Rước họa vì... thiết bị điện rẻ tiền

GD&TĐ - Các sản phẩm điện gia dụng như: Nồi cơm điện, ấm đun siêu tốc, bếp từ, bếp hồng ngoại, xạc pin điện thoại... không rõ nguồn gốc, chất lượng kém đang được bán tràn lan trên thị trường, không những dễ hư hỏng mà còn có thể khiến người dùng gặp nguy hiểm do bị chập cháy, rò điện, thậm chí là phát nổ... Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm do các thiết bị rẻ tiền này gây ra cho người sử dụng trong thời gian qua…

Các loại đồ điện gia dụng không rõ nguồn ngốc đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Các loại đồ điện gia dụng không rõ nguồn ngốc đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Tràn lan hàng không rõ nguồn gốc

Dạo quanh các phố của Hà Nội như: Trần Phú, Phùng Hưng, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thái Học, Giảng Võ (quận Ba Đình), Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn (Đống Đa), Nguyễn Công Trứ, Chợ Trời, Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng)… có rất nhiều thiết bị điện không có nhãn hiệu, nơi sản xuất không rõ ràng được bày bán tràn lan. Quạt điện, máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện, đèn ngủ… với giá cả rẻ giật mình, chỉ từ vài chục nghìn đến dưới 300.000 đồng là có thể mua được một món đồ.

Tại một cửa hàng bán đồ điện gia dụng trên đường Tây Sơn (Đống Đa)… cầm trên tay một chiếc bếp hồng ngoại với tên sản phẩm là Elmichday, nhưng không có nơi sản xuất, chúng tôi được chủ cửa hàng cho biết, sản phẩm này có giá 170.000 đồng và được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đài Loan.

“Đồ điện gia dụng giá rẻ rất được nhiều người tiêu dùng mua, đặc biệt là người thu nhập thấp và sinh viên. Nhập hàng đắt tiền về rất khó bán, vì khách hàng có nhu cầu mua hàng tốt, họ thường đến các trung tâm điện máy, các siêu thị hay cửa hàng uy tín để mua…” – chủ cửa hàng cho biết. Tuy nhiên, quan sát tại cửa hàng này bên cạnh một số hàng do Việt Nam sản xuất được giới thiệu là hàng liên doanh, còn hầu hết các sản phẩm khác đều không có tem, nhãn mác và đơn vị nhập khẩu.

Rước họa vào thân vì… của rẻ

Đồ điện gia dụng giá rẻ luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như: Cháy nổ, chập điện ảnh hưởng đến tính mạng, cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Anh Hoàng Xuân Hùng (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi kể lại chuyện cháy chiếc bếp từ.

Anh Hùng cho biết, chiếc bếp từ anh mua trên một trang mạng bán hàng online với giá 180.000 đồng. Hôm đó, sinh nhật con nên cả nhà làm lẩu, đang ăn thấy có mùi khét và khói bốc lên nghi ngút khiến cả nhà hoảng sợ chạy toán loạn. “Rất may là chiếc bếp chỉ chập điện rồi cháy, nếu bị nổ thì không biết xảy ra chuyện gì nữa” - anh Hùng nói.

“Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết bị điện và điện tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành gồm: Bàn là, lò vi sóng, lò nướng, máy sấy khô tay, bình pha trà, ấm điện loại dùng que đun chìm, dây và cáp điện trong nước sản xuất khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và dán tem hợp quy (CR). Việc dán tem, nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa các mặt hàng đã được kiểm định an toàn về chất lượng. Tuy nhiên, hiện trên thị trường khá nhiều sản phẩm điện gia dụng không được dán tem hợp quy CR nhưng vẫn bày bán tràn lan, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng…” – anh Nguyễn Vi Dưỡng cho biết. 

Lý giải về những sự cố xảy ra với các thiết bị điện dân dụng, đặc biệt là các thiết bị rẻ tiền, anh Nguyễn Vi Dưỡng – Kỹ sư điện, điện tử (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, thực tế đồ điện chính hãng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ, sử dụng chất liệu an toàn, đặc biệt trước khi xuất xưởng đã được kiểm tra rất kỹ về kỹ thuật. Còn các sản phẩm trôi nổi, nhà sản xuất thường sử dụng các linh kiện, chất liệu kém chất lượng nên hay rò điện, nhanh hư hỏng… dẫn đến chập cháy.

“Nhiều người cứ nghĩ tiết kiệm nên mua đồ rẻ, nhưng thực tế, tất cả các sản phẩm này có độ bền rất thấp, đồng thời tiêu hao năng lượng nhiều nên chi phí tiền điện cũng sẽ cao hơn các sản phẩm “xịn”, tính ra lại thành đắt. Hơn nữa, trong suốt thời gian sử dụng, đa số các thiết bị điện dần hư hỏng, song gần như không mấy người có thói quen kiểm tra, bảo dưỡng nên đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây chập cháy và nguy hiểm đến tính mạng cho người sử dụng” - anh Dưỡng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.