Nhau thai tuồn ra ngoài bằng cách nào?
Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai phải được xử lí tiêu hủy giống như các mô mềm trong xử lí rác thải y tế và không được phép sử dụng.
Ở các bệnh viện lớn, đây là một quy trình khép kín được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Nhau thai được lấy và chuyển đến các phòng thí nghiệm để lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn.
Đối với các nhau thai xác định mang nguồn bệnh thì được xử lí bằng cách chôn cất hoặc tiêu hủy. Vậy nhau thai tuồn ra thị trường bằng cách nào?
“Một phần do chính các bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện cung cấp, vì tính ra, mỗi nhau thai tươi, đảm bảo chất lượng có giá bán khoảng 300.000 đồng” - Một nữ nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) cho biết.
Theo lời nữ nhân viên này, thông thường, các bà bầu trước khi sinh sẽ được khám rất kĩ để xác định nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm cho trẻ, do đó, nhân viên y tế sẽ căn cứ vào kết quả đó và tình hình thực tế để lấy nhau thai từ các bà mẹ khỏe mạnh.
“Có người lấy về ngâm rượu, thậm chí là chế biến thành thức ăn vì nó rất bổ. Nhưng cũng có người lấy để bán kiếm lời. Số nhau thai không đảm bảo thì được đem đi tiêu hủy”.
Tuy nhiên, “cũng không loại trừ các trường hợp hám lợi, sẵn sàng tuồn ra thị trường các loại nhau thai mang nguồn bệnh”, nữ nhân viên này nói thêm.
Một nguồn cung nhau thai ra thị trường hiện nay nữa là các cơ sở sản khoa tư nhân - nơi việc kiểm soát không chặt chẽ dẫn đến nhau thai tuồn ra ngoài bán là chuyện không quá khó.
Trên thị trường, dù việc mua bán không còn diễn ra công khai như trước, nhưng tại các phố thuốc Đông y như Lãn Ông, Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nếu khách cần thì chủ hàng vẫn có nguồn cung.
“Em muốn mua bao nhiêu, 300.000 đồng một nhau khô, khoảng 300gr, gửi tiền cọc, mai là có hàng” - Một phụ nữ tại quầy thuốc trên phố Lãn Ông cho biết.
Cũng theo lời người phụ nữ này, trước kia, các cửa hàng thuốc đông y tại đây bán công khai tử hà sa vì đây là bài thuốc rất tốt. Nhưng sau khi Bộ Y tế ban hành quy định cấm sử dụng nhau thai, lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên nên giờ mặt hàng này không còn được rao bán công khai, muốn mua, khách phải liên hệ để chủ hàng lấy về.
Cũng vì thế, giá nhau thai được đội lên đắt như tôm tươi, mỗi nhau thai có giá gấp đôi, gấp ba trước đây, người bán hám lợi là chuyện dễ thấy. “Nhau thai tươi, khô có cả. Giá tươi thì đắt hơn, nhưng không phải khi nào đặt cũng có” - Người phụ nữ này nói tiếp.
Trong khi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhau thai tươi được kiểm soát nghiêm ngặt thì tại các địa phương vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc xin - cho, mua - bán nhau thai lại tương đối dễ dàng, chỉ cần có mối quan hệ với trạm y tế xã. Thậm chí, các cửa hàng thuốc đông y còn đặt hàng mua nhau thai tươi về tự sao chế để bán như một vị thuốc đông y.
Sự thật về công dụng “biệt dược” của nhau thai
Theo một số tài liệu về y học cổ truyền, nhau thai có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở...
Vin vào các tài liệu này, nhiều người đã săn tìm mua nhau thai bất kể tốn kém. Hiện nay, trên thị trường vẫn rao bán chủ yếu loại tử hà sa được đóng trong túi nilon nhỏ, có trọng lượng khoảng 250gr và không có đầy đủ thông tin nhãn mác, địa chỉ sản xuất.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Giảng viên bộ môn Dược (Đại học Y TP Hồ Chí Minh), cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh các công dụng nêu trên, mà nhau thai chỉ được biết đến với công dụng chữa chứng suy nhược vì bổ dưỡng giống như thịt gà, thịt bò...
Đặc biệt, “tin đồn tử hà sa có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động tình dục là hoàn toàn sai lầm” - Ông Đức cảnh báo.
Chưa kể, việc sử dụng nhau thai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phương pháp chế biến... hoàn toàn có khả năng bị lây truyền virus HIV, viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo quy định tại quy chế quản lý chất thải y tế của Bộ Y tế, nhau thai (hay còn gọi là rau thai) là loại chất thải lây nhiễm - một trong những dạng chất thải y tế nguy hại.
Do đó, việc buôn bán nhau thai là hành vi vi phạm pháp luật. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc mua bán nhau thai hiện được cho là không quá khó khăn.
Hà Nội - nơi tập trung nhiều cơ sở y tế - mỗi ngày cung cấp lượng không nhỏ nhau thai ra thị trường một cách lén lút. Thậm chí, ngay tại một số phố Thuốc Bắc, Lãn Ông cũng lén cung cấp nhau thai. Liệu nguồn nhau thai bày bán có đảm bảo?
Qua tìm hiểu, phần lớn tử hà sa được rao bán tại đây có nguồn gốc không rõ ràng. Trên túi đựng nhau thai cũng không ghi rõ nguồn gốc. Chưa kể, trong quá trình chế biến, cơ sở chế biến không ngần ngại sử dụng các chất bảo quản, hóa chất độc hại trong nhau thai...
Nhiều chủ hàng rao bán mặt hàng này còn không ngại thông tin, đây là loại nhau thai khô từ Trung Quốc về. “Trung Quốc cũng có hàng giả, hàng thật, mình có nguồn tin cậy, đảm bảo thì khỏi lo” - Một chủ hàng cho hay.
Lấy lí do mua tử hà sa để chữa chứng bệnh suy nhược, gầy yếu cho vợ, chúng tôi được vị chủ hàng thuốc đông y trên phố Lãn Ông xuýt xoa khen về công dụng của của bài thuốc quý.
“Nếu không muốn nói đây là biệt dược chữa bách bệnh, thì ít nhất, đây cũng là bài thuốc quý có rất nhiều công dụng” - Vị chủ hàng giới thiệu. Tuy nhiên, khi được hỏi đã dùng thử hay chưa, vị chủ hàng này lắc đầu.
“Trong sách y học viết vậy, nhiều người đã dùng rồi nên nói lại. Cần thì đặt tiền lấy hàng, chứ cửa hàng cũng không có sẵn” - Vị chủ hàng thêm lời.