Sách quý chẳng cũ bao giờ

Sách quý chẳng cũ bao giờ

Ngôi nhà sách

Trong một con ngõ nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị là nơi ở của chàng trai Lê Văn Hợp. Gương mặt thư sinh cùng cặp kính cận, dễ để người ta đoán anh là một người luôn theo nếp sống hiện đại. 

Nhưng có lẽ điều đó là nhầm. Bởi ở phố Lê Thanh Nghị, anh Hợp có biệt danh “Hợp khùng”. Đối lập với vẻ ngoài hiện đại là một tâm hồn hoài cổ, với những nếp sống cũ chân chất, mộc mạc và giản dị.

Từ khi Hợp bị cuốn hút vào thế giới của sách cổ, sách cũ là đa mang bao nhiêu những lời ra tiếng vào. Công việc sưu tầm sách cũ, trong tâm thức nhiều người có lẽ chỉ là để dành cho những người già cả, như ông “Dư ngông” ở phố Bà Triệu chẳng hạn.

Còn với tuổi đời ngoài 30 như Hợp, thì công nghệ thông tin đã thay thế sách, chứ đừng nói đến chuyện sách cũ, sách cổ, vừa chật nhà lại thu hút những chuột – gián - mối. Anh Hợp cười: “Mỗi người một quan điểm khác nhau, và tôi tôn trọng họ. Nhưng tôi nghĩ đơn giản rằng, sách là một người bạn, một người thầy, và nó dành cho tất cả những ai đam mê tìm tòi tri thức”.

Trong căn nhà nhỏ của anh, rất khó để tìm ra một ngóc ngách nào không có sách. Sách từ mọi thể loại: Ngôn ngữ, tâm lý, văn học, toán học, triết học, y học, kinh tế, thần bí… với trên 20.000 đầu sách quý và cổ. Với kho sách ấy, không ít các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đến hoặc để tìm hiểu, hoặc để mượn những tư liệu mà bình thường, khó có thể tìm ra ở bất cứ hiệu sách hay ở một nhà sưu tập sách nào khác.

Cho nên ở phố Lê Thanh Nghị, những người già cả nói rằng, trong ngôi nhà nhỏ ấy là một khối kiến thức khổng lồ. Và khối kiến thức khổng lồ ấy do “một thằng nhỏ khùng” mang vác từ khắp các nơi đem về.

Hành trình đi tìm tri thức

Sau một hồi dẫn khách tham quan hàng loạt đầu sách hiếm mà có lẽ đó là lần đầu chúng tôi được thấy, anh Hợp bảo, chưa nói đến tri thức của nhân loại, mới chỉ nói đến tri thức của đất nước Việt Nam thôi cũng đã là vô bờ bến.

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Hợp đã rất đam mê sách. Một phần bởi sống trong một gia đình chữ nghĩa, hiếu học. Phần nữa là nhiều lần chứng kiến những cuốn sách cũ bị vứt vô tội vạ trong những bãi phế liệu, Hợp thấy chạnh lòng!

Sách quý chẳng cũ bao giờ ảnh 1
Thư viện sách cũ của anh Hợp trên phố Lê Thanh Nghị.

Vậy là từ đó, Hợp quyết tâm bắt tay vào gây dựng cho mình một cơ đồ sách cũ. Đi đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai có sách cũ là Hợp ngỏ ý. Có người tặng lại, có người bảo bán… Hợp đều theo ý, miễn sao được sở hữu những cuốn sách kia. 

“Ấy vậy mà đã 20 năm rồi. 20 năm đam mê chưa phải là dài, nhưng rất có ý nghĩa đối với tôi và với những người yêu sách. Nhờ sách, tôi có thêm cho mình nhiều kiến thức và nhiều bạn bè”, anh Hợp chia sẻ.

Với người yêu sách như Hợp, ít ai nghĩ anh từng là dân kỹ thuật, theo học 5 năm ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thế nhưng điều dễ nhận thấy ở anh là sự chậm rãi, từ tốn, tỉ mỉ, đúng chất của một anh giáo làng, một thủ thư cần mẫn. 

Nhiều người nghĩ sưu tập sách cũ đơn giản, chỉ cần bỏ ra một ít tiền mua lại của mấy bà đồng nát. Nhưng thực tế không phải vậy. Anh Hợp phải lang thang khắp các hiệu sách cũ, lặn lội đến nhiều tỉnh, thành để tìm kiếm.

Nhiều cuốn sách quý phát hành những năm 1975 đổ về trước thì lại càng khó tìm hơn. Rất nhiều chủ cửa hàng sách cũ kỳ cựu cũng khó tìm được. Có những lần Hợp lang thang cả tuần mới tìm được một cuốn sách như mong muốn. Sau những chuyến sưu tầm sách cũ, anh Hợp lại cặm cụi đóng gáy, dán trang khôi phục lại quyển sách cho hoàn hảo để bảo quản và giới thiệu đến bạn bè.

“Thời kỳ đầu, gia đình phản đối ghê lắm. Sau thấy việc sưu tầm sách rất có ý nghĩa thì ai cũng tán thành. Bố mẹ tôi còn nhiệt tình giúp đỡ sắp xếp, dọn dẹp và thành những độc giả hăng say của những cuốn sách cũ. Có những cuốn sách phải rất tốn công mới tìm thấy, và lại vô cùng tốn kém để sở hữu được. Có những cuốn sách, tôi phải đi hàng nghìn cây số, hết “phục kích” lại đợi chờ để được chủ nhân bán cho” - anh Hợp cho biết thêm.

Không bao giờ cũ

Gọi thư viện khổng lồ của mình là thư viện sách cũ, nhưng anh Hợp bảo: “Sách chỉ cũ về hình thức, chứ không bao giờ cũ về tri thức”. Có lẽ bởi thế, mà hằng ngày ngôi nhà nhỏ của anh đón tiếp vài chục lượt khách đến tham quan và học hỏi kiến thức.

Trong số hơn 20.000 đầu sách ấy của anh Hợp, chúng tôi nhận thấy những cuốn như “Lược sử Vương quốc An Nam” xuất bản năm 1906, có nghĩa là đã hơn 110 năm. Hay như cuốn “Truyện Kiều” in bằng tiếng Pháp có tuổi đời gần 100 năm.

Hàng chữ lưu bút của người mua sách từ năm 1958.
Hàng chữ lưu bút của người mua sách từ năm 1958.
Một cuốn sách rất cũ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Một cuốn sách rất cũ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Trong những cuốn sách cũ của anh Hợp, thỉnh thoảng người đọc lại được ngắm những hàng chữ viết tay ở ngay trang đầu tiên. Những hàng chữ kỷ niệm của người mua sách từ những năm 1960, 1975… gắn với họ là những kỷ niệm vui - buồn. 

“Qua những hàng lưu bút ấy, chúng ta càng thấy giá trị thời gian quý giá ra sao. Mỗi cuốn sách không chỉ là một người bạn, một người thầy mà còn ẩn chứa cả những tâm tư, kỷ niệm của người đã từng sở hữu”, anh Hợp bộc bạch.

Trong kho sách của mình, anh Hợp gần như có đủ tất cả những kiệt tác của những tác giả nổi tiếng như: Victor Hugo, Lev Tolstoy, Charles Dickens… và anh coi đó là “linh hồn” của thư viện. Có những giá sách anh Hợp dành riêng cho các nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và sắp xếp một cách trang trọng. Trong số ấy có sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê.

“Tôi rất mê sách của cụ Lê bởi kiến thức uyên thâm thường được cụ viết bằng ngôn từ dân dã, dễ hiểu. Hiện nay, tôi đã sưu tầm được khoảng 90 đầu sách của cụ và thỉnh thoảng vẫn đọc đi đọc lại những cuốn sách ấy”. 

Hàng ngày, thư viện sách cũ của anh Hợp vẫn đón tiếp đông đảo bạn đọc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp. Và hàng ngày, trong thư viện ấy vẫn đều đều đưa vào những cuốn sách quý hiếm mà anh tìm được ở đâu đó trong vô vàn những gian khổ.

 “Sưu tầm sách là một thú chơi thanh cao, tao nhã bậc nhất trong mọi thú chơi. Tuy nhiên, sưu tầm sách không đơn giản là bỏ tiền ra mua sách. Nhiều khi, có tiền không mua nổi sách. Bởi vậy, sưu tầm sách ngoài kiến thức, quan hệ thì còn phải có duyên, rất nhiều duyên là đằng khác!” - Anh Lê Văn Hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ