Các ấn phẩm dành cho thiếu nhi cần được biên tập, kiểm duyệt kỹ càng ngay từ khâu cấp giấy phép xuất bản |
(GD&TĐ) - Hiện nay nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi chứa đựng những nội dung hoặc hình ảnh không phù hợp với tâm lý lứa tuổi, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới thế giới quan và sự phát triển nhân cách của trẻ.
Nhiều “sạn” trong sách thiếu nhi
Dạo qua các nhà sách, Công ty phát hành sách, không khó để nhận thấy các ấn phẩm dành cho thiếu nhi chiếm một thị phần không nhỏ, được bày bán nhiều ở những vị trí bắt mắt.
Từ các đại lý phát hành sách lớn đến những cửa hàng bán văn phòng phẩm nhỏ lẻ đều có bán các loại sách dành cho thiếu nhi.
Từ sách tập đọc, tập tô, sách luyện chữ viết, sách tham khảo thuộc các môn học đến các loại sách hướng dẫn kỹ năng, sách truyện tranh, truyện chữ do các nhà xuất bản in ấn, phát hành.
Giữa một “rừng” sách dành cho thiếu nhi, bên cạnh những cuốn sách có nội dung hay, trình bày đẹp, còn có không ít cuốn chứa những nội dung, hình ảnh thiếu lành mạnh, không phù hợp, thậm chí là phản cảm.
Bên cạnh những “hạn sạn” về nội dung, những lỗi sơ đẳng không đáng có về chính tả cũng khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi lớn về trình độ và trách nhiệm của những người biên soạn và thẩm định bản thảo trước khi cho in ấn, phát hành.
Chẳng hạn như cuốn “Vở luyện tiếng Việt” (NXB Đà Nẵng) dành cho đối tượng học sinh lớp 1 dùng để luyện chữ nhưng lại viết sai nhiều từ như; “Cây nêu” thành “cây lêu”, “Giỗ tổ” thành “dỗ tổ”…
Không chỉ các loại sách dạy học, dạy viết, sách tham khảo, một số loại sách hướng dẫn kỹ năng, “vừa học vừa chơi” cũng “dính” không ít “sạn”.
Mới đây, trong cuốn “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do NXB Mỹ Thuật ấn hành có một số bài đồng dao chứa từ ngữ, lối diễn đạt không phù hợp.
Cụ thể, nội dung bài “Đồng dao chơi vỗ tay” được in trong trang 8 tập 6 của bộ sách này có những từ ngữ thiếu trong sáng, mang tính bạo lực: “Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng…/ Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm”.
Ngay từ khi mới xuất hiện, bài đồng dao đã được lan truyền nhanh chóng và hầu hết các bậc phụ huynh đều có chung nhận định: Bài đồng dao vừa không có tính nghiêm túc cần thiết vừa không mang tính giáo dục.
Không chỉ những cuốn sách “vừa học vừa chơi”, những cuốn truyện tranh dùng để giải trí cho nhiều lứa tuổi từ tiểu học đến trung học cũng xuất hiện không ít những hình ảnh, câu thoại miêu tả cảnh bạo lực hay tình cảm sướt mướt, không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, có thể khơi gợi ở các em những tư tưởng, suy nghĩ lệch lạc.
Cần siết chặt thẩm định trước xuất bản
Khi một cuốn sách có những nội dung, hình ảnh thiếu lành mạnh, không phù hợp được lưu hành, có thể tác động tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ tạo nhận thức và tâm lý sai lệch ở trẻ.
Thời gian qua, những “hạt sạn” được phát hiện trong các cuốn sách dành cho thiếu nhi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dầu vậy, việc xử lý các lỗi vi phạm đang có phần “nhẹ tay”, chủ yếu mới chỉ giải quyết được một phần hậu quả.
Phần lớn các cuốn sách được phát hiện lỗi khi đã lưu hành được một thời gian trên thị trường và hình thức xử lý phổ biến vẫn chỉ là thu hồi và tiêu hủy sách.
Hình thức xử lý này chỉ mới “đánh” vào một phần lợi nhuận của nhà xuất bản mà chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Thiết nghĩ, chỉ thu hồi và tiêu hủy sách khi phát hiện sai phạm thôi chưa đủ, cần xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân cụ thể của những người có liên quan.
Đã đến lúc cần phải có những chính sách nhằm kiểm duyệt, thẩm định chặt chẽ nội dung các cuốn sách trước khi cấp phép xuất bản.
Trong khi chờ đợi những giải pháp quyết liệt từ các cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh những hiện tượng vi phạm trong công tác quản lý xuất bản sách dành cho thiếu nhi phát huy hiệu quả, mỗi bậc phụ huynh cần có sự tư vấn, định hướng giúp trẻ tiếp cận được với những cuốn sách hay, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Đây cũng là biện pháp góp phần hình thành thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho lớp độc giả nhỏ tuổi.
Bùi Minh Tuấn
TIN LIÊN QUAN |
---|