Ngay từ khi chưa ra rạp, bộ phim Truy sát đã được giới thiệu bằng những lời “có cánh” và được kỳ vọng sẽ là 1 “bom tấn” của làng điện ảnh Việt.
Thế nhưng, ngay sau buổi ra mắt phim, không ít khán giả đã tỏ ra ngán ngẩm, thất vọng với những “hạt sạn” to đùng của phim.
“Phim hành động nghẹt thở” hay “phim quảng cáo nghẹt thở”?
Vào vai thiếu tá Nguyễn An An, Trương Ngọc Ánh quyết tâm điều tra và lần theo manh mối của băng Sói – 1 băng đảng xã hội đen chuyên buôn bán ma túy. Trong lúc điều tra, cô bị trùm băng đảng Sói truy đuổi, đồng thời cô cũng bị đồng đội phát lệnh truy nã.
Thế nhưng, ngay từ những cảnh đầu tiên của bộ phim, khán giả đã dễ dàng nhận ra những "đoạn quảng cáo ngầm" mà ê-kip sản xuất cố tình lồng vào phim.
Hàng loạt xế hộp mang thương hiệu nổi tiếng đứng xếp hàng trong 1 cảnh quay.
Trong phim, những tên trùm băng đảng, những tên giang hồ cộm cán sử dụng xe tiền tỷ và ngay cả các chiến sĩ công an trong quá trình ẩn thân hay truy đuổi tội phạm cũng sử dụng những chiếc xe đắt tiền.
Nhan nhản những góc máy quay cận logo của những chiếc xe này, thậm chí, còn đầy rẫy những cảnh 4-5 chiếc xe sang cùng 1 thương hiệu xếp hàng ngang, khoe logo cực kỳ hút mắt.
Việc các nhà sản xuất phim phải “tranh thủ” quảng cáo cho các nhãn hàng theo yêu cầu từ hợp đồng tài trợ không còn là điều mới mẻ đối với phim Việt.
Tuy vậy, quảng cáo một cách quá lố, lộ liễu đến phi lý như Truy sát thì không phải phim nào cũng làm.
Các nhân vật trong phim sử dụng tối đa các thiết bị điện tử, truyền thông của hãng S.
Tất cả các nhân vật trong phim đều sử dụng laptop và điện thoại, đồng hồ mang thương hiệu S, đa số những chiếc xe trong phim đều là của nhãn hàng A, An An và đồng nghiệp sử dụng phần mềm trò chuyện miễn phí và ưu việt có tên Z để liên lạc và truyền thông tin…
Sẽ không phải là quá khó tính khi nhận xét rằng: Truy sát thực chất là 1 bộ phim quảng cáo. Bởi cứ 10 phút, trên màn hình sẽ xuất hiện logo của 1 nhãn hàng nào đó.
Thậm chí, nếu cắt từng đoạn phim có sự xuất hiện của các nhãn hàng này ra, ta có thể có những đoạn clip quảng cáo khá hoàn hảo.
Logo các nhãn hàng xuất hiện nhan nhản trên phim.
Rõ ràng, các nhà tài trợ có quyền dùng phim để quảng bá thương hiệu của mình. Song, việc để Truy sát biến thành 1 nồi “lẩu thập cẩm” các thương hiệu đã khiến phim của Trương Ngọc Ánh mất giá trầm trọng trong mắt khán giả.
Nguyễn An An “làm hỏng” danh tiếng Trương Ngọc Ánh?
Trong phim, thiếu tá Nguyễn An An là 1 cô gái mạnh mẽ, trẻ trung. Cô gái ấy vẫn còn sự xốc nổi của tuổi trẻ khi kháng lệnh cấp trên, một mình trà trộn vào hang ổ của băng đảng Sói.
Cô gái ấy vẫn còn sự non nớt, yếu đuối khi sợ hãi và dằn vặt vì lỡ tay giết chết tội phạm trong lúc giằng co.
Nhân vật thiếu tá Nguyễn An An do Trương Ngọc Ánh thủ vai.
Thế nhưng, Trương Ngọc Ánh dường như đã quá tuổi để hóa thân thành Nguyễn An An trong trẻo và sôi nổi ấy. Thành ra, khi Trương Ngọc Ánh diễn cảnh bối rối, run rẩy, xốc nổi, người ta cứ thấy chị “giả tạo”, “cưa sừng”, “cứng đơ”.
Thêm vào đó, giọng nói đều đều, điềm đạm và trầm khàn của Trương Ngọc Ánh cũng không phù hợp với tiết tấu của phim và hình tượng của nhân vật Nguyễn An An.
Lời thoại của chị trong phim cũng khiến khán giả mệt mỏi bởi nó quá cứng nhắc, quá dài dòng và nặng về triết lý, tuyên truyền.
Mỗi khi Trương Ngọc Ánh cất lời thoại, không ít khán giả thở dài. Một số người phải thốt lên: “Đây là phim hành động mà nghe chị ấy thoại cứ như đang nghe chương trình trò chuyện đêm khuya".
Từ ngoại hình, giọng nói cho tới những biểu cảm gương mặt của Trương Ngọc Ánh đều không phù hợp để hóa thân thành Nguyễn An An.
Không thể phủ nhận rằng Trương Ngọc Ánh đã hết mình với Nguyễn An An. Chị tự mình thực hiện nhiều pha hành động mạo hiểm, thậm chí, chị còn gặp phải không ít chấn thương trong lúc quay phim.
Thế nhưng, rõ ràng từ ngoại hình, giọng nói cho tới những biểu cảm gương mặt của Trương Ngọc Ánh đều không phù hợp để hóa thân thành Nguyễn An An.
Phải chăng, Trương Ngọc Ánh và ê-kip đã quá chú trọng tới những màn hành động nghẹt thở, những cảnh quay “ẩn giấu” đầy thông điệp quảng cáo mà lơ là việc chăm chút cho nhân vật nữ chính của phim?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.