Sẵn sàng cho cuộc di dời dân “lịch sử” khỏi di tích Kinh thành Huế

GD&TĐ - Kinh phí để di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho hơn 4.200 hộ dân “sống treo” trên di tích Kinh thành Huế ước chừng hơn 2.800 tỷ đồng. Nếu thực hiện được, đây có thể xem là cuộc di dời dân “lịch sử” của tỉnh Thừa Thiên - Huế.  

Hàng nghìn hộ dân “sống treo” trên di tích Kinh thành Huế đã hàng chục năm nay
Hàng nghìn hộ dân “sống treo” trên di tích Kinh thành Huế đã hàng chục năm nay

Hàng chục năm “sống treo” trên di sản

Di tích Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng (1805 - 1833) là tòa thành ở Cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 - 1945. Đây là công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là tài sản vô giá của quốc gia.

Theo tìm hiểu, Di tích Kinh thành Huế rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: Hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ) và mười cổng thành. Bên trong, Kinh thành thuộc 4 phường: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp: Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận.

Theo thời gian, ngoài việc bị xuống cấp do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu thì còn bị tác động, hư hại bởi yếu tố con người do chiến tranh và quá trình hình thành các khu vực dân cư sống trên thượng thành, trong khu vực di tích. Hiện trong khu vực I di tích này có rất đông người dân sinh sống do di dân từ vùng nông thôn vào thành thị, di dân do chiến tranh trong giai đoạn 1945 - 1975 và gia tăng dân số tự nhiên.

Được biết, vì nằm trong khu vực I di tích nên các hộ dân này không được phép xây dựng kiên cố mà hàng ngày phải sống thấp thỏm trong những căn nhà chật chội, che chắn tạm bợ. Số lượng các hộ dân thì tăng dần theo thời gian, “sống treo” trên di tích hàng chục năm qua khiến cho di tích Kinh thành Huế đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Anh Thái Văn Biểu (phường Thuận Lộc, TP Huế) cho biết, gia đình anh có 6 thành viên nhiều năm qua phải sống trong ngôi nhà tạm bợ trên thượng thành, diện tích chưa tới 40m2. Vì nhà ở trong khu vực di tích nên dù muốn xây nhà kiên cố cũng không được. Nếu xây lén thì lại sợ lãng phí vì không biết khi nào bị chuyển đi.

Những căn nhà chật chội, tạm bợ gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và Khu di sản Huế nói riêng
  • Những căn nhà chật chội, tạm bợ gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và Khu di sản Huế nói riêng

“Khổ nhất là con cái phải sinh hoạt hàng ngày trong ngôi nhà rách nát. Thời tiết Huế thì chú biết rồi, mùa mưu thì ướt át suốt ngày, mùa nắng thì oi bức không tài nào chịu nổi”, anh Biểu chia sẻ.

Cũng không khá hơn trường hợp anh Biểu là bao, ngay tuyến phòng lộ Cửu Hậu (phía Bắc Kinh thành Huế) hiện có 3 gia đình đang sinh sống tạm bợ đã nhiều năm nay. Ngoài sinh sống, các gia đình này còn chăn nuôi thêm nhiều gia súc, gia cầm và thải xuống hộ thành hào gây ô nhiễm, mất mỹ quan.

Anh Lê Văn Hồng (44 tuổi) cho biết, cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình mới dựng thêm mấy chuồng lợn ở mặt giáp hộ thành hào để kiếm thêm thu nhập. Gia đình anh và các hộ còn lại lâu nay mong muốn được chuyển đến nơi ở mới để sớm ổn định cuộc sống nhưng không đủ khả năng nên đành ở tạm vậy.

Cuộc di dân “lịch sử”

Trong nhiều năm qua, để trả lại mặt bằng cho di tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước di dời số hộ dân nói trên. Cụ thể, giai đoạn 1996 - 2018 đã có 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích như hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo bầu phía Nam kinh thành... được di dời. Tuy nhiên con số này là khá khiêm tốn. Sự gia tăng dân số tự nhiên đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư. Số hộ dân “sống treo” trong khu vực I của Di tích Kinh thành Huế đến nay đã lên tới hơn 4.200 hộ.

Thực tế, lâu nay hàng nghìn hộ dân “sống treo” trong khu vực I Di tích Kinh thành Huế rất mong được chuyển đến một nơi ở mới để sớm “an cư, lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống. Nhưng công tác di dời lại gặp phải không ít những khó khăn.

Một số căn nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhưng không dám xây mới, sửa chữa vì nằm trong khu vực di tích
Một số căn nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhưng không dám xây mới, sửa chữa vì nằm trong khu vực di tích

Hiện hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích lại không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ nên theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác cũng không ít hộ dân điều kiện kinh tế khó khăn, nếu được cấp đất cũng khó xây được nhà. Do đó cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm nhằm trả lại nguyên trạng di tích.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 26/TB-VPCP ngày 17/1/2018, vừa qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất và thực trạng đời sống dân cư để đề xuất cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để di dời dân cư trình các Bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ.

Qua khảo sát, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ra phương án di dời hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I Di tích Kinh thành Huế trong giai đoạn 2019 - 2021. Kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng hơn 2.800 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trong đó sẽ ưu tiên tập trung di dời phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và các tuyến phòng hộ. Tiếp đến là tại các di tích như Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ thuộc phường nội thành và di tích Trần Vình Đài.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư với diện tích khoảng 73 ha tại phường Hương Sơ, TP Huế. Kinh phí đầu tư cho khu tái định cư khoảng hơn 1.360 tỷ đồng. Nếu thực hiện được, đây có thể xem là cuộc di dời dân “lịch sử” của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ