Sân khấu ca nhạc: Mất dần sức hút

GD&TĐ - Những năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế và ca nhạc truyền hình nở rộ khiến sân khấu ca nhạc trở nên ế ẩm. Các liveshow ca nhạc đã không còn là điều mới cuốn hút công chúng.

Hình ảnh trong liveshow Để nhớ một thời tại Hà Nội
Hình ảnh trong liveshow Để nhớ một thời tại Hà Nội

Liveshow ế ẩm, truyền hình lên ngôi

Mới đây, Hồ Quỳnh Hương - một giọng ca đầy nội lực - bất ngờ hủy show tại Trung tâm Hội nghị quốc gia khiến cho sân khấu ca nhạc càng thêm ảm đạm.

Trước đó, hai đêm nhạc của Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng vào cuối năm đều không “cháy vé” như kỳ vọng. Và chương trình Young hit, young beat đầy sáng tạo với một không gian âm nhạc tươi mới của Mỹ Linh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Như mọi năm, thời điểm tháng 3 là thời điểm tất bật của các sân khấu ca nhạc. Thế nhưng, năm nay các liveshow ca nhạc dường như vắng bóng.

Trong tháng 3, chỉ có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thực hiện một show cỡ nhỏ cùng các đồng nghiệp trẻ tại sân khấu 126 và liveshow Khánh Bình - Một trái tim hai tiếng hát vào ngày 19/3 tại sân khấu Trống Đồng.

Hiện nay, ca nhạc truyền hình gần như đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả. Muốn nghe nhạc xưa đã có Sol vàng, Tình khúc vượt thời gian, Tình nhạc trẻ đã có Tôi tỏa sáng (VTV9), Bài hát yêu thích (VTV1).

Muốn nhạc theo yêu cầu đã có Thay lời muốn nói (HTV). Muốn thưởng thức những sáng tác mới đã có Bài hát Việt (VTV3). Muốn nghe ca khúc cách mạng đã có Giai điệu tự hào (VTV1), Những bài hát còn xanh (VTV6)...

Đó là chưa kể những chương trình ca nhạc tổng hợp, chọn lọc trên các kênh truyền hình dành cho giới trẻ như: MTV, YAN TV, Yeah1...

Nhiều người trong nghề mạnh miệng khẳng định sân khấu ca nhạc rất khó có cơ hội sung sức trở lại vì các chương trình truyền hình thực tế và ca nhạc truyền hình đang làm mưa làm gió khắp cả nước.

Cần sự đột phá, mới mẻ

Thời điểm này, khi nền công nghiệp ghi âm và phát hành ở Việt Nam đã rầm rộ, chuyện làm sao để ra mắt một tác phẩm mới thật không dễ.

Những người làm nghệ thuật mất dần tính nghệ sĩ, không
dám đương đầu với thách thức, không dám giới thiệu bài hát mới.
Các liveshow ở nhiều nơi phần lớn chỉ là gom lại những bài hát cũ, hòa âm cũ, kiểu trình diễn cũ... với mục đích là doanh thu chứ không có gì mới.

Vì thế, các liveshow đầy ngôi sao vẫn ế ẩm, vé bán không hết. Và loại liveshow đó vẫn được đưa đi khắp đất nước, không có gì khác biệt. Và nhiều người cho rằng đó không khác gì gánh hát của đầu thế kỷ 20 nhưng vé thì bán theo giá thế kỷ 21.

Theo nhạc sĩ Phan Trần Bảng, “liveshow thể hiện những gì đẳng cấp, là dấu mốc quan trọng của người nghệ sĩ. Do đó, liveshow đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài việc phải có thực lực nhất định để hát xuyên suốt trong đêm nhạc còn phải có sự đột phá thật sự trong giọng hát, trong cách thể hiện.

Đạo diễn phải có những ý tưởng mới mẻ trong thiết kế sân khấu, kịch bản… Để đầu tư cho một liveshow là cả một lộ trình tư duy chu đáo chuẩn bị trong thời gian dài chứ không phải hứng lên là làm. Đáng tiếc, hiện nay từ liveshow đang bị lạm dụng quá đà và rẻ hóa”.

Nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hải Phong cho rằng, nhiều show liên tục bị lỗi âm thanh, giọng hát không đủ thực lực nên thường bị chênh phô khi hát live. Hát trong liveshow nghĩa là thường hát lại bài “tủ” trong những giai đoạn rất sung mãn của ca sĩ đó. Đó không hẳn là một lợi thế mà thường là một áp lực với nghệ sĩ.

Bởi khán giả muốn nghe họ hát bằng hoặc hơn phong độ trước đây chứ không được phép hát dở hơn.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ