kim là 9,2 triệu đồng/tháng, Ngân hàng là 7,6 triệu đồng/tháng, điện tử-viễn thông là 5,5 triệu đồng/tháng (điều tra của Bộ LĐTB&XH năm 2010) thì lương GV từ TH đến THPT của chúng ta chỉ là 3-3,5 triệu đồng/tháng. Hệ số lương bậc 1 của lái xe cơ quan, nhân viên đánh máy là 1,87, bậc 10 là 3,67 thì bậc lương của GV MN chúng ta chỉ là 1,86 (bậc 1) và 3,67 (bậc 2)-Theo Nghị định 204 của Chính phủ ban hành 20-12-2004.

Như vậy, xét ra lương của GV MN còn thua cả lương lái xe cơ quan và nhân nhiên kỹ thuật. Trong khi cường độ làm việc của GV thì không dưới 60 giờ/tuần (các ngành khác chỉ 40). Thử hỏi với mức lương đó hiện nay, GV sẽ nuôi sống gia đình nhà giáo sống ở đô thị trong bao lâu?.

Từ những bất cập về lương bổng, những áp lực từ công việc và cả điều tiếng từ việc dạy thêm học thêm (thu nhập làm thêm chính đáng) đã khiến không ít GV nản lòng. Chính vì thế, TS Hùng cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục cần quyết liệt và quyết tâm trong việc khoả lấp nguyện vọng cao nhất của người GV-sống được bằng đồng lương của mình. “ Lao động với cường độ cao một cách thầm lặng, lương thì thấp nhưng nhà giáo là người đặc biệt coi trọng danh dự. Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn phải vượt lên chính mình để sống “đói cho sạch, rách cho thơm”. Vậy sao chúng ta không tháo gỡ, không tìm cách giúp họ để họ có thể yên tâm dạy học với đồng lương đáp ứng đủ mức sống cho mình?”.

NGND, PGS.TS Nguyễn Ngọc Giao cũng nhấn mạnh: Đã đến lúc ngành giáo dục, Đảng và Chính phủ phải thay đổi chính sách đối với người làm công tác giáo dục. Để người thầy thoát khỏi cảnh bươn chải kiếm sống. cốt lõi vấn đề là cơ bản cải cách tiền lương, tiền lương phải được sử dụng như công cụ kích cầu trực tiếp, có hiệu lực nhanh nhất, nhạy cảm nhất. Có như thế, chúng ta mới mong có được nhiều hơn những thế hệ nhà giáo giàu chuyên môn, tâm huyết và sống trọn vẹn với con đường mà mình đã chọn.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.