Sáng kiến mới trong hợp tác đào tạo nhân lực

Sáng kiến mới trong hợp tác đào tạo nhân lực

Đây được xem là một sáng kiến mới trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa cơ sở đào tạo và chính quyền địa phương.

Mục tiêu của hội nghị nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương thông qua việc thúc đẩy công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng cho các em học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì. Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị là lễ ký kết hợp tác với cùng nội dung.

Tại hội nghị các đại biểu đã được thăm quan các phòng học công nghệ 4.0, trải nghiệm vận hành các thiết bị đào tạo tự động hóa tiên tiến nhất trên thế giới tại cơ sở đào tạo, từ đó nhìn nhận rõ hơn những vấn đề và thông tin mới nhất về xu hướng đào tạo nghề trong CMCN 4.0. Trên cơ sở đó, cùng nhau thảo luận những giải pháp cụ thể, thông tin hữu ích về đào tạo, tuyển sinh, nhu cầu thị trường lao động đến với các bậc phụ huynh, học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì,…

Ông Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: Năm 2020, nhà trường giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh là 1.500 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, điểm mới là các chương trình đào tạo chất lượng cao được thiết kế để hướng tới các sinh viên ưu tú, có nguyện vọng trở thành những kỹ thuật viên, kỹ sư, cử nhân giỏi trong những ngành kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Các em học sinh sẽ được học tập trong môi trường hiện đại, năng động, được hướng dẫn bởi các giảng viên giỏi, đạt trình độ quốc tế và được trải nghiệm thực tập nghề tại doanh nghiệp...

Các đại biểu thăm quan phòng học tự động hóa
 Các đại biểu thăm quan phòng học tự động hóa

Trao đổi tại hội nghị, ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng giáo dục huyện Ba Vì cho biết: huyện Ba Vì năm nay có trên 4.000 học sinh lớp 9, 3000 học sinh lớp 12. Qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh thi vào lớp 10 chiếm khoảng 82%, còn lại 18% các em không thi hoặc tham gia học tập tại các trường dân lập, trường nghề,… Chất lượng tuyển sinh vào 10 ở Ba Vì nhìn chung còn thấp, công tác định hướng nghề và phân luồng học sinh cũng còn hạn chế.

Các trường THPT lấy điểm đầu vào rất thấp, do đó tư tưởng của phụ huynh, học sinh cho rằng việc học THPT là dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều em vào học THPT rất vất vả bởi sự hạn chế về khả năng và nhận thức.

Tại Ba Vì, hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng nghề còn ít, các ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh còn rất băn khoăn về việc đi lại, sinh hoạt  của con mình khi vào học trường nghề, học nghề xong có việc làm không?...

Vì vậy, để thực hiện tốt chương trình hợp tác này, tới đây hai bên sẽ xây dựng nội dung hội nghị thực tế tại các trường, thông tin cụ thể những chế độ ưu đãi về học phí, trợ cấp, cơ sở vật chất, điều kiện giao thông,… cho đông đảo phụ huynh và các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ