Sân khấu nóng với kịch Lưu Quang Vũ

Sân khấu nóng với kịch Lưu Quang Vũ

(GD&TĐ) - Lưu Quang Vũ là hiện tượng của sân khấu Việt Nam ở thập niên 70 – 80 của thế kỷ 20. Gần 10 năm viết cho sân khấu, ông đã để lại một số lượng lớn kịch bản về nhiều vấn đề của cuộc sống, xã hội với tư duy sâu sắc và đầy tính nhân văn. 25 năm sau ngày ông mất, những vở kịch ấy vẫn đầy sức sống dù cuộc sống đã nhiều biến đổi. 

Sau 25 năm vẫn ngồn ngộn sức sống

Mùa hạ cuối cùng – kịch Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng
Mùa hạ cuối cùng – kịch Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Nhân tưởng niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một liên hoan các vở diễn của ông đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) tổ chức. 11 vở diễn nổi tiếng như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9; Nàng Sita; Điều không thể mất; Mùa hạ cuối cùng; Ông không phải bố tôi... đã được nhiều đơn vị sân khấu kịch, chèo, cải lương, dân ca trên cả nước lựa chọn dàn dựng và ra mắt khán giả.

Dường như kịch của Lưu Quang Vũ không có tuổi và chưa bao giờ cũ. Người xem vẫn nhận thấy những triết lý sâu sắc, sự đúc kết hài hước nhưng hết sức châm biếm, trong từng câu chữ của kịch Lưu Quang Vũ dù được diễn dưới thể loại nghệ thuật nào. 

Kịch Lưu Quang Vũ sau cả một chặng đường dài mà vẫn có được sức sống mãnh liệt, sức hấp dẫn kỳ lạ bởi ở đó ông đã thể hiện và kết hợp nhuần nhuyễn được khả năng của bản thân. Đó là sự quan sát tuyệt vời, sự nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách sắc sảo nhanh nhạy mà cũng vô cùng tinh tế kết hợp với kho tàng trí thức có trên nhiều mặt. 

Các nhà biên kịch ngày nay cũng đánh giá, Lưu Quang Vũ vô cùng tài năng trong việc đưa những tình tiết có thật trong cuộc sống trở thành chi tiết nghệ thuật mang sức khái quát, có ý nghĩa mà không sống sượng. Mỗi tác phẩm nghệ thuật của ông được phổ biến và đưa vào đời sống thực tại một cách thoải mái như vốn dĩ nó đang diễn ra. Kịch của Lưu Quang Vũ không chỉ là sự phát hiện, xây dựng thành công những nhân vật mang dáng nét con người mới hôm nay và ngày mai, mà còn không ngần ngại phê phán các kiểu nhân vật tiêu cực có thật trong đời sống, thuộc đủ mọi giai tầng, những nhân vật trước kia người ta thường né tránh...

Giới phê bình sân khấu cũng chỉ ra rằng, sự mạnh mẽ, quyết liệt, phản ánh thực tế đời sống, không ngại lên án tiêu cực trong xã hội, nói được nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân... là điểm mạnh của kịch Lưu Quang Vũ. Và những điều đó khiến kịch của ông mang tính thời sự và luôn thu hút khán giả dù ở thời đại nào. 

Sân khấu kịch Việt Nam sau 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ vẫn khó khăn để tìm được một tác giả có thể lấp đầy khoảng trống ấy. Kịch Lưu Quang Vũ đã góp phần tạo nên một diện mạo mới mẻ mang tính đột phá cho sân khấu cả nước với những đề tài mà ông đề cập. Những điều mà Lưu Quang Vũ mang tới cho sân khấu đã và đang làm cho sân khấu trở nên sang trọng, chính thống, làm giàu những giá trị chân thiện mỹ...

Sân khấu sống dậy 

Lâu lắm rồi, các nhà hát kịch ở Hà Nội mới lại đồng loạt đỏ đèn, nhộn nhịp khán giả vào ra, ngồi kín chỗ, xem từ đầu đến cuối vở diễn... như thời điểm diễn ra liên hoan kịch Lưu Quang Vũ. 

Và cũng khác hẳn với những liên hoan sân khấu khác, khi các nhà hát phải lo lắng không thu hút được khán giả, vé cho không biếu không cũng không kéo được khán giả tới xem... thì liên hoan này nhà hát lại lo không đủ chỗ để khán giả ngồi theo dõi. Các vở diễn đều đã diễn ra với số lượng khán giả chật kín ghế nhà hát, thậm chí ở một số vở người ta chấp nhận cả ngồi ghế kê thêm, rồi đứng... cốt chỉ được xem kịch Lưu Quang Vũ.

Ở nhiều vở diễn, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh còn đặt 150 ghế để giáo viên học sinh nhà trường thưởng thức. Các vở diễn Nàng Sita; Ngọc Hân công chúa của Nhà hát Chèo Hà Nội đã bán hết lượng vé. Đêm khai mạc vở diễn Ông không phải bố tôi tại rạp Công nhân chật kín chỗ ngồi và thu hút khán giải ngồi từ đầu tới khi màn nhung khép lại. Thậm chí, ngay cả buổi tổng duyệt của Nhà hát Tuổi trẻ vở Mùa hạ cuối cùng cũng đông một cách bất thường.

Để chuẩn bị cho liên hoan, 10 đơn vị nghệ thuật đã bước vào luyện tập 14 tác phẩm nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - khẳng định: Đây là lần đầu tiên một liên hoan lớn của giới sân khấu tổ chức để tôn vinh giá trị nghệ thuật các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. 

NSƯT Anh Dũng, người thể hiện vai Trương Ba chia sẻ: Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn rất vui khi được mời tham gia biểu diễn. Khi tập lại vở diễn cùng các bạn nghệ sĩ trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về một thời rực rỡ của sân khấu hiện đại Việt Nam khi mà các tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ đều rất nhiệt huyết. Và khán giả cũng vậy, khi đó họ đâu có dư dả. Nhiều người nhịn ăn, nhịn mặc để mua cho kỳ được một tấm vé để được xem kịch Lưu Quang Vũ...

Đạo diễn, NSND Lan Hương vô cùng háo hức khi được dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt cho sân khấu kịch hình thể. Đây là dự định ấp ủ của chị từ rất lâu mà chưa có cơ hội được thực hiện. Lần này, Lan Hương lựa chọn đưa hình thức của Tuồng vào dàn dựng và sự thử nghiệm lại là trên nền âm nhạc đương đại. 

NSƯT Chí Trung đã đầu tư rất nhiều tâm huyết cho Mùa hạ cuối cùng cũng như anh đã từng miệt mài với vở Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ vài tháng trước đây. Mùa hạ cuối cùng đã được thổi thêm những hơi thở mới đương đại song được khán giả chấp nhận và đánh giá cao. 

Có thể nói, Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ là dịp để những nhà hoạt động sân khấu, lãnh đạo của các đơn vị sân khấu có dịp nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại quá khứ, mong muốn, nhu cầu của khán giả... để tìm ra những hướng đi mới hơn. Từ đó, cũng đòi hỏi khôi phục lại sự hấp dẫn đã từng có của sân khấu đối với khán giả ngày hôm nay, đồng thời làm sống dậy sân khấu kịch nghệ vốn đang ảm đạm và bế tắc.

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một hiện tượng của sân khấu Việt Nam ở hai thập niên 70-80 thế kỷ 20. Gần 10 năm viết cho sân khấu, ông đã để lại một số lượng lớn kịch bản về nhiều vấn đề của cuộc sống - xã hội với tư duy sâu sắc, đầy tính nhân văn. Nhiều đơn vị sân khấu kịch, chèo, cải lương, dân ca trên cả nước đã chọn dựng các kịch bản của Lưu Quang Vũ.

Thái Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ