Sẵn sàng đón nhận Chương trình GDPT, sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông GDPT, sách giáo khoa (SGK) mới, đó là đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học. Bộ GD&ĐT đã trình lên Chính phủ Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình GDPT mới. Cùng với đó, các địa phương đã chủ động tăng cường đầu tư, xây dựng trường lớp, trang thiết bị dạy - học nhằm đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT.

Nhiều trường học của Hà Nội đã được đầu tư, xây mới. Ảnh: Một lớp học của Trường Tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân) - Ảnh: Sỹ Điền
Nhiều trường học của Hà Nội đã được đầu tư, xây mới. Ảnh: Một lớp học của Trường Tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân) - Ảnh: Sỹ Điền

Chủ động rà soát, đầu tư

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học vừa qua thành phố đã dành 19 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22 nghìn phòng học mới. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị khảo sát thiết bị dạy học ở tất cả các trường trên địa bàn thành phố để nhận diện thực trạng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cấp học, từng địa phương; tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về trường lớp học phù hợp với Chương trình GDPT mới, làm căn cứ xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT mới.

Quận Thanh Xuân là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Hà Nội. Theo bà Lê Mai Trang (Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân), Thường vụ Quận ủy đã xây dựng Đề án “Phát triển GD-ĐT quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó đặc biệt quan tâm, rà soát, phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất trường học. UBND quận cũng đã báo cáo UBND thành phố ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng 18 trường học. Ngoài ra, quận cũng đầu tư cho giáo dục 50% trên tổng số vốn đầu tư ngân sách quận để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học.

“Quan điểm của quận là đầu tư cho giáo dục, là đầu tư cho sự phát triển. Đồng thời đón nhận chương trình GDPT, SGK bằng những việc làm thiết thực, thông qua việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học - bà Lê Mai Trang nhấn mạnh”.

Sở GD&ĐT đã và đang thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng và duy trì các trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông, đón đầu chương trình GDPT, SGK mới. 

 

Ông Nguyễn Minh Tường

- Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ.

Còn tại tỉnh Phú Thọ, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Tường, ngay trong năm học 2018 - 2019 này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các khối công trình bị hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn. Đồng thời sửa chữa, mua sắm bổ sung bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy học; tổng vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường sư phạm…

“Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho triển khai chương trình, SGK mới, các trường phổ thông đã thực hiện xong tổng rà soát về cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung có chọn lọc phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng Chương trình, SGK mới. Trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp nặng” - ông Nguyễn Minh Tường cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tường, các trường đã phát huy tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy – học phục vụ đổi mới chương trình, SGK; hạn chế được tình trạng thụ động, trông chờ sự đầu tư từ cấp trên.

Các trường học của tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng đón nhận Chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh: cô - trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì) - Ảnh: Sỹ Điền
Các trường học của tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng đón nhận Chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh: cô - trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì) - Ảnh: Sỹ Điền

Cả ngành cùng vào cuộc

Liên quan đến Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình GDPT mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Trong Đề án có đề cập đến mục tiêu ưu tiên và đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn năm 2019 tới đây, chúng ta tập trung ưu tiên đầu tư giải quyết về phòng học cho cấp tiểu học; mua sắm, bổ sung thiết bị cho cấp tiểu học hướng tới đổi mới Chương trình GDPT và SGK mới. Đến năm tiếp theo thì sẽ cho những cấp học khác theo lộ trình đổi mới SGK.

Ông Phạm Hùng Anh cho biết, để xây dựng được Đề án, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em đã đề nghị các tỉnh tổng rà soát và rà soát hai lần về cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó Cục tổng hợp lại, xác định các yếu tố trọng tâm như: Phải đáp ứng đủ các phòng học, đồng thời xóa bỏ những phòng học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp hết niên hạn sử dụng. Mặt khác, ưu tiên cải tạo, bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng cho các nhà trường. Đồng thời, mua sắm, bổ sung các trang thiết bị dạy học cần thiết và hướng tới hỗ trợ cho các địa phương là những vùng khó khăn, những vùng hay xảy ra thiên tai.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện cho việc biên soạn, in ấn và phát hành SGK theo Chương trình GDPT mới. Cụ thể là chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực và tài lực. Trên cơ sở đó, khi Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình GDPT mới, thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ bắt tay vào triển khai công tác biên soạn SGK mới.

“Với thành tích, kinh nghiệm, tiềm lực và thế mạnh toàn diện của mình, chúng tôi tin tưởng rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ có được những bộ SGK mới tốt nhất phục vụ cho ngành Giáo dục” - ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.