Sân khấu: Loay hoay trước cách mạng 4.0

GD&TĐ - Giữa thời cách mạng công nghiệp 4.0, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung không thể đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, dường như tất cả vẫn đang loay hoay, lúng túng… 

Sân khấu kịch gặp không ít khó khăn trong thời đại công nghệ. Ảnh: IT
Sân khấu kịch gặp không ít khó khăn trong thời đại công nghệ. Ảnh: IT

Đó là những băn khoăn, trăn trở của các nghệ sĩ, chuyên gia, biên kịch… khi tham dự hội thảo “Sân khấu Hà Nội với cách mạng công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.

Cũ kỹ và lạc hậu

Dù ghi nhận sự tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần hai và lần ba đã phần nào thúc đẩy sân khấu nước nhà phát triển theo hướng hiện đại hóa (âm thanh, ánh sáng, video, kết nối truyền thông…), thế nhưng các ý kiến tại hội thảo lại tiếp tục than phiền về sự cũ kỹ và lạc hậu của cơ sở vật chất, hệ thống các rạp hát và nhà hát.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, hiện tại sân khấu Thủ đô còn chậm đổi mới, chưa chuyển đổi, thích ứng kịp những bước đi nhanh, mạnh như vũ bão của khoa học công nghệ. TS Trần Thị Minh Thu thì cho rằng, hiện nay cơ sở vật chất, hệ thống các rạp hát và nhà hát hầu hết đều không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhân loại tiến bộ. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội hài hước nói rằng, các rạp hát, nhà hát rất đẹp, rất hoành tráng ở bên ngoài nhưng bên trong thì vẫn là các thiết bị kỹ thuật dành cho sân khấu của những năm 50 thế kỷ trước.

Là họa sĩ thiết kế mỹ thuật đã có nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, NSND Lê Huy Quang đưa ra thống kê: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có các rạp hát được cho là “hiện đại” nhất nhì cả nước. Thế nhưng, trong tất cả các công trình đó, ngoài Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô và Rạp hát Kim Mã được xây dựng mới, còn lại đều được tu bổ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trên cơ sở cũ, có rạp hát đã trên trăm năm tuổi... Cùng với đó, nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu.

“Sân khấu của ta vẫn chỉ là một sàn diễn cố định vài chục mét vuông từ đầu đến cuối vở diễn với những riềm, cánh gà cố định và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ ca, múa, nhạc, giao hưởng hợp xướng, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói cho đến cả hoa hậu áo dài và thời trang áo tắm… Các thao tác kỹ thuật như tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, panô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ, vải và nhựa…

Cũng có lúc bấm nút bằng công tắc điện, nhưng có lúc phông mềm lên rất nhanh, có lúc đã hết nhạc chuyển cảnh mới lừ lừ hạ xuống… Các nghệ sĩ biểu diễn thì toát mồ hôi, còn khán giả thì cười vui thông cảm. Đó là chưa kể đến chức năng của đèn pitstole (đèn dọi), đạo diễn xử lý chỉ cần đặc tả vào gương mặt một nhân vật thôi, nhưng chỉnh đi chỉnh lại, quầng ánh sáng của pít vẫn cứ chiếu sáng cả người và cả phông cảnh nữa, lại còn đong đưa bên này bên kia, và một bác hậu đài chạy như bay đến, giữ chặt lấy cái đèn dọi, nhưng chỉ được một lúc thôi, vì cái đèn nóng quá - âm nhạc đang đặc tả cao trào, gợi cảm, diễn viên đang đắm mình vào diễn xuất - nhưng đèn pít thì đã tắt ngấm từ lúc nào…” - NSND Lê Huy Quang dẫn chứng.

Không thể trốn mãi vào “tháp ngà” lịch sử

NSND Lê Tiến Thọ đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại hội thảo. Theo ông, với sự vận động, phát triển mạnh mẽ của xã hội giữa thời 4.0, sân khấu không thể cứ chăm chăm khai thác các đề tài lịch sử để mà né tránh những đề tài hiện thực. Sự né tránh này sẽ khiến sân khấu rời xa thực tiễn và khán giả ngày càng quay lưng với sân khấu. Và có đau lòng hay không khi các danh hiệu NSND, NSƯT ngày một đông đảo song khán giả không đến rạp thì “danh hiệu đó có là vinh hay không?” - NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn đặt câu hỏi. Vì vậy, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, hơn lúc nào hết, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung phải thay đổi tư duy sáng tạo, tư duy quản lý một cách quyết liệt “để giữ cho sân khấu không tiếp tục bị tụt dốc… Và từ cuộc cách mạng công nghiệp này, tại sao Hà Nội không xây dựng một đề án sân khấu robot?” - NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Phân tích sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống xã hội sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội mới với sự gia tăng những mâu thuẫn, xung đột mới như: Vai trò cá nhân, cô lập cá nhân với các mối quan hệ xã hội, làm suy giảm một số giá trị đạo đức của con người, sự phân hóa giàu nghèo… TS Trần Thị Minh Thu nhấn mạnh: “Để bắt kịp với sự phát triển của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các nghệ sĩ phải nắm bắt, phản ánh nhanh nhạy những vấn đề xã hội mới, mang tư tưởng thời đại, sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả mới”.

Dẫn lại câu nói của NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam rằng: “Nhắc đến sân khấu hiện nay mà có cảm giác như sân khấu đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Nhìn vào cả hai dòng sân khấu là công lập và xã hội hóa, dòng nào cũng có vấn đề”… Tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du cũng trăn trở trước thực tế sau các hội diễn, kỳ, cuộc liên hoan các rạp hát vẫn vắng khán giả.

Vậy nên, cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội để sân khấu làm một cuộc… cách mạng cho chính mình “bằng cách tự thay đổi trong tư duy về cuộc sống; thay đổi quản lý kiểm duyệt theo chiều sâu, giao quyền tự quyết - tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nghệ thuật; bằng sự đầu tư thích đáng về các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ... sự thiết lập các kênh truyền thông tương tác hiệu quả…”, tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du đề xuất.

NSND Lê Huy Quang thì cho rằng, sân khấu Việt Nam nói chung trong đó có sân khấu Thủ đô nếu không được công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách đồng bộ, triệt để từ cơ sở vật chất, kỹ thuật của các rạp hát, nhà hát thì sẽ lạc hậu và còn tiếp tục tụt hậu.

Không công nghệ nào thay thế được sự sáng tạo của con người

Các nghệ sĩ, biên kịch, nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh rằng dù các cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại đến đâu thì không bao giờ thay thế được sự sáng tạo của con người. Thế nhưng, sự sáng tạo của con người giữa thời cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần phải thay đổi, phải biết tiếp nhận, ứng dụng hiệu quả những thành tựu của cuộc cách mạng này thì mới tạo nên sự đổi mới, đột phá về mặt hình thức nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ