Sẵn sàng chống lại H7N9

Sẵn sàng chống lại H7N9

(GD&TĐ) - Sáng 5/4, Sở Y tế Hà Nội họp khẩn về công tác phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của chủng cúm mới A/H7N9. Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đại diện các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã cùng tham dự hội nghị.

Sẵn sàng chống lại H7N9 ảnh 1
Ảnh: MH
Tăng nhanh trường hợp mắc và tử vong do H7N9
TS Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - đã cung cấp thông tin mới nhất về tình hình cúm A/H7N9 ở Trung Quốc. Theo thông báo hiện số người mắc là 14 người, 6 người tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9, ngành Y tế nước ta đang ráo riết tăng cường giám sát, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của chủng vi rút cúm mới này.
Nhận định về chủng vi rút cúm H7N9, TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư - cho biết: Các chủng cúm H7N2, H7N3, H7N7 trước đây thường chỉ gây bệnh nhẹ ở người và không có trường hợp nào tử vong.
Tuy nhiên, chủng cúm H7N9 lần đầu tiên xuất hiện trong thời gian gần đây có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao, tương đương với vi rút cúm H5N1. Sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc, ngay lập tức, ngành y tế đã có liên hệ với các bác sĩ Trung Quốc để trao đổi về bệnh cảnh của bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9.
Thông tin cho hay, diễn biến bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh chóng, nguy cấp. Hiện việc điều trị cho bệnh nhân cúm H7N9 vẫn chủ yếu bằng thuốc chống cúm Tamiflu.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Kính cũng nhấn mạnh rằng, đến thời điểm hiện tại không có bằng chứng cho thấy cúm A/H7N9 lây từ người sang người. Điều tra các ca bệnh được phát hiện cho thấy, họ đều có tiếp xúc với gia cầm, lợn...
Theo nhận định của TS Kính, nguy cơ vi rút cúm này vào VN là rất lớn do Trung Quốc là nước láng giềng với VN. Bên cạnh đó, nếu không chú ý giám sát tốt vấn đề buôn bán, vận chuyển gia cầm, thủy cầm, kiểm dịch y tế đối với người tại các sân bay, cửa khẩu thì khả năng lây lan là có thể xảy ra.
Giám sát đặc biệt khu vực có gia cầm ốm chết
Tại cuộc họp khẩn, ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - đã chỉ đạo ngành Y tế Hà Nội nhanh chóng rà soát các trang thiết bị, thuốc men, phương tiện cấp cứu. Chủ động tăng cường giám sát chặt chẽ những ca viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân, các chùm ca bệnh, kịp thời phát hiện các ca cúm A/H7N9 trên địa bàn.
Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa, về cơ bản, việc xử lý các ca cúm A/H7N9 tương tự với việc phòng chống cúm A/H5N1. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành Quy trình hướng dẫn, xử lý, giám sát ổ dịch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ có các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Bộ Y tế cũng đề nghị giám sát chặt chẽ với người nhập cảnh vào VN, tiến hành kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa cho tất cả các hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu.
Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp cần được khám sàng lọc, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt nếu có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với gia cầm ốm, chết…
Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - cho biết đã yêu cầu các đơn vị thực hiện giám sát bệnh chủ động để cách ly, thu dung, điều trị kịp thời không để dịch lan rộng. Giám sát trọng điểm các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có gia cầm ốm chết để chủ động dự báo dịch và triển khai phòng chống dịch hiệu quả.
Triển khai lấy mẫu bệnh phẩm ca bệnh nghi mắc cúm A/H7N9 để xét nghiệm xác định vị trí vi rút. Các đơn vị đảm bảo đầy đủ hóa chất, thuốc dự phòng, trang thiết bị cho cong tác xử lý ổ dịch. Tổ chức trực dịch 24/24 giờ ở các tuyến, duy trì chế độ thường trực của các đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng triển khai dập dịch... Cấp cứu, điều trị tích cực cho bệnh nhân viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm A/H7N9, hạn chế tử vong.
Để chủ động phòng chống cúm A/H7N9 tại cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt hành vi cá nhân. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khoẻ cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khoẻ. Khi có các biểu hiện cúm như: ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.

Cho đến thời điểm hiện tại thì H7N9 cũng không có dấu hiệu là có khả năng lây từ người sang người. "Chuỗi gen của loại vi rút mới cho thấy đây là một loại vi rút cúm gia cầm và nó thuộc loại độc tính thấp. Tuy nhiên, chuỗi gen cũng cho thấy có một số đột biến để thích ứng với động vật máu nóng có vú”, Wendy Barclay, một chuyên gia nghiên cứu về vi rút cúm tại Trường đại học Hoàng gia Anh, cảnh báo.

Thái Hà (theo suckhoedoisong)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ