Sách lậu đã hết thuốc trị?

Sách lậu đã hết thuốc trị?

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Trần Ái, tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXBGDVN)  nhấn mạnh, hiện tượng in sách lậu đang là một tệ nạn và đại nạn đối với ngành xuất bản. Chính vì thế theo ông đã đến lúc chúng ta cần phải mạnh tay với hiện tượng trên để làm trong sạch môi trường in ấn, xuất bản sách.

Các đại biểu dự Hội nghị
 Các đại biểu dự Hội nghị

Sách lậu đã hết thuốc trị?

Đây là một thực tế không thể chối bỏ khi hiện nay các ấn bản sách lậu vẫn được “phe” sách in ấn và tung ra bày bán công khai, tràn lan khắp mọi nơi. Lực lượng công an, các nhà xuất bản đã cùng nhau phối hợp và chống lại hiện tượng trên.

Nhưng đến nay, theo sự thừa nhận của nhiều đại biểu, công tác trên vẫn chỉ như muối bỏ biển khi các hình thức in ấn, sao chép sách lậu ngày càng trở nên tinh vi và khó kiểm soát hơn.

Ông Lê Hữu Tỉnh, phó tổng biên tập NXBGDVN nhận định: Những kẻ in lậu sách đã nhờn với pháp luật khi họ bất chấp sự truy quét của lực lượng chức năng, khiến cho công tác phòng chống và đấu tranh với tình trạng in sách lậu chưa thật sự mang lại hiệu quả. Cụ thể như trường hợp của Nguyễn Hữu Chiến- một trùm in sách lậu, dù bị bắt và xử lý hành chính về hành vi in sách lậu tại nhiều địa bàn và TP lớn khác nhau, thậm chí là phải đi tù. Nhưng Chiến vẫn không ngừng họat động in sách lậu của mình. Sau vụ bắt giữ tại Thái Nguyên tới thời điểm này y vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tiếp tục thực hiện công việc của mình khi chỉ đóng mức xử phạt hành chính nhẹ hều.

Ông Phạm Sỹ Sáu, trưởng ban khai thác đề tài và giao dịch tác quyền NXB Trẻ cũng cho rằng sách lậu hiện nay là một thách thức lớn và rất khó dẹp bỏ khi quy định và các chế tài dành cho hành vi trên còn quá nhẹ. Chính bởi hình thức xử phạt vẫn chưa phát huy được tính răn đe, nên không ít NXB đã chán nản, từ bỏ công việc chống sách lậu để quay sang tư tưởng chấp nhận: sống chung với sách lậu. Đây qủa thực là một điều hết sức đau lòng.

Ông dẫn chứng cho việc khó khăn trong công tác đảm bảo tác quyền hiện nay của các NXB. Năm 2006, NXB Trẻ mua được tác quyền phát hành cuốn sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” của một tác giả người Úc với giá khá cao. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn phát hành, những cuốn sách có tựa tương tự quyển sách của NXB Trẻ đã được “phe” sách lậu in sao và bán tràn lan khắp nơi, thậm chí chúng còn quảng cáo rầm rộ trên mạng khiến NXB Trẻ không chỉ thiệt hại nặng về kinh tế và còn mất uy tín với tác giả của chính quyển sách trên, khi đối tác suýt kiện họ ra tòa vì cho rằng NXB Trẻ đã làm sai cam kết khi cho đưa lên mạng (thật ra là không) tập sách trên.

Trưng bày sách tại HN
Trưng bày sách tại HN

Đấy chỉ là một trong ít những câu chuyện quanh nỗi khổ chống sách lậu của các NXB có uy tín. Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu băn khoăn không chỉ đến từ giới “phe” sách đang ngày một tung hòanh trên thị trường, mà một hiện tượng khiến các đại biểu đến từ các NXB lớn lo lắng hơn, chính là sự tiếp tay của các nhà in, hiệu sách, thậm chí một vài NXB trong việc vi phạm trắng trợn công tác in ấn, tác quyền những ấn phẩm sách của các NXB khác.

Điển hình cho hiện tượng sách lậu hóa hợp pháp trên là trường hợp NXB Tổng Hợp TP.HCM bị Công ty TNHH phát hành sách Sài Gòn và Công ty Cổ phần in Hoa Mai xâm phạm trắng trợn bản quyền và in lậu 18 tựa sách tiếng Anh Interactions và Mosaics mà NXB Tổng hợp TP.HCM đã mua bản quyền từ tập đòan McGraw-Hill.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Thái Hà Books cho rằng: Hiện tượng sách giả, sách lậu tràn lan như hiện nay chủ yếu đến từ vấn đề kinh tế và tâm lý của người mua. Chính cái áp lực tồn tại hay là chết đã khiến không ít Công ty, hệ thống phát hành sách chấp nhận bán sách giả, vi phạm bản quyền của nhau để tồn tại. Hiện tượng vi phạm tác quyền giữa các NXB và các cơ sở in ấn, công ty phát hành sách hiện nay là không ít.

Điều đó vô hình chung khiến cho bức tranh toàn cảnh về công tác chống sách lậu trở nên hơn nhiều. “Sách lậu đang thật sự là một thách thức. Nhưng để dẹp bỏ hiện tượng này theo tôi là điều không khó nếu hệ thống phát hành sách và các NXB cam kết và quyết tâm cùng nhau thực hiện. Sách lậu sẽ không thể sống và tồn tại nếu chúng ta có một Hiệp hội chống sách giả, và các thành viên trực thuộc hệ thống in ấn, phát hành và xuất bản cam kết không tiếp tay cho sách lậu”- ông Hùng nói.

Giải pháp nào?

Giải pháp nào để sách lậu không còn đường sống, thực sự là một trong những trăn trở lớn của các đại biểu khi tham gia hội nghị. Bởi các giải pháp thực hiện, phòng chống đều ít nhiều đã được đóng góp từ suốt 10 năm qua. Nhưng đến nay thực trạng sách in lậu vẫn không có chiều hướng thay đổi. Các văn bản pháp luật quy định và xử phạt của nước ta về thực trạng trên cũng ngày càng đầy đủ. Nhưng kết quả trong công tác phòng chống sách in lậu thì vẫn giậm chân tại chỗ. Đứng trước những tồn tại trên, NBX GDVN đã sử dụng 3 nhóm giải pháp để tự cứu mình.

Một là sử dụng tem chống giả, hai là tăng cường quản lý chặt chẽ hệ thống, in ấn phát hành. Ba là tổ chức in ấn SGK bằng công nghệ cao với giá thành hợp lý nhất. Trong đó, các giải pháp mà NXB GDVN đề xuất trên “mặt trận” chống sách in lậu là: Cần phải có sự quản lý chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị như: Bộ TT và TT, Cục xuất bản, Thanh tra TT và TT, lực lượng công an, quản lý thị trường… để xiết chặt hơn nữa công tác in ấn và bán sách của các “phe” sách lậu. Các cơ quan thông tấn báo chí cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp đưa những vụ việc in sách lậu ra công luận nhằm thay đổi ý thức của ngừơi dân về việc chọn mua sách.

Ông Phạm Sỹ Sáu, đại diện NXB Trẻ thì đưa ra các giải pháp có tính chiều sâu và thực tế hơn như: Bộ TT và TT, Hội xuất bản, cũng như Cục xuất bản cần đề xuất Quốc hội điều chỉnh luật nhằm có khung xử phạt nặng hơn với hành vi trên. Cần kiên quyết rút giấy phép đối với nhà in, cũng như xem tội in sách giả như một hành vi buôn lậu, lũng đọan kinh tế để hướng tới theo huớng xử phạt tù, nếu người đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, việc hỗ trợ thuế xuất và thực hiện nhiều hơn nữa chính sách ưu đãi đối với ngành xuất bản, nhằm giúp các NXB có thể giảm giá thành đến mức thấp nhất. Cần có một chính sách thu nhập, thưởng xứng đáng cho những người làm công tác chống in lậu, cũng như phải có hành lang pháp lý an tòan cho các NXB chân chính.

NXB Tổng Hợp TP.HCM cho rằng cần xiết chặt lại công tác thẩm định và in ấn của các công ty phát hành sách. Đẩy mạnh hơn nữa việc xử phạt nghiêm khắc một số NXB dễ dãi trong việc cấp phép xuất bản, thực hiện chưa nghiêm luật xuất bản, tạo điều kiện cho các cuốn sách lậu ra đời…

Với cá nhân ông Nguyễn Mạnh Hùng, CT HĐQT Thái Hà Books thì ông cho rằng, giải pháp tốt nhất chính là việc các NXB thành lập Hiệp hội chống in sách lậu để tự bảo vệ mình. Song song đó, cần có những giải pháp, chính sách tuyên truyền để người dân, bạn trẻ yêu sách hiểu được họ đang bị lừa và móc túi một cách trắng trợn khi mua sách giá rẻ với hình thức giảm triết khấu phần trăm ngoài lề đường.

Điều quan trọng theo ông Hùng chính là cần phảỉ làm sao để người dân, bạn đọc trẻ hiểu và thay đổi tư duy, cũng như thói quen ham mua sách giá rẻ của người tiêu dùng. Cuối cùng là đề nghị nhà nước thay đổi cách ứng xử với sách lậu. Bởi hiện nay xử phạt các vụ in sách lậu vẫn chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính. Do đó, theo ông Hùng chúng ta cần phải thay đổi để việc in ấn và phát hành sách nằm trong bộ luật hình sự. Vì sách là tri thức và ảnh hưởng đến tinh thần, dân trí của một quốc gia…Có đưa vào luật hình sự về các vi phạm trong xuất bản, in ấn, phát hành như vậy, mới mong hình phạt đủ sức răn đe với những người làm sách lậu.

Anh Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ