Sắm vở có hình Trường Sa, Hoàng Sa cho con đón năm học mới

GD&TĐ - Thị trường đồ dùng học tập của học sinh phục vụ cho năm học mới đã trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nét mới của năm nay đó là, phụ huynh đã lựa chọn nhiều hơn những sản phẩm được sản xuất từ trong nước và lồng ghép tình cảm yêu Tổ quốc vào trong từng món đồ học tập cho con.

Sắm vở có hình Trường Sa, Hoàng Sa cho con đón năm học mới

Háo hức sắm sanh

Dùng hàng trong nước, chất lượng tốt, giá thành lại rẻ mà mẫu mã cũng đẹp chẳng kém gì so với hàng nước ngoài.

Anh Lưu Quang Huy

Cũng như nhiều phụ huynh khác, thời điểm này vợ chồng Anh Lưu Quang Huy – Phố Võng Thị (Tây Hồ - Hà Nội) đã chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng học tập cần thiết cho hai con của mình. 

Hôm nay, tranh thủ thời gian nghỉ trưa, anh đã dẫn cô con gái đi mua quần áo đồng phục. Anh cho biết: “Quan điểm của vợ chồng tôi là “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nên các loại bút, thước, sách, vở, cục tẩy chì và các đồ dùng học tập khác tôi đều lựa chọn có nguồn gốc sản xuất từ trong nước”.

Cũng giống như vợ chồng anh Huy, chị Nguyễn Thị Chinh ở Thanh Trì (Hà Nội) cũng lựa chọn cho con những đồ dùng học tập với các nhãn hiệu như: Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà, Hải Tiến...  “Tôi cũng chọn cho cháu các quyển vở có in hình các danh nhân đất Việt, hình ảnh quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa... để tăng thêm tính giáo dục, để con luôn yêu Tổ quốc, lớn lên biết bảo vệ đất nước” – Chị An chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Thị An - nhân viên bán hàng văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh Thịnh Đức trên phố Lương Văn Can, năm nay hầu hết các cha mẹ đều lựa chọn các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất từ trong nước. Không riêng gì phụ huynh, mà nhiều em học sinh cũng lựa chọn đồ dùng học tập cho mình từ các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam. 

Vì vậy lượng sản phẩm là dồ dùng học sinh có nguồn gốc sản xuất ở Việt Nam bán ra năm nay tăng mạnh, gấp đôi so với năm ngoái. Ngược lại những mặt hàng Trung Quốc bán rất chậm, thậm chí có ngày còn không bán được mặt hàng nào.

Đặc biệt, năm nay, các loại vở, bút có in hình quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được rất nhiều cha mẹ và các em học sinh lựa chọn.

Cha mẹ chọn đồ dùng học tập cho con tại một cửa hàng trên phố Lương Văn Can (Hà Nội). Ảnh chụp lúc 17h ngày 20/8/2014
 Cha mẹ chọn đồ dùng học tập cho con tại một cửa hàng trên phố Lương Văn Can (Hà Nội). Ảnh chụp lúc 17h ngày 20/8/2014

Không biến động về giá

Khảo sát tại một số cửa hàng bán đồ dùng học tập, văn phòng phẩm trên phố Lý Thường Kiệt, Tràng Tiền cho thấy, đồ dùng học tập như bút mực, bút chì, thước kẻ, tẩy, ba lô, cặp sách… hay bàn ghế, bảng xóa đa năng, đèn chống cận thị mang nhãn hiệu trong nước khá phong phú với đủ chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng đẹp, độ bền cao và chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại.

Đặc biệt là, mặc dù thời điểm này sức mua tăng mạnh nhưng giá các loại đồ dùng học tập đều ổn định không biến động nhiều so với năm ngoái. 

Giá vở học sinh trên thị trường loại 60 trang giá từ 3.500-5.000 đồng/cuốn; loại 80 trang từ 8.000-11.500 đồng/cuốn; loại 120 trang từ 15.000 - 18.500 đồng/cuốn; bút mực giá từ 25.000 - 70.000 đồng/chiếc, bút bi các loại từ 2.000-20.000 đồng/chiếc… Các loại cặp, ba-lô giá từ 150.000 đến 500.000 đồng/chiếc...

Đối với sách giáo khoa, năm nay chủ yếu là tái bản nên giá bán không điều chỉnh so với năm ngoái. Giá một bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 dao động từ 104.700 đến 168.800 đồng; lớp 6 - lớp 9 từ 168.000 đến 241.300 đồng; lớp 10 - lớp 12 giá 227.700 đến 236.700 đồng.

Sức mua SGK tại Trung tâm Sách Tràng Tiền giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh chụp lúc 17h30" ngày 20/8/2014
 Sức mua SGK tại Trung tâm Sách Tràng Tiền giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Ảnh chụp lúc 17h30" ngày 20/8/2014

Tuy nhiên, theo chị Nguyệt - Trưởng Trung tâm Văn hoá phẩm – Sách Tràng Tiền và một số nhân viên bán hàng của Nhà sách Hồng Hà (Lý Thường Kiệt – Hoàn Kiếm, Hà Nội), sức mua sách giáo khoa năm nay giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm ngoài. Nguyên nhân là do các bậc phụ huynh đã đặt mua cho con ở trường học.

Nhưng ngược lại, các loại sách tham khảo vẫn giữ được mức tiêu thụ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, thị trường loại sách này phải đến khi năm học mới chính thức bắt đầu mới thực sự sôi động.

May đo đồng phục "ỉu"

Cùng với các mặt hàng đồ dùng học tập, thời điểm này thị trường đồng phục học sinh cũng bắt đầu nhộn nhịp. Các loại quần áo đồng phục may sẵn năm nay cũng khá đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã, chất liệu khác nhau.

Anh Lưu Quang Huy đang lực chọn quần áo đồng phụ cho con tại cửa hàng Đức Hạnh trên phố Hàng Trống (Hà Nội)
Anh Lưu Quang Huy đang lực chọn quần áo đồng phụ cho con tại cửa hàng Đức Hạnh trên phố Hàng Trống (Hà Nội) 

Khảo sát tại một số cửa hàng bán quần áo đồng phục học sinh cho thấy, từ đồng phục quần tây, áo sơ mi đến quần áo thể thao và đồng phục mùa đông giá không cao hơn so với năm ngoái.

Theo đó, tùy chất liệu vải, kích cỡ, giá đồng phục mùa hè dao động từ 150.000 đến 230.000 đồng/bộ. Với đồng phục mùa đông dao động từ 180.000 đến 350.000đồng/chiếc.

Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng đồng phục học sinh Đức Hạnh trên phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm – Hà Nội), nếu so với năm ngoái, sức mua năm nay giảm khoảng một nửa. 

Cùng thời điểm này, năm ngoái trung bình mỗi ngày cửa hàng nhà chị có thể bán đến 50 bộ quần áo, thậm chí còn nhiều hơn. Thế nhưng năm nay trung bình mỗi ngày chỉ bán được khoảng từ 15 đến 20 bộ. 

Có ngày may mắn lắm mới bán được khoảng 30 bộ. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do phần lớn cha mẹ học sinh đều đặt mua đồng phục tại trường học.

Mùa tựu trường cũng chính là cơ hội để hàng Việt Nam khẳng định vị trí của mình đối với người tiêu dùng. Do vậy, hơn lúc nào hết các công ty, cơ sở sản xuất cần không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng cần tập trung kiểm tra, rà soát các cửa hàng, kho lưu trữ đồ văn phòng phẩm, đồ dùng học tập để kịp thời phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và không phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh lớn, các kho tàng bến bãi, các siêu thị, cửa hàng, các tuyến đường vận chuyển văn phòng phẩm nhập lậu số lượng lớn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ