Sai phạm của Trường ĐH Đông Đô: Giải thể nhà trường nếu thấy cần thiết

GD&TĐ - Liên quan đến việc Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô và một số đối tượng liên quan để điều tra về hành vi “Giả mạo trong công tác”; TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đây là lần thứ hai, cán bộ trường này vướng vào vòng lao lý.

Website của Trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh “rầm rộ”
Website của Trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh “rầm rộ”

Không phải lần đầu tiên sai phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, TS Lê Viết Khuyến cho hay, cách đây hơn 10 năm, Trường ĐH Đông Đô cũng xảy ra vụ việc gian lận có liên quan đến công tác tuyển sinh, sửa điểm. Sự việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng vào cuộc, sau đó lãnh đạo nhà trường bị truy tố.

Theo TS Lê Viết Khuyến, ở Trường ĐH Đông Đô có nhiều cái sai như: Đào tạo rút ngắn thời gian, quá trình đào tạo không bảo đảm chất lượng. Theo quy định tại Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, văn bằng GDĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD&ĐT quy định. Vì thế trách nhiệm quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ thuộc về cơ sở GDĐH. Cơ sở nào lợi dụng quyền hạn của mình để làm trái quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH: Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

“Nói như vậy để thấy rằng, trao quyền tự chủ cho các trường nhưng không phải thích làm gì thì làm. Tự chủ là xu hướng chung, chắc chắn phải làm nhưng tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình. Vậy lâu nay, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện trách nhiệm giải trình hay không? Không thể đổ hết lỗi cho Bộ GD&ĐT” - TS Lê Viết Khuyến bức xúc nói.

Từ vụ việc xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: Phải cắt hoặc tước quyền tự chủ của những trường tuyển sinh, đào tạo không chân chính. Với Trường ĐH Đông Đô, cần làm rõ các sai phạm. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ có các chế tài xử lý nghiêm minh như: Đình chỉ tuyển sinh, thậm chí là giải thể nhà trường (nếu cần thiết).

Xử lý đúng người, đúng tội

Bất bình trước những dấu hiệu hành vi “Giả mạo trong công tác” của ông Dương Văn Hòa và một số cá nhân liên quan, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh: Không thể có chuyện học vài tháng đã được cấp văn bằng 2. Làm gì cũng phải tuân thủ theo pháp luật. “Quan điểm của tôi là, đã sai thì phải xử lý. Anh không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể đổ cho ai được. Chúng ta phải dùng pháp luật để điều chỉnh” - PGS Trần Xuân Nhĩ nói, đồng thời đề xuất: Nếu phát hiện sai phạm trong công tác tuyển sinh thì phải dừng tuyển sinh với Trường ĐH Đông Đô.

Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam không bao giờ ủng hộ những việc làm sai quy định của Trường ĐH Đông Đô nói riêng và các trường ĐH, CĐ nói chung. Vì thế, cá nhân, cơ sở đào tạo nào sai thì phải xử lý nghiêm minh. “Quan điểm của chúng tôi là, sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng người đúng tội. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ có kiến nghị bằng văn bản gửi đến các cơ quan chức năng” - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH do Bộ GD&ĐT tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH nhấn mạnh: Cơ sở GDĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý: Trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…; bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ sai phạm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.