Ảnh minh họa
Yếu tố cần thiết nhất trong tình yêu của cha mẹ giành cho con cái, là giúp con phát triển, lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc. Nếu tình yêu đó có ảnh hưởng xấu đến quá trình khôn lớn của con thì có nghĩa là bạn có những sai sót. Vậy, chúng sai ở đâu?
Tỏ thái độ không yêu thương: Tuy rất yêu thương con nhưng vợ chồng anh Lộc chị Minh thường hay giấu giếm tình cảm của mình, thay vì thể hiện trước mặt con. Mới đây, khi nghe con trai thông báo việc đạt thành tích giỏi trong thể thao, vợ chồng họ chỉ khen ngợi con qua loa, nói con cần cố gắng thêm chứ không nói thêm điều gì hơn. Thế nhưng sau đó, họ lại kín đáo chia sẻ với nhau niềm vui, sự hãnh diện về thành tích của con. Anh Lộc cho biết: ”Vợ chồng tôi phải làm như vậy để con phải nỗ lực hơn. Nếu thể hiện tình cảm với con nhiều quá, không khéo thằng bé lại sinh tật lười nhác”.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái nhưng nhiều người vì muốn răn dạy con mình mà tỏ vẻ không yêu thương. Chính sự thể hiện cảm xúc không đúng, bạn có thể rơi vào thái cực khác, là kiềm chế thể hiện tình yêu của mình. Đó là một sai lầm phổ biến trong giáo dục. Vậy nên, đừng để xảy ra tình trạng trong khi trái tim bạn tràn ngập tình yêu con nhưng nó lại hiện diện quá ít trong cuộc sống thường ngày của con bạn, bởi lẽ trẻ rất cần tình yêu thương của cha mẹ.
Thể hiện tình yêu sở hữu: Chị Lệ hiểu mọi tính ý của con gái mình như thuộc lòng bàn tay. Bởi vì ngay từ lúc nhỏ, con bé đi đâu, với ai, ăn uống gì, vui chơi như thế nào... đều do một tay chị quyết định. Đến tận bây giời, khi đã học hết cấp hai, chuẩn bị lên cấp ba con bé cũng chỉ biết có mỗi mẹ của nó, việc gì cũng nhờ mẹ làm, mà không thể tự quyết định việc gì. Chị Lệ cảm thấy rất hài lòng về con, nhưng chị nào biết chính điều này đã biến con bé trở thành một món đồ trong tay chị, sống thụ động và chỉ biết dựa dẫm vào người khác.
Kiểu yêu con này sẽ vô tình gây cho đứa trẻ cảm giác phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh có cảm giác, chỉ có họ mới biết đứa con yêu quí của mình thích ăn món gì, mặc quần áo nào khi đi chơi, sau giờ học ở trường thích tham gia câu lạc bộ nào. Bằng cách sử dụng quyền lực của mình, điều khiển, kèm cặp con cái, họ tìm cách giữa chúng ở tình trạng phụ thuộc vào mình. Họ đồng thời đối xử với trẻ như đối với đồ vật của mình, mà quên rằng trẻ cũng là một cá thể, dù nhỏ nhưng nó cần mở rộng dần dần quyền của mình và trở thành người tự tin vào bản thân.
Thực tế, là cảm giác sở hữu đều có ở mỗi bậc phụ huynh, nhưng bạn cần tách nói khỏi sự kiểm soát để trẻ cảm thấy được hạnh phúc. Hãy tôn trọng quyền của trẻ được là chính bản thân nó. Việc kèm cặp quá đáng sẽ hạn chế sự phát triển cảm xúc của trẻ. Nếu phục tùng hoàn toàn vào cha mẹ, trẻ sẽ khó tìm được chỗ đứng trong cuộc sống, có thể trở thành nạn nhân của những cá nhân, nhóm người có sức mạnh ý chí và có nhiều ảnh hưởng. Ngoài ra, khi quan hệ qua lại của bạn và trẻ xấu đi theo mức độ trẻ trưởng thành, trẻ có xu hướng ngày càng ít tuân theo sự chỉ đạo của bạn.
Còn với tình yêu tự tôn cha mẹ dành cho con, ở mức độ nào đó đều thỏa mãn tính tự tôn của bạn thông qua trẻ. Tất cả mọi nỗ lực nhằm thực hiện giấc mơ không thành của bạn thông qua trẻ sẽ đều sai lầm, nếu như trẻ không muốn. Những bậc cha mẹ càng hay thỏa mãn tính tự tôn của mình thông qua con cái cho thấy tình yêu của họ dành cho trẻ chỉ mang tính tượng trưng. Bởi vì họ phụ thuộc vào mức độ trẻ đáp ứng tham vọng của họ đến đâu.