Sách giáo khoa mới được xây dựng công phu

GD&TĐ -  Chỉ một thời gian ngắn nữa, kết quả thẩm định bộ SGK phổ thông mới sẽ được Bộ GD&ĐT công bố. Quá trình thẩm định đã được tổ chức và diễn ra ra sao? SGK mới phải có những tiêu chí gì để đáp ứng CTGDPT mới?... vẫn là những thông tin được xã hội quan tâm trước khi SGK mới được ban hành. TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề trên. 

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

- Ông có thể cho biết rõ hơn về quy trình biên soạn, thẩm định SGK phổ thông mới. Những tiêu chuẩn SGK đáp ứng CTGDPT mới là gì?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Thông tư số 33) và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (Thông tư số 32 kèm theo) cụ thể như sau:

Quy trình biên soạn SGK là: Tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký và nộp bản thảo SGK đến nhà xuất bản. Đơn vị đề nghị thẩm định SGK là Nhà xuất bản (NXB) được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập NXB. NXB tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK.

Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định. NXB có SGK được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK hoàn thiện bản mẫu SGK sau thẩm định. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 7 người. Mỗi thành viên Hội đồng là những người “có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định SGK; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định” và tham gia vào các hoạt động liên quan đến đổi mới chương trình, SGK.

Tiêu chuẩn SGK đáp ứng CTGDPT mới đòi hỏi: Nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Các bài học trong SGK tạo điều kiện cho GV vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của HS làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi HS. Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của HS và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.

Cấu trúc SGK có đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản sau: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng...

Dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu gồm các chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm về CTGDPT, trong lĩnh vực biên soạn và thẩm định SGK; các nhà quản lý giáo dục, các GV đang trực tiếp giảng dạy, các chuyên gia quốc tế để phân tích và xây dựng hệ thống các minh chứng cần đạt trong SGK khi tiến hành thẩm định.

TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)
TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) 

- Vậy tiến trình tổ chức thẩm định SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT mới đã diễn ra tới đâu?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 544/KH-BGDĐT ngày 24/6/2019 về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1 và Thông báo số 543/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Đến hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bản mẫu SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM.

Qua quá trình rà soát, kiểm tra và đối chiếu với quy định tại Thông tư số 33 đối với từng hồ sơ của mỗi bộ SGK, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bộ sách được đề nghị thẩm định đối với 9 môn học ở lớp 1 như sau: Môn Tiếng Việt: 6 bản thảo; Môn Toán: 6 bản thảo; Môn Đạo Đức: 6 bản thảo; Môn Tự nhiên - Xã hội: 5 bản thảo; Môn Giáo dục thể chất: 4 bản thảo; Môn Nghệ thuật (Âm nhạc): 5 bản thảo; Môn Nghệ thuật (Mĩ thuật): 5 bản thảo; Hoạt động trải nghiệm: 6 bản thảo; Môn Tiếng Anh: 6 bản thảo.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất kì phản ánh chính thức nào từ các đơn vị đề nghị thẩm định (NXB), từ các tác giả về kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định và quy trình làm việc của ban tổ chức thẩm định. Hầu hết, đơn vị đề nghị thẩm định có bản mẫu SGK xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn đề nghị về Bộ GD&ĐT để được chỉnh sửa, biên soạn lại để tiếp tục trình tự thẩm định.

Quy trình làm việc của Hội đồng gồm: Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập (15 ngày); Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận, 7 ngày gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK, thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có).

Hội đồng thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt, Đạt nhưng cần sửa chữa, Không đạt. Đối với bản thảo được Hội đồng đánh giá là “Đạt nhưng cần sửa chữa”, các tác giả chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng và đề nghị thẩm định vòng 2. Những bản thảo SGK được đánh giá là “Không đạt”, các tác giả có quyền chỉnh sửa theo góp ý đánh giá của Hội đồng để trình thẩm định lại như thẩm định lần đầu...

- Khi nào Bộ GD&ĐT dự định công bố kết quả thẩm định của các Hội đồng để các địa phương lựa chọn SGK theo đúng thẩm quyền của mình, thưa ông?

Hiện nay, hội đồng thẩm định SGK quốc gia đã kết thúc làm việc theo kế hoạch và bàn giao cho Bộ GD&ĐT 38 bản thảo SGK của 9 môn học lớp 1. 38 bản thảo này đã được hội đồng quốc gia đánh giá các nội dung mạch kiến thức theo Thông tư 32 về công bố CTGDPT 2018; và đảm bảo về tiêu chí, cấu trúc, quy định theo Thông tư 33.

Do SGK là tài liệu quan trọng đối với quá trình thực hiện CTGDPT và là tài liệu quan trọng đối với quá trình dạy học, liên quan đến nhiều luật quan trọng (Luật Giáo dục; Luật Xuất bản; Luật Sở hữu trí tuệ và nhiều văn bản pháp luật khác) nên các vụ, cục chức năng của Bộ GD&ĐT đang thực hiện bước cuối cùng rà soát lại những căn cứ pháp lý một cách đầy đủ đối với các quy định về SGK trước khi trình Bộ trưởng ký quyết định công nhận thẩm định SGK.

- Cảm ơn ông!

Có nhiều tác giả tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng với tinh thần chăm lo cho thế hệ trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã nghiên cứu và biên soạn các bản thảo SGK theo Chương trình mới. Nhiều bản mẫu SGK có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và HS tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho GV phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và qui định của CTGDPT mới…
                                                                          TS Thái Văn Tài –
                              Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ