Sa thải Giám đốc FBI – Tổng thống Donald Trump “gây bão”

GD&TĐ - Đêm 9, rạng sáng 10/5 theo giờ Việt Nam, Nhà Trắng gây chấn động khi tuyên bố ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FPI) “vừa bị cho kết thúc công việc và bãi nhiệm”. Quyết định có hiệu lực tức thì này ngay lập tức đã “gây bão” khắp chính trường nước Mỹ, với những hệ lụy khó lường đối với chính bản thân ông Trump.

Sa thải Giám đốc FBI –  Tổng thống Donald Trump “gây bão”

Quyết định gây sốc

Nhà Trắng cho biết ông Comey bị sa thải theo đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Bộ Tư pháp cũng “cam kết với kỷ luật, sự minh bạch và pháp quyền ở cấp độ cao”, đồng thời thêm rằng “sự khởi đầu mới là cần thiết”.

Ông Comey được Tổng thống bấy giờ là Barack Obama chỉ định giữ chức Giám đốc FBI năm 2013. Nếu không bị sa thải, nhiệm kỳ của ông Comey kéo dài tới năm 2023.

Theo quy định của Mỹ, Tổng thống có thẩm quyền sa thải Giám đốc FBI vì bất cứ lý do nào. Gần đây nhất, năm 1993, Tổng thống Bill Clinton đã sa thải William Sessions dựa trên cuộc điều tra về hành vi đạo đức của ông.

Nguyên nhân sa thải ông James Comey của Tổng thổng Donald Trump được cho là xuất phát từ việc xử lý cuộc điều tra thư điện tử của bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào cuối năm 2016.

Cần biết rằng, chỉ mới tuần trước, ông Comey được cho là đưa ra thông tin không chính xác về vấn đề thư điện tử của bà Clinton trước Quốc hội. FBI cũng đang điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Truyền thông Mỹ cũng tiết lộ, trong thư gửi ông Comey về quyết định sa thải, Tổng thống Trump cho rằng (ông Comey) “không đủ khả năng lãnh đạo cục một cách hiệu quả”.

Đáng chú ý hơn, theo truyền thông Mỹ, các quan chức cấp cao của FBI và Bộ Tư pháp không biết về quyết định đối với ông Comey cho tới khi nó được thông báo.

Các quan chức trả lời phỏng vấn báo chí đều nói họ bị sốc trước diễn biến này. Nhất là ông James Comey cũng chỉ biết tin mất chức qua… tivi, trước khi nhận được quyết định chính thức.

Hệ lụy khó lường

Ngay từ trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã không ít lần chỉ trích người đứng đầu FBI trên Twitter; trong đó đáng kể nhất là việc Trump thậm chí còn cho rằng Comey chính là người đã cứu bà Clinton thoát khỏi nguy cơ ngồi tù (do vụ lộ email đầy tai tiếng trong giai đoạn bà Clinton là Bộ trưởng Ngoại giao).

Trong sự kiện ông Trump tuyên bố bị nghe lén bởi người tiền nhiệm Obama trong chiến dịch tranh cử, ông Comey ngay sau đó đã khiến Trump “bẽ mặt”, khi tuyên bố rằng cáo buộc trên không có cơ sở, đồng thời nhấn mạnh Obama không thể ra lệnh cho các cơ quan an ninh nghe lén điện thoại của bất kỳ ai mà không được kiểm soát.

Sau cùng, dù Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh ông hành động dựa trên sự cố vấn từ Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, giới quan sát vẫn hoài nghi liệu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ có bất kỳ tác động nào đến quyết định sa thải Giám đốc FBI hay không.

Các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ tất nhiên có lý do để chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump. Thậm chí một số người còn ví quyết định này với vụ “Thảm sát Đêm thứ Bảy” năm 1973, trong đó cựu Tổng thống Richard Nixon sa thải một công tố viên đặc biệt điều tra về bê bối Watergate.

“Hành động hôm nay của Tổng thống Trump phá huỷ hoàn toàn bất cứ những gì trông như một cuộc điều tra độc lập về việc Nga cố tác động lên cuộc bầu cử của chúng ta, đẩy đất nước tới sát một cuộc khủng hoảng hiến pháp”, truyền thông quốc tế dẫn lời John Conyers - hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện.

Còn Timothy Naftali, cựu Giám đốc Thư viện Tổng thống Richard M. Nixon, cho rằng việc Trump sa thải Comey không hoàn toàn giống với việc cựu Tổng thống Nixon sa thải công tố viên Cox bởi Comey không được đặc biệt chỉ định điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

“Nếu Bộ trưởng Tư pháp Sessions không thể chứng minh ông Comey có hành vi sai trai hay tắc trách, hành động này sẽ chỉ đào sâu thêm những mối ngờ vực rằng Tổng thống Trump đang cố che đậy điều gì đó” - Naftali cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ