Rượu vang nguyên tử

GD&TĐ - Thảm họa hạt nhân ở Nhà máy điện nguyên tử Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở những khu vực rất xa bên ngoài biên giới quốc gia này. Hậu quả là cả thế giới đều “cảm nhận” được sự cố này, đôi khi theo cách rất khác thường.  

Rượu vang nguyên tử

Biểu hiện mới nhất của sự cố là phát hiện ở California (Mỹ), tại thung lũng Napa nổi tiếng về rượu vang. Trong các thùng chứa rượu nho tại đây là bã rượu… phóng xạ! Các phân tích cho thấy, có sự hiện diện của đồng vị phóng xạ caesium-137 (strontium-90 và caesium-137 là hai đồng vị phóng xạ nguy hiểm nhất đối với con người, bị thoát ra bên ngoài từ lò phản ứng ở Fukushima).

Nhà khoa học Pháp – Tiến sĩ Michael Pravikoff ở Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Bordeaux-Gradignan, đã phân tích rượu vang thung lũng Napa (California), thuộc dòng Cabernet-Sauvignon, từ những năm 2009 và 2012, tức là trước và sau thảm họa Fukushima.

Ông đã sử dụng phương pháp đo phổ bức xạ gamma để phân tích rượu vang. Phương pháp này dựa trên nghiên cứu số lượng phổ năng lượng bức xạ gamma của các nguồn, không phân biệt nguồn gốc (trên Trái đất hay trong vũ trụ). Dựa trên phương pháp này, ông Pravikoff đặt câu hỏi, liệu bức xạ caesium-137 từ Fukusshima có đi xa như vậy được không? Câu trả lời là có!

Nhà khoa học Michael Pravikoff còn nghiên cứu rượu vang bằng phương pháp khác, đó là đun nóng rượu vang trong lò đun của phòng thí nghiệm đến nhiệt độ 500 độ C trong vài ba giờ. Kết quả cũng cho thấy mức caesium-137 trong rượu vang Cabernet-Sauvignon, sau thảm họa Fukushima, lớn hơn 2 lần so với tiêu chuẩn.

Kết quả nghiên cứu của Pravikoff và các đồng nghiệp được Tổ chức Y tế thế giới WHO quan tâm, trong bối cảnh nguy cơ sử dụng thực phẩm bị ảnh hưởng bởi thảm họa Fukushima tại nhiều quốc gia đang gia tăng.

Thật may mắn, WHO khẳng định, mức bức xạ đồng vị nói trên còn ở dưới ngưỡng an toàn rất xa và không đe dọa sức khỏe người sử dụng rượu vang Cabernet-Sauvignon từ California.

Những thành phần phóng xạ phi tự nhiên, kết quả của phân rã hạt nhân nguyên tử, bắt đầu xuất hiện trong rượu vang và các loại thực phẩm khác từ năm 1945, sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). Sau đó, nhiều quốc gia cũng đã tiến hành các vụ thử hạt nhân, làm đất đai trên thế giới bị ô nhiễm trong nhiều thế kỷ về sau…

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ