Rút ngắn khoảng cách cung - cầu trong đào tạo nghề

GD&TĐ - Sự gia tăng quy mô cùng lao động đang tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, tuy nhiên đó cũng là áp lực lớn về việc làm. Vấn đề cho thấy, tầm quan trọng của hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động trong việc gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Rút ngắn khoảng cách  cung - cầu trong đào tạo nghề

Áp lực về việc làm và đào tạo

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), đến cuối năm 2017, Việt Nam có dân số khoảng 95 triệu người, trong đó có 72,2 triệu người. Quy mô lực lượng lao động là 55,16 triệu người, tỷ lệ tham gia lao động là 76,9%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 12,02 triệu người...

Cùng với sự phát triển dân số, dự báo số lượng cung tiếp tục tăng, đến năm 2020 quy mô cung lao động đạt 58,4 triệu người, năm 2025 đạt khoảng trên 62,6 triệu người. Về nhu cầu lao động, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ tạo đà thuận lợi cho thị trường lao động phát triển, nhất là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Dự báo cho thấy, nhu cầu lao động đến năm 2020 là trên 57,1 triệu việc làm, đến năm 2025 là trên 61 triệu việc làm.

Nhiều chuyên gia cũng thống nhất ý kiến rằng, sự gia tăng quy mô cung lao động tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, tuy nhiên đó cũng là áp lực lớn về việc làm. Nhìn chung thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có bất cập giữa cung và cầu lao động.

Bên cạnh đó, đào tạo cũng chưa thực sự gắn với thị trường lao động. Tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức còn rất lớn, số lượng người thất nghiệp, trong đó có thanh niên còn nhiều. Lao động có việc làm kém bền vững chiếm tỷ lệ cao... là những vấn đề lo ngại trong thị trường lao động Việt Nam.

Thực trạng cho thấy, việc kết nối giữa đào tạo và việc làm vẫn còn những khoảng cách đáng kể, dẫn đến chênh lệch giữa cung và cầu lao động, trong đó đặc biệt là nhu cầu lao động trong các ngành có chuyên môn, trình độ cao. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần do hệ thống dự báo cung cầu lao động còn chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Nhu cầu về dự báo cung cầu lao động

Về đào tạo cho lao động trong doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp không đào tạo cho người lao động, chiếm 63,7%. Việc đào tạo của doanh nghiệp chủ yếu chu trọng vào các loại hình doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp không hợp tác với cơ sở GDNN, theo điều tra có khoảng 90,8% số doanh nghiệp không có sự hợp tác với các cơ sở GDNN.

Các doanh nghiệp có hợp tác với cơ sở GDNN chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Trong tổng số lao động được các doanh nghiệp đưa đi đào tạo tại cơ sở GDNN, nhóm nghề thường tập trung cho đi đào tạo tại các cơ sở GDNN, chủ yếu là các nhóm ngành về màu sắc, thiết kế như kiến trúc, xây dựng, thiết kế trang sức, may mặc, thợ thủ công, da giày, nội thất; Các nhóm nghề về cơ khí như lắp đặt, vận hành máy móc, thiết bị...

Ông Tào Bằng Huy - Cục trưởng Cục Việc làm - cho biết, kết quả điều tra khảo sát cho thấy, tầm quan trọng của hệ thống thông tin dự báo cung cầu lao động liên quan đến công tác nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Dự kiến trong năm 2018, Tổng cục GDNN và Cục Việc làm sẽ ký kết một chương trình phối hợp về thực hiện các nhiệm vụ giúp cho công tác đào tạo gắn với thị trường lao động. Trong đó, tập trung vào các hoạt động kết nối giữa GDNN với thị trường lao động, tăng cường khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực, hình thành hệ thống dự báo nhu cầu lao động, đảm bảo dự báo chính xác, kịp thời, xác định rõ, cơ cấu đào tạo, cấp trình độ đào tạo theo các vùng miền, tăng cường hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh.

Theo ông Tào Bằng Huy, các cơ sở GDNN nên có những khảo sát riêng về những ngành nghề mà nhà trường đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động tại địa bàn của mình. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp để có thông tin nhanh chóng, chính xác về thị trường lao động, để chủ động tuyển sinh và đào tạo học sinh, sinh viên có trình độ kỹ năng vững vàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ