Sách Công nghệ giáo dục cần được điều chỉnh để phù hợp với chương trình mới

Sách Công nghệ giáo dục cần được điều chỉnh để phù hợp với chương trình mới

Đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách

Cung cấp thông tin tại buổi làm việc, ông Thái Văn Tài -Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết 88, Quốc hội đã giao Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó Bộ đã ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí để thẩm định SGK, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32 năm 2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học; ban hành Thông tư 33 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc
 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc

Dựa trên 2 thông tư 32 và 33, các nhà xuất bản, các tác giả và các lực lượng liên quan sẽ biên soạn sách giáo khoa. Trong quá trình biên soạn, phải thực hiện nhiều bước trong đó có chuyên môn, nghiên cứu chương trình, nghiên cứu cấu trúc bài học cũng như các quy định, tiến hành tổ chức thực nghiệm các sách giáo khoa trước khi trình lên Bộ GD&ĐT thẩm định.

Sau khi các nhóm tác giả cùng các nhà xuất bản thực hiện các bước trên, tháng 6/2019, Bộ GD&ĐT đã có thông báo 543 về việc nhận các bản thảo sách giáo khoa theo chương trình. Khi có thông báo này, có 3 nhà xuất bản đã có bộ sách giáo khoa theo đúng chương trình nộp lên Bộ GD&ĐT.

Sau khi kiểm tra hồ sơ tính pháp lí liên quan thì các bản thảo SGK đã được ban tổ chức tiếp nhận và trình Bộ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1 được thành lập theo đúng Thông tư 33, thành phần gồm các nhà khoa học chuyên sâu về môn học, các nhà sư phạm về phương pháp đang công tác tại các trường Đại học Sư phạm và có ít nhất 1/3 số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy các môn đấy tại các trường tiểu học.

Vụ trưởng Thái Văn Tài phát biểu tại buổi làm việc
Vụ trưởng Thái Văn Tài phát biểu tại buổi làm việc

Số lượng các thành viên trong hội đồng là số lẻ và ít nhất là 7 người. Hội đồng sau khi thành lập có 15 ngày sẽ nghiên cứu bản thảo SGK trước khi hội đồng họp lần thứ nhất. Sau 15 ngày nghiên cứu độc lập sẽ tiến hành thảo luận chung. Trước khi thảo luận chung thì hội đồng có buổi đối thoại với tác giả, mời tác giả lên để nghe trình bày phương án biên soạn.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ tác giả, các thành viên hội đồng sẽ làm việc trong 7 ngày, bỏ phiếu đánh giá theo các tiêu chí được quy định về mặt nội dung trong Thông tư 32 và các quy định về cấu trúc sách giáo khoa trong Thông tư 33.

Qua vòng 1, các hội đồng sẽ kết luận sách ở 3 mức: đạt, đạt nhưng phải sửa chữa và không đạt. Trước khi công bố, hội đồng sẽ mời tác giả lên để nghe dự thảo kết luận của hội đồng. Kết thúc vòng 1, Hội đồng đã có 2 lần gặp gỡ và đối thoại với tác giả về mặt chuyên môn để trao đổi, cùng thống nhất.

Trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng kí, trong đó có 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2. Những sách giáo khoa đạt lại tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trong 11 SGK hội đồng đánh giá không đạt - có những cuốn được tác giả sửa chữa có nhu cầu thẩm định lại, có SGK bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định lại.

GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào
GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào

Sách giáo khoa phải phù hợp với chương trình

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có những trao đổi liên quan đến bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại và quan điểm của Hội đồng thẩm định trong việc đánh giá Sách Công nghệ giáo dục. GS Hồ Ngọc Đại cho biết đã nghiên cứu, thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục. Trong 40 năm đó, ông không hề xa rời việc dạy học trong nhà trường.

Còn PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng việc dạy học cho trẻ tiểu học cần mềm dẻo, linh hoạt. Vì thế không nên loại một bộ sách đã được thực tế kiểm nghiệm và đạt hiệu quả tốt. Cách xử lý vấn đề này bằng cách giao cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn. Vẫn theo đánh giá của Thông tư 33, nhưng các chỉ báo được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách.

PGS Trần Kiều
PGS Trần Kiều 

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, PGS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán - cho biết: Không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả các chủ biên tán thành, nhưng đó là ý kiến xác đáng. Nếu vì bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đặc biệt thì phải thẩm định đặc biệt, nếu không cẩn thận, các nhóm tác giả sách giáo khoa khác sẽ phản ứng.

GS Mai Ngọc Chừ - thành viên Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt cho biết, cháu của ông học Tiếng Việt Công nghệ GD nên ông cũng thừa nhận những ưu điểm của Tiếng Việt Công nghệ GD. Nhưng ông và các thành viên hội đồng thẩm định SGK theo yêu cầu của chương trình GD mới nên phải đảm bảo các tiêu chí đã đề ra. Ông Chừ cho rằng GS Hồ Ngọc Đại nên sửa sách để thẩm định lại.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi làm việc với GS Hồ Ngọc Đại để trao đổi về 3 nội dung: Thứ nhất là nghiên cứu ý kiến về chương trình thực nghiệm, thứ hai là việc thẩm định sách giáo khoa, thứ ba là gặp trực tiếp lắng nghe những ý kiến của các thầy, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kết luận tại buổi làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kết luận tại buổi làm việc

Qua các ý kiến của các thầy Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Kế Hào cùng phần trình bày của đồng chí Vụ trưởng Thái Văn Tài, trong các năm 2017, 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức 2 vòng thẩm định sách giáo khoa nhằm lựa chọn phương pháp dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Hội đồng đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, công bằng, không có áp lực, góp ý để cho xã hội có bộ sách tốt nhất cho học sinh.

Bộ đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực trí tuệ trong xã hội để tham gia viết sách. Nghị quyết 88 khẳng định việc thực hiện công bằng trong các cuốn sách. Trong việc công bằng đấy thể hiện rõ ở việc ban hành văn bản để đưa ra những tiêu chuẩn quy trình tiêu chí lựa chọn.

Về ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại đề xuất Bộ GD&ĐT cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một một thời gian, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Việc biên soạn, thẩm định phải đảm bảo sự công bằng trong tất cả các cuốn sách. Hồ sơ thực nghiệm phải gửi về Bộ trước khi tiến hành thẩm định, để công bố cho xã hội thấy đó là  bộ sách có đủ điều kiện, tiêu chí đáp ứng được chương trình mới.

PGS Trần Ngọc Thêm
 PGS Trần Ngọc Thêm

Về ý kiến của PGS Trần Ngọc Thêm đưa ra “Sách của GS Đại cần một cách thẩm định khác”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng điều này tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách. Chương trình thống nhất thì phải thẩm định thống nhất. Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng ghi rõ phải xây dựng tiêu chuẩn tiêu chí và quy trình thẩm định thống nhất, đảm bảo sự công bằng giữa các cuốn sách, các đầu sách. 

Bộ GD&ĐT đánh giá Sách Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại là tốt, nhưng cần phải thực hiện theo nội dung chương trình đã ban hành. Bộ rất mong muốn cuốn sách sẽ phù hợp để đưa vào các trường học, tuy nhiên phải đảm bảo việc cùng một công thức cùng một quy trình đánh giá. Các thành viên hội đồng thẩm định đều mong muốn tác giả và cộng sự sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh cuốn sách cho phù hợp. - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ