Sáng kiến chấm dứt bạo lực trẻ em

Sáng kiến chấm dứt bạo lực trẻ em

(GD&TĐ) - Hôm nay (31/7), UNICEF đã công bố sáng kiến nhằm thúc đẩy người dân, các nhà hoạch định chính sách và các Chính phủ mạnh mẽ hơn nữa chống lại bạo lực đối với trẻ em.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Sáng kiến xuất phát từ những bức xúc ngày càng tăng của người dân do những vụ việc bạo lực kinh hoàng đối với trẻ em như vụ nổ súng vào em Malala Yousafzai khi đó 14 tuổi tại Pakistan vào hồi tháng 10/2012; Vụ bắn chết 26 học sinh và giáo viên tại Newtown, Connecticut (Mỹ) vào tháng 12/2012; Vụ cưỡng hiếp tập thể các trẻ em gái tại Ấn Độ và Nam Phi năm 2013.

Sáng kiến này được công bố bằng một video clip có sức lay động lòng người do diễn viên và Đại sứ Thiện chí của UNICEF Liam Neeson dẫn chuyện. Video clip đưa người xem đến những cảnh phim phác họa tình trạng bạo lực mà chúng ta không nhìn thấy.

Liam Neeson nói trong clip: “Bạo lực đối với trẻ em vẫn xảy ra cho dù bạn không nhìn thấy. Hãy để mọi người nhìn thấy những gì họ chưa nhìn thấy. Hãy giúp chúng tôi chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Hãy tham gia cùng chúng tôi! Hãy lên tiếng".

Giám đốc Điều hành UNICEF Anthony Lake cho biết: “Bạo lực trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia và mọi nền văn hóa. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu có trẻ em bị bạo lực là chúng ta phải chọ mọi người thấy sự phẫn nộ và giận dữ. Chúng ta phải cho mọi người thấy những điều họ chưa nhìn thấy về bạo lực trẻ em.”

Đây là thông điệp cơ bản mà UNICEF muốn truyền tải khi công bố Sáng kiến Chấm dứt bạo lực trẻ em. Sáng kiến nhằm giúp người dân trên toàn thế giới nhận rõ tình trạng bạo lực trẻ em, kêu gọi họ tham gia vào những phong trào trên phạm vi toàn cầu, quốc gia và địa phương và quy tụ những ý tưởng tập trung cùng nhau hành động để đạt được mục tiêu này.

Bạo lực gây ra không chỉ những vết thương về thể chất mà còn để lại những vết sẹo tinh thần đối với trẻ em. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, làm tổn hại khả năng học tập và giao tiếp và làm suy yếu sự phát triển của trẻ.

Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em quy định rằng tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi đều có quyền được bảo vệ khỏi tất cả các hình thức bạo lực.

- 74% trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi từng trải nghiệm một hình thức xử phạt bạo lực, có nghĩa là đứa trẻ đó chịu ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực về tinh thần hoặc thể xác do cha mẹ/người chăm sóc hoặc thành viên gia đình gây ra.

(Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ 2011).

- Khoảng 1.800 trẻ em được báo cáo bị lạm dụng trong năm 2009 và 60% các em này bị lạm dụng tình dục. Hơn 600 trẻ em bị buôn bán và bắt cóc trong cùng một năm

(Theo số liệu của Bộ Công an)

Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ