Ở tuổi ngoài 60, khi người ta đã lên chức ông bà thì ông Đực vẫn hạnh phúc bên đứa con gái 9 tuổi. Hơn nửa đời người, ông đều không có nhà cửa phải sống lênh đênh theo con nước bên những tòa cao ốc ở TP.HCM
Đã hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Đực (60 tuổi) cùng vợ con sống trên một chiếc ghe cũ kỹ ở chân cầu Rạch Bàn 2 (quận 7, TP.HCM). Ông quê gốc ở huyện Bình Đại (Bến Tre), từ ngày thơ đã quen cảnh sông nước, sống trên ghe thuyền.
Bản thân ông Đực vốn bị cụt chân trai do bom đạn chiến tranh. Sau khi đất nước thống nhất, ông lập gia đình nhưng vợ mất sớm, mình ông "gà trống" nuôi 5 đứa con với nghè chài lưới.
Năm 1995, trong một lần xuôi ghe ở Bến Tre thì ông gặp bà Nguyễn Thị Vĩnh (quê Trà Vinh, hiện 53 tuổi). Bà Vĩnh khi ấy cũng vừa ly dị chồng, có hai con trai riêng. Sau những lần qua lại, ông nói thẳng với bà "Thôi thì tui và cô "rổ rá cạp lại"". Các con ông Đực cũng đồng lòng gặp bà Vĩnh. Gia đình đồng ý, bà Vĩnh theo ông về ghe. Cứ vậy, suốt hơn 20 năm nay, tình cảm ông bà luôn nồng ấm.
Các con riêng của hai người dần lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng, mỗi người đi một nơi. Cứ vậy ông Đực bà Vĩnh nương tựa vào nhau mưu sinh với nghề chài lưới trên chiếc ghe nhỏ ở Bến Tre. Cách đây hơn10 năm trước, họ xuôi dòng nước lên Sài Gòn lập nghiệp với niềm tin "ở thành phố cứ siêng là sống được". Hai vợ chồng dừng ở Rạch Bàn, ông Đực chăm chỉ thả lưới giăng câu. "Ngày ấy cá tôm nhiều, tôi cứ mang lên bờ bán sống qua ngày. Giờ thì ô nhiễm nên tôi bỏ nghề này cả mấy năm nay rồi", ông chia sẻ. Trong ảnh, ông Đực đang sửa chiếc ghe cũ gắn bó với ông từ thời trai trẻ suốt 40 năm nay.
Sau 12 năm nên duyên, cô con gái út Diễm My ra đời như món quà vô giá ban tặng cho hai vợ chồng già. Ở tuổi này, việc có con là niệm hạnh phúc lớn lao của hai người nhưng song hành cũng là nỗi lo "cơm áo gạo tiền" tăng thêm.
Khi cá tôm cũng không còn nhiều, để bươn chải nuôi con nhỏ nên bà Vĩnh lên bờ mở sạp bán nước giải khát. Thay vì lấn ra vỉa hè, hai vợ chồng đắp đất nâng nền lấy chỗ bán nước ngay cạnh con rạch, hướng ra đường Nguyễn Hữu Thọ, đối diện những tòa cao ốc sang trọng.
Còn ông Đực đạp xe đi bán vé số. Ông đi khắp nơi chỉ với một chân và chiếc nạng cắp một bên hông để bán, đến nay những con đường thành phố có lẽ đã nhớ tên bàn chân ông.
Mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Để có nguồn nước sạch, trước kia ông phải đi mua từng bình.
Nhưng hiện tại, một công ty cạnh đó đã nối vòi cho gia đình ba người có nước sạch xài miễn phí.
Tuy nhiên, từ ngày cắm sào ở Sài Gòn, mọi sinh hoạt của ba thành viên gia đình ông Đực chỉ bằng đèn dầu và nến. Rồi có người tốt bụng, cho gia đình nhỏ được cái bình sạc để bé My có ánh sáng học bài. Nhưng cũng có những người, biết gia đình ông khốn khó, đêm đến vẫn lẻn vào lấy cắp từ cái xe đạp cũ đến bịch ve chai.
Cuộc sống trên ghe thiếu thốn đủ thứ, dù trời tối nhưng lúc nào cũng nóng hầm hập và đầy muỗi. Ngày mưa thì nước giột khắp nơi, chiếc ghe còn bị nước kênh tràn vào mang theo đủ thức rác bẩn. “Những tháng mùa mưa ngủ không yên giấc được, nhiều hôm đang thiu thiu mưa đổ ập xuống, nước tràn khắp ghe, lúc đấy tôi chỉ kịp cõng con gái cùng vợ chạy ra khỏi ghe vì sợ chìm”, ông Đực tâm sự.
Bé My đang học lớp 3 tại một trường tình thương. Sau giờ học, My chỉ tha thẩn chơi quanh ghe, làm bạn với mấy con chó, con gà.
Ông Đực đã 60 tuổi, người ngoài nhìn bảo đều bảo là hai ông cháu. Dù vậy, với bé My ông không chỉ làm tròn trách nhiệm người cha mà còn như người bạn, luôn sẵn sàng vui đùa với mọi trò đùa nghịch của một đứa con nít.
Như hiểu được cảnh cơ cực của cha mẹ nên My rất ngoan, không đòi hỏi, quấy khóc mà còn biết phụ giúp việc buôn bán. My khoe:“Sáng cha chở My đến lớp, chiều nào cha về sớm sẽ đón My, không thì My tự đi bộ về”.
Chiều chiều, nếu bán vé số về sớm, ông Đực chống nạng dắt My đi dạo bộ lên cầu Rạch Bàn 2. Những khi về trễ, ông vẫn cố gắng đạp xe chở My đi ngắm phố phường, cao ốc quanh đó hoặc đi xem ké ti vi. "Tôi không dám dắt cháu đi mua sắm hay vào siêu thị, sợ thấy thứ gì bé cũng thích mà mình không có tiền mua thì buồn lắm", ông tâm sự.
Cả gia đình thường chỉ nấu một lần để ăn cho cả ngày. Buổi tối là khoảng thời gian ấm cúng nhất. Cuộc sống trên ghe vất vả nhưng đầy niềm vui khi có tiếng nói trẻ thơ. Hỏi ông bà sao không ráng kiếm căn nhà trọ đàng hoàng? Nhìn trầm ngâm, ông Đực giãi bày: "Giờ thuê nhà ít nhất cũng phải mất 1,5 triệu hàng tháng, chừng ấy tiền nếu không xài thì để dành cho bé My tốt hơn. Sống trên ghe thiếu thốn nhưng đến tháng hết tiền mình vẫn có chỗ ở, không bị chủ nhà đuổi đi".
Dù vậy, cũng nhiều khi bé My ngây thơ hỏi về những căn nhà sang trọng đối diện chiếc ghe cũ."Lúc đó, con bé lại ước giá như nhà ta được ở trong đó. Nghe bé nói câu này, tôi cũng tủi lắm", người cha bộc bạch.
Chín năm trôi qua, con gái càng lớn lên thì ông Đực - bà Vĩnh già đi mỗi ngày. Tóc và râu ông đã điểm bạc nhưng mỗi lần nghe con gái nhỏ thỏ thẻ: “Cha đừng có chết, cha chết con ở với ai”, ông Đực lại lạc quan, vui vẻ và cố gắng mỗi ngày. Dù vậy, ông biết mình đã già nên nỗi lo lớn nhất của hai vợ chồng là chẳng may mình mất đi, bé My sẽ ra sao?