Sáng mãi “Ký ức Điện Biên“

GD&TĐ - Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) triển lãm “Ký ức Điện Biên” ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nữ y tá Đội điều trị 3 Phạm Thị Tín chia sẻ cảm xúc với "Ký ức Điện Biên"
Nữ y tá Đội điều trị 3 Phạm Thị Tín chia sẻ cảm xúc với "Ký ức Điện Biên"

Âm vang năm tháng hào hùng 

Xe đạp thồ sau khi được cải tiến đã trở thành phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới.
Xe đạp thồ sau khi được cải tiến đã trở thành phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới. 

Với hàng trăm câu chuyện, ảnh và hiện vật của các nhân chứng lịch sử được lựa chọn giới thiệu, triển lãm thể hiện chân thực cuộc sống, sinh hoạt, không khí náo nức và tinh thần “tất cả vì chiến dịch” của những người mẹ, người chị năm xưa đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

Những dòng hồi ức của những người phụ nữ - nhân chứng lịch sử trên chiến trường Điện Biên ngày nào đã thể hiện sinh động niềm hân hoan, những giây phút hào hùng của quân dân ta trên chiến trường khi Điện Biên Phủ toàn thắng. 

Với họ, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là sự kiện lịch sử trọng đại, một mốc son chói lọi của dân tộc, một kỳ tích vô song của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp…  

Những khía cạnh đời thường, những khoảng lặng của chiến tranh cũng được tái hiện sinh động qua những hồi ức, những bản chụp trang nhật ký, bức ảnh tư liệu quý giá và những kỷ vật về tình cảm yêu thương của đồng chí, đồng đội, đặc biệt là tình yêu đôi lứa của những chàng trai, cô gái - những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. 

Từ trong khói lửa chiến tranh, tình quân dân, tình đồng đội vẫn chứa chan, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi vẫn đơm hoa kết trái, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần vào chiến thắng chung vĩ đại của dân tộc. 

Tới triển lãm này, nhiều người hết sức bất ngờ và có được những ấn tượng khó quên trước những câu chuyện tình của những cô gái trẻ đang tuổi thanh xuân phơi phới háo hức dấn thân vào chiến dịch, mang tâm nguyện được đóng góp sức mình cho Tổ quốc như câu chuyện cảm động về đám cưới bị hoãn lại vì cô dâu y tá, chính trị viên Nguyễn Thị Hồng Minh nhận nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, hay "đám cưới không có xe hoa chỉ có xe tăng" của y sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, đám cưới trong hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri của y tá Nguyễn Phước Ngọc Toản ... 

Những "chuyện tình Điện Biên" 

Bà Phạm Thị Tín, Nguyễn Thị Hồng Minh, Ngô Thị Tuyết An, Nguyễn Thị Được là những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên ( Từ trái qua phải)
Bà Phạm Thị Tín, Nguyễn Thị Hồng Minh, Ngô Thị Tuyết An, Nguyễn Thị Được là những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên ( Từ trái qua phải) 

Sinh ngày 27/8/1930 tại 91 Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhập ngũ vào Quân y năm 20 tuổi. Trước khi đi bộ đội, cô gái trẻ Hồng Minh đã là cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Phúc Yên. 

Sau đó cô được cấp trên cử vào Đội điều trị số 2 để lãnh đạo dân công làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, xây dựng lán trại và làm y tá chăm sóc, cứu chữa thương binh. 

Đội điều trị số 2 đóng quân tại dốc Bùa, gần chân núi Tam Đảo. Đã từng tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quang Hồng năm 1951, trải qua bao gian nguy, thử thách, bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ cách mạng càng hun đúc trong trái tim cô gái Hà thành.

Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ đã là một cụ bà 86 tuổi nhưng cốt cách và phong thái vẫn rất ung dung thông tuệ, tinh nhanh. 

Bà Hồng Minh chia sẻ: "Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và cũng có một "chiến dịch" nữa trong đời con gái của tôi cũng rất đậm nét, sâu sắc là "chiến dịch" chỉ có hai người...".

Đó là chuyện tình cảm của bà và ông Hồ Toàn, một cán bộ quân y cùng Đội.  Chiến dịch trái tim của ông bà tưởng như đã trở thành công vào ngày 26/12/1951 vì ông bà đã gửi giấy mời đám cưới cho tất cả bạn bè gần xa đến dự. 

Nhưng rồi bà Minh được giao nhiệm vụ đột xuất lên đường tham gia chiến dịch Hòa Bình vì chiến dịch này thiếu cán bộ chính trị là nữ. 

Bà Minh bồi hồi xúc động khi nhớ ngày ấy: "Trước khi lên đường, anh Cần - Cục trưởng Quân y biết tôi sắp cưới, anh hỏi: "Đồng chí có phân vân gì không?", tôi ngập ngừng trả lời: "Anh yên tâm. Tổ quốc là trên hết, giặc tan em mới về". Khi đó anh Hồ Toàn ở xa không liên lạc để hoãn đám cưới được song tôi vẫn lên đường làm nhiệm vụ. 

Đúng như đã định, lễ cưới vẫn diễn ra, cơ quan của anh đã chuẩn bị lễ cưới rất thịnh soạn, rượu nho, bánh ga tô, chở đồ lễ từ Cao Bằng về Thái Nguyên. 

Đoàn đón dâu về tới nơi thì tôi đã lên đường, chỉ kịp gửi anh lời xin lỗi vội vàng. Anh rất buồn và có gửi lại mấy câu thơ: "Em ơi em chớ có lo! /Kiến trong miệng chén có bò đi đâu./Vì em anh phải nhỡ tàu/ Xuân này ta sẽ gặp nhau "Em ... đền!".

Tháng 2/1952 chiến dịch Hòa Bình kết thúc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chở tôi về ô tô cùng nhưng tôi đã xin về trước để qua Vũ Ẻn (Thanh Ba, Phú Thọ) gặp người anh xin mấy thước vài may áo cưới. 

Tôi đi bộ lạc 17 ngày trong rừng không biết đường ra và chân sưng vù, mọc mủ; vì nhiễm trùng về phải treo chân lên tường. Tôi phải đi mổ chân, đến lúc chúng tôi tổ chức đám cưới cô dâu cũng chưa đi được dép, phải một chân đi giầy một chân đi đất...".

Thế là, chiến dịch tình cảm của đôi vợ chồng chiến sĩ Điện Biên phải hoãn đến ngày 20/3/1952 mới kết thúc bằng một đám cưới ở ATK Thái Nguyên. 

Đêm tân hôn, mấy chj em trong đơn vị đã lấy chăn bộ đội quây thành căn phòng làm buồng hạnh phúc cho cặp uyên ương. Sau hai chiến dịch chung và riêng đều thắng lợi, ông bà đã có đủ dâu rể, cháu nội ngoại. 

Tuy vậy, cách đây 2 năm, ông đã chia tay bà nên hôm nay bà chỉ được làm nhân chứng lịch sử một mình.... 

Cùng tuổi với bà Hồng Minh, nữ y tá Nguyễn Phước Ngọc Toản xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt tại Thừa Thiên Huế. Bố bà là cụ Tôn Thất Đàn - một trong bốn vị thượng thư đầu triều Nguyễn. Mẹ bà là cụ Phạm Thị Tiên xuất thân từ một gia đình quý tộc, dòng dõi nhà cụ Phạm Đăng Hưng, có con gái lấy vua Thiệu Trị. 

Bà Ngọc Toản từng học trường nữ sinh Đồng Khánh nhưng phải nghỉ học do năm 1945 Nhật đảo chính. Các anh trai bà lần lượt lên đường đi chiến đấu. Bà cũng tiếp bước các anh xếp bút nghiên tham gia cách mạng. 

Năm 1950, nghe theo lời khuyên của anh rể là ông Đặng Văn Ngữ, cô gái trẻ Ngọc Toản trở về học tiếp cấp III rồi thi đỗ và vào học trường Đại học Y khoa Việt Bắc. 

Tại đây, bà Toản có cơ duyên gặp gỡ ông Cao Văn Khánh và giữa hai người đã nảy nở mối tình thơ. Ông Cao Văn Khánh nguyên là giáo viên dạy tại một trường tư ở Huế nhưng do dạy giỏi có tiếng nên ông thường được trường Quốc học và trường Đồng Khánh mời chấm thi. 

Khi đó ông là Đại đoàn phó Đại đoàn 308. Trong một lần đến thăm Đại học Y, ông Khánh đã gặp gỡ và nói chuyện với cô sinh viên Ngọc Toản. Họ có tình cảm với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên đó. 

Cuối năm 1953, khi Bộ Tổng Tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi hành quân ông Khánh đã lên gặp bà Toản ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Lúc chia tay, ông bà cùng hẹn ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình.

Sau đó, bà Toản ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở Đội điều trị sỗ 2 Cục Quân y. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, vì rất giỏi tiếng Pháp, bà Ngọc Toản được giao nhiệm vụ phiên dịch cho việc trao đổi một nữ tù binh Pháp. 

Say sưa trong chiến thằng của dân tộc, bà đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh và niềm vui thêm chất đầy khi cũng tại đây bà gặp lại người yêu của mình.

Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát của chiến trường ông bà đã rất xúc động và họ quyết định tổ chức đám cưới để ghi dấu ấn sâu đậm nhất cho cuộc đời. Đám cưới có một không hai của ông bà đã diễn ra ngay trong căn hầm của tướng Đờ Cát vào ngày 22/5/1954. 

Điều đáng tiếc nhất là những tấm ảnh chụp trong ngày cưới của ông bà đã bị hỏng vì đám cưới được tổ chức vào thời điểm chiều tối. 

Ngày hôm sau, ông bà đã chụp bức ảnh sóng đôi trên nóc chiếc xe tăng khi cùng lãnh đạo các đại đoàn kiểm tra lại trận địa trước khi về duyệt binh. 

Ông bà đã nâng niu bức ảnh này và coi như kỷ vật ngày cưới của hai vợ chồng mình. Tấm ảnh bao năm được treo trang trọng trong phòng khách ngôi nhà ông bà từng sống giờ đây cũng là một tư liệu quý giá về "Ký ức Điện Biên".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ