Sàn diễn “rón rén”... thắp lửa

Sàn diễn “rón rén”... thắp lửa

“Khởi động”… khán giả

Vào những dịp 1/6 ở những năm trước, hầu như nhà hát, đơn vị nghệ thuật nào cũng chuẩn bị nhiều chương trình để bày tiệc “đãi” khán giả nhí nhân dịp Tết thiếu nhi. Cũng vào dịp này ở những năm trước, không ít phụ huynh thường nôn nóng tìm đến các nhà hát, đơn vị tổ chức biểu diễn tìm kiếm chương trình, vở diễn hay để làm quà tặng cho con, cháu mình nhân dịp Tết thiếu nhi. Thế nhưng năm nay, những điều thường thấy ấy đã không xảy ra bởi dịch Covid-19 hoành hành đã khiến sàn diễn phải đóng băng suốt mấy tháng liền. Đến thời điểm này khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát thì không phải nhà hát hay đơn vị nghệ thuật nào cũng đã có thể sẵn sàng… “tỉnh giấc”. Dường như tất cả còn “rón rén” thắp lửa khi chỉ có đôi ba nhà hát gắng gỏi sáng đèn vào dịp Tết thiếu nhi bằng một hai chương trình mới, đôi ba chương trình ăn khách của các năm trước để “khởi động”... khán giả.

Có lẽ, tiên phong hơn cả là Nhà hát Tuổi trẻ khi nhà hát này cùng lúc “đãi” khán giả nhí 3 chương trình: “Trống Choai đi đâu thế?” (nhạc kịch vui), “Vaxilixa và phù thủy độc ác” (kịch), “Cuộc chiến vô cực” (nhạc kịch). Cả ba chương trình này cùng “khởi động”… khán giả ở rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng bằng những câu chuyện kể về các chuyến phiêu lưu thú vị. Chẳng hạn, khi thưởng thức vở nhạc kịch “Cuộc chiến vô cực” (tác giả: Kim Thúy, đạo diễn: Chí Huy), khán giả sẽ không khỏi bất ngờ khi được tham gia chuyến phiêu lưu của các siêu nhân nhưng lại trong câu chuyện được phóng tác từ những tích truyện dân gian Việt Nam. Đặc biệt, thêm một lần nữa các cô, cậu học trò được gặp người mẹ nhân hậu trong truyện “Hai cây phong” của nhà văn E.Sơ-vác-xơ. Người mẹ ấy không chỉ thông minh và dũng cảm cứu hai người con lạc lối vì ham chơi của mình, mà còn trở thành người gắn kết những người bạn thú rừng cùng nhau đoàn kết lao động, mưu trí chiến đấu chống lại mụ phù thủy độc ác.

Sân khấu Lệ Ngọc cũng tích cực “khởi động”… khán giả khi công diễn vở kịch “Cây tre thần” tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hoàn Kiếm) mới được sân khấu tư nhân này dàn dựng từ trước khi dịch bệnh xảy ra. Vở kịch được phóng tác từ truyện cổ tích dân gian quen thuộc: “Cây tre trăm đốt” dù bám sát cốt truyện song có nhiều màu sắc mới từ cách tạo hình nhân vật cho đến không gian sân khấu cũng như thông điệp: Bảo vệ cây tre là bảo vệ hồn cốt dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà hát Múa rối Thăng Long “khởi động”... khán giả bằng vở rối cạn mới dàn dựng “Mèo và chuột” tại rạp 57B Đinh Tiên Hoàng và phục vụ biểu diễn lưu động các chương trình rối nước: “Công chúa tóc mây”, “Bay lên từ mặt nước”… Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng “khởi động”... khán giả bằng việc tiếp tục biểu diễn chương trình xiếc và ảo thuật “Cướp biển” tại Rạp xiếc Trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng).

“Rón rén”... thắp lửa

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho hay, vì phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 nên nhà hát không kịp dàn dựng chương trình mới để phục vụ khán giả nhí trong dịp Tết thiếu nhi. Tuy nhiên, từ ngày 28/5 cho đến ngày 6/6, nhà hát bắt đầu “khởi động”... khán giả với vở rối cạn “Công chúa tóc vàng” – một vở diễn kinh điển của nghệ thuật múa rối nước nhà đã được dàn dựng cách đây gần 60 năm. Ở phiên bản mới được dàn dựng trong dịp Noel 2019, câu chuyện cổ tích trong “Công chúa tóc vàng” sẽ mang nhiều màu sắc tươi mới, cuốn hút.

Chia sẻ về câu chuyện sáng đèn trở lại sau dịch Covid-19, đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, các suất diễn dịp Tết thiếu nhi năm nay phần lớn được thực hiện theo hợp đồng và thuộc dự án “Bay lên những ước mơ”. “Dù không thể nhộn nhịp như mọi năm, song đây là dịp để chúng tôi “rón rén” khởi động. Nhân dịp này, dự án “Bay lên những ước mơ” sẽ dành tặng hàng nghìn vé xem chương trình cho con em các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... để tri ân tuyến đầu chống dịch. Khi khán giả đến rạp sẽ được hướng dẫn các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch Covid-19”, đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến nói.

Còn đối với nghệ sĩ, việc được biểu diễn trở lại luôn là niềm hạnh phúc mà người người mong chờ trong suốt mấy tháng qua. Dịp này, nghệ sĩ Chí Huy (Nhà hát Tuổi trẻ) không chỉ tham gia biểu diễn mà còn đóng vai trò là tác giả vở “Trống Choai đi đâu thế?” và là đạo diễn vở “Cuộc chiến vô cực”. “Dù đã gắn bó bao năm với ánh đèn sân khấu nhưng tôi thấy mình mang cảm xúc thật lạ khi được gặp lại khán giả của mình vào đúng dịp Tết thiếu nhi sau dịch Covid-19. Đấy là cảm xúc vừa hân hoan vừa bồi hồi vừa hạnh phúc. Vậy nên chắc chắn những suất diễn này sẽ lưu lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với chúng tôi”, nghệ sĩ Chí Huy bày tỏ.

“Vào những năm trước, dịp Tết thiếu nhi khiến các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam phải ăn – ngủ ngay tại rạp cả tháng trời. Cũng vì khi đó các em học sinh đã được nghỉ hè và mỗi tấm vé đi xem nghệ thuật được xem là món quà bố mẹ dành tặng khi kết thúc một năm học vất vả. Thế nhưng năm nay Tết thiếu nhi đã đến, song học sinh vẫn còn phải đến trường học tập nên các suất diễn thưa hơn rất nhiều và đều là hợp đồng tại rạp, không bán vé. Cùng với đó, vì tâm lý khán giả sau dịch Covid-19 còn có nhiều e ngại đến rạp nên chúng tôi mới chỉ “rón rén” tổ chức một số suất diễn cùng niềm hy vọng thắp lại những ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho sân khấu”. - NSND Nguyễn Tiến Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.