(GD&TĐ)-Thời điểm này, các địa phương trên cả nước đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dụng cụ học tập…, sẵn sàng cho năm học mới 2012-2013 sẽ đến trong 2 tuần tới.
Điện Biên: Theo thống kê của ngành GD&ĐT tỉnh, kết thúc năm học 2011 – 2012, Điện Biên còn trên 40% trong tổng số hơn 1.600 phòng học dành cho học sinh mầm non là phòng học tạm và mượn. Số phòng học tạm này tập trung ở các huyện vùng cao khó khăn. Vì vậy, ngay từ giữa kỳ nghỉ hè, chính quyền và nhà trường ở các địa phương trong tỉnh đã vận động phụ huynh học sinh đóng góp vật liệu, ngày công sửa chữa, dựng lại các phòng học tạm, đảm bảo việc đón học sinh vào năm học mới. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tỉnh cũng chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, trong năm học 2012 - 2013, Điện Biên là một trong những tỉnh được chọn triển khai thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột” ở cấp tiểu học. Đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, thuộc diện hưởng chính sách theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, các địa phương đã chỉ đạo các trường học lập danh sách, chủ động đăng ký đặt mua sách giáo khoa, vở viết cho học sinh, đảm bảo 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa, vở viết. Năm học 2012 – 2013, Điện Biên sẽ đón khoảng 150 ngàn học sinh các cấp tới trường.
Hưng Yên: 500 phòng học mới đưa vào sử dụng
Để chuẩn bị cho năm học 2012 - 2013, Hưng Yên có khoảng 500 phòng học mới đưa vào sử dụng. Đến nay, toàn tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt trên 60% ở bậc mầm non, trên 85% ở bậc phổ thông. Những phòng học bán kiên cố được rà soát, sửa chữa trong dịp hè, đáp ứng nhu cầu của năm học mới. Ngay từ cuối tháng 7, các trường học tiến hành kiểm tra, rà soát bàn ghế, hệ thống ánh sáng, quạt mát cho các lớp học, kịp thời sửa chữa, bổ sung thay thế những hư hỏng để phục vụ học sinh ngay từ ngày tựu trường. Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tiến hành tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về nghiệp vụ sư phạm cũng như thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2012 - 2013. Năm học này, Hưng Yên sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất.
Đắk Lắk: Cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị năm học mới
Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này, về cơ bản các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới như cơ sở vật chất, tuyển sinh đầu cấp, bố trí giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn, học tập chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên… Các trường THCS, THPT đã tuyển đủ số lượng học sinh theo chỉ tiêu được giao. Các trường tiểu học và mầm non đang tiếp tục huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Trong hè, 900 giáo viên cốt cán của các trường THPT và trung tâm GDTX trong tỉnh cũng đã được bồi dưỡng một số chuyên đề tiêu biểu về kiến thức mới và phương pháp dạy học ở bậc THPT từ các chuyên gia đầu ngành của các trường đại học uy tín.
Gia Lai: Tuyển mới 1550 giáo viên, nhân viên
Năm học mới 2012-2013, Sở GD&ĐT Gia Lai đề nghị UBND tỉnh phê duyệt tuyển dụng mới 1.550 người, trong đó có 1.167 giáo viên và 383 nhân viên. Việc thu nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên sẽ diễn ra vào giữa tháng 8/2012; tổ chức xét tuyển vào cuối tháng 9/2012. Về chuẩn bị cơ sở vật chất, trong năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ 17,22 tỷ đồng vốn thực hiện sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ trường lớp học. Hiện Sở đang đẩy nhanh tiến độ các chương trình dự án của ngành, triển khai các hạng mục mua sắm thiết bị cho các đơn vị cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trong toàn ngành, kịp thời phục vụ cho năm học mới. Riêng tổng nguồn vốn đầu tư thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học là 63 tỷ đồng. Mặc dù vấn đề cơ sở vật chất một số nơi còn khó khăn, vướng mắc nhưng sở GD&ĐT Gia Lai khẳng định, không có trường nào vì thiếu cơ sở vật chất mà không thể tổ chức khai giảng. Năm học 2012-2013, kế hoạch cả tỉnh có 793 trường học với 372.281 học sinh mầm non và phổ thông.
Bà Rịa-Vũng Tàu: 20 trường học được xây mới
20 công trình trường học được đầu tư xây mới và nâng cấp tại Bà Rịa-Vũng Tàu chuẩn bị cho năm học 2012-2013 hầu hết đã hoàn thiện, kịp đưa vào sử dụng trước khi khai giảng năm học mới. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, số trường lớp hiện nay cơ bản bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh các cấp học phổ thông. Số trường lớp được xây mới và nâng cấp đưa vào sử dụng đầu năm học này gấp đôi so với năm học trước. 100% các trường học đều được kiên cố hóa. Ở cấp tiểu học, năm học này nhiều trường bán trú được xây dựng mới đã kịp đưa vào sử dụng.
Đồng Nai: Thêm 14 trường học mới
Bước vào năm học 2012 – 2013, Đồng Nai có 14 trường học mới với 229 phòng học đạt chuẩn đưa vào sử dụng; toàn tỉnh cũng thay thế 244 phòng học xuống cấp, nhiều công trình nhà vệ sinh trường học được xây mới, tu sửa.... với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Năm nay Đồng Nai có thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 500 học sinh được đưa vào sử dụng. Cùng với việc chuẩn bị đội ngũ, cụ thể tuyển mới gần 1.000 giáo viên, ngành GD&ĐT Đồng Nai tiếp tục khuyến khích, có chế độ hỗ trợ đội ngũ giáo viên ở tất cả các bậc học. Năm học 2012 – 2013, Đồng Nai có hơn 550 ngàn học sinh tựu trường, tăng gần 8.000 học sinh so với năm học trước.
An Giang: giải quyết cho 100% HS nghèo có đủ điều kiện đến trường
Tại An Giang, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dụng cụ học tập cho học sinh đón năm học mới đã hoàn tất. Nỗi lo về phòng học, thiếu giáo viên, học ghép… cũng đã được khắc phục. Năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT An Giang chủ động phối hợp với Hội Khuyến học giải quyết cho 100% học sinh nghèo có đủ điều kiện đến trường. Bên cạnh việc áp dụng chính sách hỗ trợ 70.000 đồng/học sinh mẫu giáo và 140.000 đồng/học THCS và THPT nghèo của 18 xã biên giới, dân tỉnh cũng cấp học bổng cho 100% học sinh trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu; đầu tư trên 100.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, con gia đình chính sách. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành và các nhà hảo tâm cũng đã tặng trên 5.000 suất học bổng cho học sinh các cấp, mỗi suất trị giá từ 1,2 triệu, 1,5 triệu và 2 triệu đồng. Cùng với đó, năm nay hầu hết các trường trong tỉnh đều xây dựng tủ sách, vận động học sinh tặng sách cũ cho trường để giúp học sinh nghèo.
Lập Phương (TH)