“Săn” nấm lim xanh giá tính bằng vàng dưới chân núi Tam Đảo

Trong vài năm trở lại đây, người dân dưới chân núi Tam Đảo (thuộc địa phận xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) thường mách nhau đi săn thứ lâm sản có giá trị đến cả chỉ vàng 1 cân - đó là nấm lim xanh. Mặt hàng này thu hút nhiều khách hàng “đại gia” nườm nượp đến mua vì công dụng chữa được nhiều loại bệnh, trong đó có cả ung thư.

Những dãy núi điệp trùng ở Tam Đảo nơi có nhiều nấm lim xanh.
Những dãy núi điệp trùng ở Tam Đảo nơi có nhiều nấm lim xanh.
Làm một tháng đủ sống cả năm

Rót chén nước thơm mời khách, bà chủ nhà Lê Thị Nhàn bật mí, “khách quý lắm tôi mới mời thứ nước này đấy nhé. Đây là nấm lim xanh hoàn toàn tự nhiên, được hái ở những vùng rừng già quanh dãy Tam Đảo, giá của nó đến gần 1 chỉ vàng một cân”.

Đã được nghe kể về nấm lim xanh nên chúng tôi từ từ thưởng thức thứ nước đắt tiền này. Nâng chén nước lên ngửi tôi cảm nhận mùi hương mộc mạc của núi rừng, uống vào thì thấy vị hăng hắc đắng rất đặc trưng.

Bà Nhàn giới thiệu, muốn hiểu về nấm lim xanh thì đến nhà ông Hoàng Thông - đại lý nấm lim xanh vùng này. Lần theo sự chỉ dẫn đó, tôi tìm đến nhà ông Thông ở ven hồ thôn Đồng Giếng. 

Ông Thông cho biết, để hái được nấm lim xanh không phải là một việc đơn giản. Mỗi chuyến đi đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ đồ ăn mang theo cho đến đồ dùng trong cả một tuần. Một chuyến đi rừng tìm nấm lim thường phải đi thành nhóm, bởi rừng thiêng nước độc nhiều hiểm nguy rình rập nên người ta không thể đi một mình hay 1, 2 ngày được. 

Loại nấm này cũng không mọc trên những cây lim còn sống mà trên những cây lim đã chết nhiều năm. Vì thế, họ phải đi sâu vào rừng, truy tìm những gốc lim đã mục, rồi cắm trại ở lại vài ngày để tỏa đi tìm nấm.

“Săn” được nấm lim xanh đã khó, việc sơ chế, bảo quản cũng đòi hỏi nhiều công phu. Ông Thông cho biết, nấm lim xanh tự nhiên sau khi được hái ra khỏi thân cây lim rất dễ bị lên mốc, chỉ trong vòng 2 tiếng. Hơn nữa, nấm lim xanh tự nhiên sau khi hái một tuần mà chưa được sơ chế thì các mọt nhỏ li ti sẽ phát triển và có thể đục ruỗng cây nấm chỉ trong vòng 1 đêm. 

Cách tốt nhất để bảo quản nấm lim xanh là phơi thật khô. Việc phơi khô đòi hỏi điều kiện nắng ráo và tiến hành trong nhiều ngày. Nấm lim xanh tự nhiên sau khi được phơi khô có màu sắc và mùi thơm đặc trưng khác hẳn với nấm lúc còn tươi.

Điều đáng lưu ý là không được sử dụng các chất chống ẩm để bảo quản nấm vì như thế sẽ sản sinh ra nhiều vi sinh vật, làm giảm tác dụng của nấm lim xanh và gây hại cho cơ thể người dùng. Một vấn đề khác, đó là vỏ và gỗ lim chứa rất nhiều độc tố. 

Vì vậy, cách chế biến nấm lim, xanh an toàn nhất là người chế biển phải tỉ mỉ loại bỏ phần chân nấm dính với thân cây lim, đồng thời có những phương pháp loại bỏ độc tố trên cây nấm.

Việc tìm nấm thường chỉ diễn ra trong 3 tháng, từ tháng 4 - tháng 6, đây là thời kỳ sau những trận mưa xuân, giúp những tán rừng có độ ẩm thấp cần thiết để nấm sinh trưởng. Vì những cây nấm ở núi Tam Đảo rất có giá trị nên sản xuất đến đâu là bán hết đến đó. 

Nhiều đại gia từ Vĩnh Yên, Hà Nội đánh ôtô đến đây để tận thu nấm lim xanh khô. Giá bán là gần chỉ vàng một cân, những tháng cao điểm một hộ có thể cho “ra lò” từ 5 - 7 cân nấm (gần 30 triệu đồng), vì thế nhiều nhà đã đổi đời nhờ loại lâm sản quý hiếm này.

Bà Lê Thị Nhàn “khoe” những cây nấm lim xanh thành phẩm.
Bà Lê Thị Nhàn “khoe” những cây nấm lim xanh thành phẩm.

Có tác dụng tích cực với ung thư

Ông Lê Công Trọng - trưởng thôn Đồng Giếng - cho biết, hiện trong thôn có trên 200 hộ, chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu, sinh sống. Thời gian gần đây, một số hộ đã cùng nhau đi khai thác nấm lim xanh trong những khu rừng già. Việc khai thác này đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo vệ rừng, người dân chỉ khai thác những cây nấm mọc ra từ thân lim mục chứ không động đến rừng tự nhiên của nhà nước. 

Nhờ vào việc khai thác này, nhiều nhà đã thay đổi kinh tế, giàu lên trông thấy. Tuy nhiên, những hộ dân cũng tự bàn bạc với nhau khai thác một cách hợp lý chứ không tận diệt loại nấm này nhằm đảm bảo nguồn thu bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Trưởng khoa Khoa Khoa học Trường ĐH Nông Lâm, phụ trách dự án Linh chi nông lâm và nấm dược liệu - cho biết, tên khoa học của loài nấm này là Garnodema Lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst, thuộc dòng nấm linh chi. 

Nấm lim chia làm 6 loại khác nhau: Thanh chi (xanh), hắc chi (đen), bạch chi (trắng), xích chi (đỏ), hoàng chi (vàng), tử chi (tím đỏ). Trong đó xích chi và tử chi là hai loại nấm có dược tính mạnh nhất. Xích chi chứa hơn 400 thành phần hoạt chất với các dược tính khác nhau như: Polysacharim, betaglucan, chất chống oxy hóa, germanium (cao gấp 6-8 lần trong nhân sâm).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, nấm lim xanh có tác dụng rất tích cực đối với bệnh ung thư. Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn điều trị và mức độ thích ứng của cơ thể, nếu bệnh ung thư giai đoạn cuối chuyển sang di căn thì nấm lim xanh sẽ phát huy vi trò nâng cao hệ thống miễn dịch làm cho cơ thể khỏa mạnh hơn để chống chọi với bệnh chứ không có tác dụng thể điều trị khỏi hẳn. 

Nếu dùng nấm lim xanh để bồi bổ cơ thể và ngăn ngừa ung thư thì rất hiệu quả, đặc biệt đối với các loại bệnh ung thư do tích lũy độc tố mà phát sinh.

Ngoài ra, nấm lim xanh còn có nhiều công dụng khác như điều trị chứng bệnh cao huyết áp, tiểu đường, chống viêm nhiễm, giảm lão hóa, làm mạnh gan, tăng sức đề kháng, loại nấm lim xanh này và lớp bào tử của nấm còn có tác dụng làm đẹp da và giảm béo.

Tiến sĩ Hiếu cũng khuyến cáo, người dân nếu có điều kiện mỗi ngày nên dùng khoảng 5-10g nấm lim xanh pha với 2 lít nước, sau khi đun sôi tiếp tục đun thêm 20-30 phút nữa. Nên dùng thường xuyên ngay cả khi không có bệnh để ngăn ngừa nhiều chứng bệnh và bảo vệ sức khỏe.

Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ