(GD&TĐ) - Lời đồn rằng ở phố núi Pleiku (Gia Lai) tới nay vẫn tồn tại một khu nhà mồ của tộc người J’rai nằm giữa lòng thành phố, mà điều lạ lùng là ở mỗi ngôi mộ ấy đều có hình dáng một loài quái điểu. Tò mò, chúng tôi tìm về khu nhà mồ ấy trong một sớm tinh mơ. Thật khó tả làm sao, khi chúng tôi lọt thỏm vào giữa khu rừng nguyên sinh hoang phế với hàng trăm mồ mả xưa cũ bị lãng quên cùng vô số tượng chim đã, đang bị thời gian bào mòn.
Thủ phủ của loài quái điểu
Năm giờ sáng, “phố núi cao - phố núi mù sương” đón khách lãng du trong tiết trời lạnh thấu xương với những cơn gió phóng đãng thổi mỗi lúc một mạnh. Trên đường chở khách đến “rừng tượng quái điểu”, bác tài xe ôm tên Hưng cho biết: “Rừng nằm ở làng Chuét 1, thuộc địa phận phường Thắng Lợi. Từ đây đến đó khoảng 5 km. Đi trên đường, chúng tôi vẫn thấy bên trong có dáng những con chim. Đồng bào J’rai tin rằng rừng tượng chim quái điểu là nơi linh thiêng. Khi không có tang thì không ai được đặt chân đến!”.
Giữa khu nhà mồ có quái điểu |
Vòng vèo qua những cung đường hoang vắng, gập ghềnh, sau hơn 30 phút chìm trong gió tạt sương vây, chiếc xe gắn máy tiến vào con đường đất đỏ nhỏ hẹp. Trước mắt chúng tôi lúc này là khu rừng nguyên sinh um tùm với hàng trăm bia mộ hoang phế và bóng dáng những con chim âm hồn nhuốm màu huyền hoặc. Tiến sâu vào rừng, những con quái điểu được đẽo tạc bằng độc mộc trong tư thế đứng lặng câm với loang lổ vết thời gian hiên ngang án ngữ trước mộ phần người đã khuất, mang đến cảm giác phấn khích lẫn rờn rợn. Tùy quy mô cổ mộ mà có con chim cao đến hơn 1m, có con đầu có mào, có con thì không. Có con đen đúa, con trắng nhách và có con thân xanh cánh nâu trông lạ mắt. Điều kì lạ là tất cả những con chim mà chúng tôi gặp đều hướng đầu về khoảnh rừng xanh um trước mặt.
Quái điểu là chim quạ được cách điệu
Cận cảnh những con chim âm hồn, chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị khác. Phần lớn chim có đuôi công, cổ hạc, vảy rồng, móng sư, mỏ sếu. Thấy một số phụ nữ đeo gùi lầm lũi ở phía xa, chị bạn đồng nghiệp lao tới hỏi: “Kia là những con chim gì?” thì đám người ré lên bỏ chạy.
Quái điểu được trưng bày trong bảo tàng |
Đảo khắp làng hỏi thăm, chúng tôi được già Rơ Chăm Huol, năm nay 77 mùa rẫy “bật mí”: “Đó là chim quạ”, mà theo ngôn ngữ của người J’rai là “Cim ak”. Bên ánh lửa bập bùng, già Huol kể một mạch về truyền thuyết chim quái điểu: “Xưa lắm rồi, do thương nhớ đứa con đã mất nên người cha cất bước về hướng mặt trời lặn tìm đến thế giới a tâu (hồn ma) tìm thăm con. Trong thời gian ông đi thì người vợ qua đời, được dân làng chôn bên cạnh mộ con. Lúc này, người chồng bỗng thấy vợ con mình đứng giữa rừng bèn nắm tay dắt về. Khi đi ngang khu nhà ma thì vợ con ông biến mất. Thay vào đó là một con chim quạ nói lời u buồn: “Mẹ con tôi chết rồi! Nếu ông thương hãy đem cơm nước cho mẹ con tôi hằng ngày”. Cụ Huol kết thúc câu chuyện bằng đúc kết: “Từ đó, người làng tin con quạ là hiện thân của người chết nên tạc tượng lúc làm lễ bỏ mả. Hồi nhỏ, già đã thấy con chim Cim ak ở rừng tượng chim quái điểu. Bây giờ ít rồi đấy!’.
Theo chỉ dẫn của già Huol, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ Rơ chăm Man ở cuối làng. Theo giải thích của nghệ nhân này, “nhan sắc” kì dị của chim quạ ở nhà mồ là hình dạng đã được cách điệu. “Đồng bào quan niệm người chết vẫn sống ở thế giới a tâu. Ở thế giới nào cũng vậy, người ta luôn cần có sức mạnh, sự dũng mãnh, sắc đẹp như công, sư, rồng, hạc”.
Chiều tà, bóng tịch dương dần phủ lên thế giới chim quái điểu khiến không gian càng trở nên u tịch, ma mị. Tiễn khách, cụ bà Rơ Chăm Huol thở dài: “Khách ở xa lại đây tham quan, có cái lòng tham đã mang đi nhiều chim Cim ak của làng. Họ làm cái hồn thiêng ở a tâu đau lòng lắm!”.
Phúc Trinh – Hải Âu