(GD&TĐ) - Trong dịp điền dã về một số vùng nông thôn ở Miền Trung vừa qua, tôi đặc biệt “ấn tượng” về chuyện uống rượu của các bác, các chú, các anh, thậm chí các, bà, các chị, các em ở quê về uống rượu. Điều đầu tiên mà ai cũng dễ dàng nhận ra ở các vùng quê hiện nay, là đời sống kinh tế đã khá giả lên rất nhiều, quấn cóc mộc lên nhiều, tình trạng rượu chè nhậu nhẹt hình như cũng gia tăng theo đời sống kinh tế.
Nào rót đi! |
Người già uống, trung niên uống, thanh niên càng...uống. Uống trong các dịp lễ, tết, đám ma, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, rửa xe, rửa nhà đã đành, không lý do gì cũng tự tạo ra lý do để uống. Hễ cứ gặp nhau là rượu được dọn ra bất kể ngày đêm, nắng hay mưa, vui uống, buồn cũng uống. Đồ uống chủ yếu trong các cuộc nhậu ở làng quê chủ yếu là rượu trắng, do các lò rượu trong thôn cung cấp vừa đủ đô, vừa rẻ tiền mỗi lít từ 15.000 - 20.000 đồng, nhậu tới bờ tới bến cũng chỉ mất vài chục ngàn.
Nếu trước đây đơn vị đo rượu trên các bàn nhậu là nậm ,cút, xị... thì nay là chai(0,65 lít), là lít...thậm chí có nhóm còn chơi luôn cả can nhựa 5 lít, 10 lít vào mâm, theo kiểu Võ Tòng trong Thủy Hử, uống đến đâu trả tiền đến đó, đỡ mất công tiếp rượu. Câu nói cửa miệng của các đệ tử lưu Linh khi vào bàn nhậu là vào 3, ra 7(ngồi vào mâm 3 ly, ra khỏi mâm 7 ly) ...
Uống rượu hầu như là cách giải trí thời thượng của đại đa số thanh niên hiện nay. Ai không biết uống, không cố tập mà uống dễ bị bạn bè chỉ trích xa lánh dần loại khỏi cuộc chơi, nên tỷ lệ thanh thiếu niên biết uống rượu hiện nay gần như 80-90%. Nhiều lần nhìn những gương mặt non choẹt, đỏ gay gật gù nâng lên đặt xuống nài ép nhau “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “rượu bất khả ép, ép bất khả từ”, zô…zô 100% thấy ớn lắm.
Mà đâu chỉ có thanh thiếu niên, tôi cũng đã có dịp chứng kiến trên chuyến tàu chợ Đồng Hới - Vinh, có ông cụ trên 70 tuổi không biết đi về đâu, nhưng mỗi lần tàu vào ga là ông lại lôi chai rượu trong túi ra tu vài ngụm, tàu chưa qua khỏi ga Đồng Lê, đã thấy ông túy lúy nằm co quắp trên sàn tàu, hành khách ngang qua chỉ trỏ: lại thăng cha say rượu...Thế mới hay khoảng cách từ ông đến thằng chỉ cách nhau vài chén rượu.
Hay có bà cụ ở gần nhà tôi, đã trên 60 tuổi, mỗi tối uống một chén rượu thuốc cho giản xương cốt, lâu dần cụ cũng lên đô như bọn trẻ, chơi luôn cả xị rượu trắng. Nhân ngày giỗ chồng ra chợ sắm mâm cúng, trên đường về không biết ma men dụ dỗ thế nào sà vào quán nhậu, đến nỗi không về nhà, báo hại con cháu bỏ ngày cúng giỗ đi tìm.
Có lẽ không ai phủ nhận, rượu là đồ uống có mặt trong đời sống người Việt ta từ hàng ngàn năm nay và trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, sự lạm dụng rượu của quá nhiều người hiện nay đang trở thành một mối lo thường xuyên của nhiều gia đình, thôn xóm và của cả xã hội. Đi kèm theo những cuộc vui thâu đêm suốt sáng trong ma men, là những hậu quả khôn lường về sức khỏe, tính mạng con người, hạnh phúc gia đình, trật tự an toàn xã hội.
Vừa qua, nghe tin có đến gần chục người ở Lâm Đồng ngộ độc rượu tử vong, nhưng các đệ tử Lưu Linh cũng thờ ơ chẳng mấy ai để ý. Còn số người tử vong, tai nạn do uống rượu, say rượu tham gia giao thông thì nhiều lắm...Theo thống kê của khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, mỗi năm tiếp nhận hơn 1.300 – 1.500 ca tai nạn giao thông, trong đó có 80% là người có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Tôi còn nhớ câu ngạn ngữ về rượu “ly thứ nhất người uống rượu, ly thứ hai rượu uống rượu, ly thứ ba rượu uống người”. Tình trạng rượu uống người khi tham gia giao thông tràn lan như hiện nay mà không gây ra tai nạn mới là chuyện lạ.
Còn cả 1001 chuyện đau lòng về rượu không thể nào thống kê hết như chồng giết vợ, con chửi cha, em chém anh, bạn bè hỗn chiến… khi ma men dẫn lối đang xẩy ra hàng ngày ở mọi nẻo thôn quê. Tôi cũng đã từng chứng kiến không ít vụ đau lòng xót xa từ những cuộc rượu như: cuộc rượu 9 năm tù ở Thị trấn Phong Điền TT-Huế: Hoàng Văn Tý và Trương Duy Sâm là bạn thân, nhưng trong một lần nhậu tới bờ tới bến không làm chủ được đã xảy ra xô xát, Sâm xô Tý ngã đập đầu xuống đường tử vong và phải nhận bản án 9 năm tù.
Hay như cú đá 20 triệu đồng ở xã Hải Thủy(Quảng Bình) quê tôi, Ngô Văn Hải làm ăn xa trở về mở tiệc đãi bạn rượu rót tràn từ sáng đến tối, khi thấy vợ ra khuyên không nên uống nữa, tức mình Hải đá vợ một phát vào bụng nằm lăn lộn trên cát, đưa xuống Bệnh viện Cu Ba-Đồng Hới phát hiện võ bàng quang phải phẫu thuật, thế là 3 năm đi làm ăn xa tích cóp bay theo cú đá của ma men…
Những cái hay, cái đẹp từ uống rượu mang lại quả là quá ít so với những hậu quả nặng nề mà người uống rượu gây ra. Nhưng khổ một nổi, người say không bao giờ tự nhận mình say và không có lý lẽ nào đúng hơn cái lý của người đang say. Thậm chí khi đã đứng trước vành móng ngựa, họ cũng đổ lỗi cho rượu: em say, em quá chén, em uống hơi nhiều... Mà không biết rằng hành vi phạm pháp trong tình trạng có men rượu là một trong những tình tiết tăng nặng, được qui định trong Bộ luật hình sự.
Rượu không có lỗi, lỗi là ở con người, uống với ai, uống như thế nào, uống bao nhiêu thì dừng lại...đại đa số chúng ta đã không làm được điều này. Còn nhớ, ngày 8/5/1996, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị: cấm say rượu ở nơi công cộng, quán ăn, khách sạn, nhà hàng, trên tàu xe, nơi làm việc...Cấm người dưới 18 tuổi uống rượu, cấm thiếu niên dưới 16 tuổi uống bia, rượu...Nhưng lâu nay xem ra không mấy khả thi, đặc biệt là ở các vùng quê, khi rượu được sản xuất đại trà, bày bán tràn lan trẻ con cũng đi mua được.
Vậy làm sao để ngăn chặn, hạn chế bớt tình trạng uống rượu, say sưa một cách thái quá hiện nay? Có lẽ phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người, từ sự giáo dục trong gia đình, nhà trường đến xã hội và sau đó là những chế tài nghiêm khắc của pháp luật dành cho những ma men một cách thích đáng.
Đã có lúc tôi nghĩ nhà nước nên cấm sản xuất và uống rượu, thì những hậu quả do tác nhân của rượu sẽ không còn. Nhưng như thế thì không ổn, nhu cầu tiêu thụ rượu của xã hội rất lớn, là một thú vui, một nét văn hóa ẩm thực tao nhã... Nhưng cứ uống thả phanh tràn lan như hiện nay thì quả là lợi bất cập hại hậu quả khôn lường. Tôi cũng chẳng biết làm sao cho trọn vẹn cả đôi đường, thôi cứ để bạn đọc suy ngẫm và tự biết mình phải làm gì trước cám dỗ của ma men…Nhưng có một điều không thể không lên tiếng đó là tình trạng rượu chè tràn lan hiện nay ở các làng quê là đáng báo động.
Ngô Minh Thuyên