Sáng kiến kinh nghiệm là động lực để giáo viên sáng tạo

GD&TĐ - Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của người giáo viên (GV) là nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng trong việc giảng dạy, quản lý. SKKN không chỉ mang đến những đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, mà còn giúp người GV thoát khỏi sức ỳ. 

Sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục phải hướng đến chất lượng và hiệu quả
Sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục phải hướng đến chất lượng và hiệu quả

Việc xem tiêu chí SKKN là một trong các tiêu chí chính để bình xét, đánh giá thi đua GV nhiều năm qua vô tình tạo ra áp lực, đẩy GV vào tính hình thức trong sáng tạo, phát huy ý tưởng. Nó thật sự không còn phù hợp trong điều kiện mới hiện nay. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT dự kiến xóa bỏ tiêu chí SKKN trong đánh giá, khen thưởng GV trong năm học tới mang đến sự đồng thuận lớn trong toàn ngành.

Gỡ khó để tạo lực đẩy cho giáo viên

NGƯT Hồ Đắc Anh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TPHCM) - cho rằng: Vấn đề mà nhiều GV thường phải đối diện là áp lực, là mệt mỏi và không thật sự cần thiết đứng ở góc độ nhà giáo đó là sự thụ động. Nhiều hiệu trưởng các cơ sở ở vài nơi quá cứng nhắc khi buộc cả tạp vụ, bảo vệ phải viết SKKN để tham gia vào công tác bình xét thi đua, cái đó là không ổn. Nhưng theo ông Hồ Đắc Anh, với GV vẫn rất cần một “động lực” để họ tự đổi mới bản thân, sáng tạo hơn trong phương pháp sư phạm.

“Việc Bộ GD&ĐT sẽ xóa tiêu chí SKKN trong xem xét, đánh giá khen thưởng GV trong năm học tới, tôi đánh giá đây là sự tiếp thu và tháo gỡ rất đúng lúc của Bộ trưởng. Việc chuyển từ sự bắt buộc sang khuyến khích, động viên GV tích cực đổi mới, tích cực sáng tạo chắc chắn sẽ mang lại sự chuyển động rõ nét cho ngành. Tôi có nghe nhiều ý kiến cho rằng việc làm trên vô tình sẽ tạo ra sức ỳ nơi GV. Nhưng cá nhân tôi tin, với nền giáo dục mở, hướng đến sự đổi mới và tiệm cận các phương pháp sư phạm tiến bộ, bản thân GV sẽ là người ý thức rõ nhất sự đổi mới là yêu cầu bắt buộc, và GV sẽ là người chủ động trên mặt trận này” - NGƯT Hồ Đắc Anh nói.

Thực tế, để hạn chế sự bất cập và khuyến khích GV phát huy triệt để sự sáng tạo và đổi mới trong dạy học, cảm thấy không bị quá tải và áp lực với tiêu chí SKKN. Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục vào cuối năm 2015, (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/2/2016) với nhiều điểm điều chỉnh, thay đổi rất quan trọng. Trong đó, tiêu chí xếp loại GV giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đã không còn bắt buộc phải có SKKN.

Cô Nguyễn Thị Hanh - nhân viên văn thư Trường Tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp) - cho rằng Thông tư 35, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho những người làm nhiệm vụ trực tiếp như nhân viên văn thư, nhân viên bảo vệ, kế toán, mà việc cởi bỏ được những tiêu chí ràng buộc trong xét duyệt thi đua và sẽ mang đến sự công bằng hơn.

Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) - cho biết: Sau Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT công tác đánh giá, thi đua cán bộ trong trường đã có nhiều thay đổi. Nhiều tiêu chí được Thông tư 35 nêu rõ trường đã áp dụng để mang lại sự công bằng cho GV. Tuy nhiên, với công tác xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chúng tôi vẫn xem SKKN là một “điểm cộng” trong các tiêu chí để vinh danh, khen thưởng GV giỏi. Với chủ trương mới của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bỏ tiêu chí SKKN trong đánh giá thi đua) chắc chắn nhận được sự tán đồng rất lớn từ GV.

Hướng đến sự sáng tạo và đổi mới thật sự

Đánh giá về SKKN của GV trong 1 năm trở lại đây sau khi Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT đi vào cuộc sống, ông N.H.K - một thành viên trong Hội đồng khoa học thẩm định SKKN của Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết: Các SKKN của GV đã giảm đi rõ rệt về số lượng. Nhưng chất lượng và tính thực tiễn của các SKKN là rất cao.

Nếu như trước đây bình quân một năm toàn ngành có khoảng 13.000 - 14.000 SKKN của GV cần thẩm định, chấm và đánh giá thì năm học 2016 - 2017 con số ấy đã thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng khoa học thì chất lượng các SKKN về đổi mới và áp dụng các phương pháp giáo dục mở, trực quan tại các cơ sở là rất đậm nét. “Với chủ trương mới mà Bộ GD&ĐT đang hướng đến trong năm học 2017 - 2018 (bỏ tiêu chí SKKN trong đánh giá thi đua), chắc chắn số lượng SKKN khủng trên sẽ giảm nhiều nữa” - ông K nhận định.

Nhìn nhận về sự đổi mới trong công tác xây dựng ý tưởng đổi mới của GV sau 1 năm được cởi bỏ áp lực, cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) - cán bộ quản lý đạt giải Võ Trường Toản năm 2016 nhìn nhận có sự chuyển biến đáng kinh ngạc. Cô không biết do được “cởi bỏ” tâm lý hay GV nhận thức hơn về vai trò của mình trong tiến trình đổi mới toàn diện của ngành mà các ý tưởng đổi mới của GV gửi lên Hội đồng trường đến 80% được đánh giá là xuất sắc… Các sáng kiến này tất nhiên được trình và đề xuất lên trên cấp Sở GD&ĐT để xem xét, khen thưởng.

Thực tế, sự đổi mới và sáng tạo trong công tác dạy học 2 năm trở lại đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều ý tưởng đổi mới của GV tại các cơ sở giáo dục có sức lan tỏa trên phạm vi toàn tỉnh, thậm chí cả nước như: Giáo dục truyền thông cho HS qua các giờ học Lịch sử, Văn học, hay việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, xây dựng giáo trình điện tử trên nền tảng CNTT. Công tác đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, xây dựng thói quen đạo đức cho học sinh qua các tiết sinh hoạt dưới cờ….

Sự tươi mới của những phát kiến, ý tưởng đổi mới phương pháp sư phạm không chỉ đến từ cuộc phát động của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam mà nó còn đến từ chính nhận thức đúng đắn của từng GV. Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Thủ Đức, một trong 33 gương GV được vinh danh giải thưởng Võ Trường Toản, chia sẻ: Cô nảy sinh những ý tưởng mới mẻ (đổi mới phương pháp sư phạm) không gì khác là nhằm mục đích mang đến sự hứng thú trong từng giờ học cho học sinh của mình. “Chỉ cần mình luôn biết lắng nghe, chia sẻ cùng học sinh của mình… cùng các em xây dựng các tiết học trên tinh thần cởi mở, sự đổi mới đến từ chỗ đó” - cô Phượng nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - đánh giá: Với sự đẩy mạnh tự chủ trong quản lý, khuyến khích triệt để tinh thần đổi mới, sáng tạo nơi GV, điều mà Bộ GD&ĐT mong muốn hướng đến chính là xây dựng một nền giáo dục mở và hội nhập. “Với việc cởi bỏ áp lực trong đánh giá thi đua hàng năm, đội ngũ GV sẽ chính là những người mang đến các giá trị đổi mới. Vì vậy, chỉ cần người hiệu trưởng tạo được cho GV tinh thần thoải mái trong “học thuật”, trong phương pháp sư phạm bên cạnh sự khuyến khích từ Bộ GD&ĐT, đội ngũ GV sẽ không chỉ đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, mà họ còn mang đến nhiều giá trị tinh hoa, tốt đẹp trong việc dạy và học” - cô Cúc nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.