Rưng rưng thầy trò Xô – Việt ngày gặp lại

Rưng rưng thầy trò Xô – Việt ngày gặp lại
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan xúc động khi gặp lại hai cô giáo cũ. Ảnh: VTV
    Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan xúc động khi gặp lại hai cô giáo cũ. Ảnh: VTV

Thầy Nga, trò Việt, tất cả tóc đều nhuốm bạc nhưng họ như trẻ lại, như được sống lại khoảng khắc của bao nhiêu năm về trước, khi họ được các thầy cô giáo người Nga thương yêu, đùm bọc, dạy dỗ như những đứa con thân yêu trong gia đình.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, tháng 10/1954, Bác Hồ cử 3 đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Matxcova học tập, đào tạo nhân tài (100 sinh viên vào các trường ĐH, 100 người học cao đẳng tiếng Nga, đoàn 100 thiếu nhi vào trường Internat).

Cô Nina Anatolievna Iratova, người đã từng dạy 100 thiếu nhi  VN đầu tiên sang Nga năm 1954 đã bồi hồi nhớ lại ngày đón những em nhỏ Việt Nam còn đầy bỡ ngỡ. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, một trong những học trò của cô thời kỳ đó đã chia sẻ: "Theo nghĩa đen, cô đã dắt tay tôi vào thế giới mênh mông của tiếng Nga... Không từ điển, không sách giáo khoa... cô đã dắt tay chúng tôi đi quanh lớp để dạy... Cô cũng cầm tay dắt chúng tôi vào thế giới văn hoá phong phú của nước Nga. Qua cô, chúng tôi đã biết Puskin, Lev Tolstoi...  biết thế nào là Tâm hồn Nga. Tâm hồn Nga đã đồng hành với chúng tôi suốt cả cuộc đời, đóng góp, xây dựng đất nước...".

Cô giáo So-phi-a bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với những học trò Việt Nam trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Bộ GD&ĐT
Cô giáo So-phi-a bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với những học trò Việt Nam trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Bộ GD&ĐT chiều 17/1. Ảnh: N.N

Một trong những người thầy đặc biệt tại cuộc hội ngộ này là giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic - Trường Tổng hợp kỹ thuật Donhet, người đã vượt hơn 10.000km để được gặp những học trò Việt Nam thân yêu của mình. Sau 50 năm, thông tin về 2 cậu học trò người Việt ghi trên cuốn sổ tay vẫn được thầy giữ gìn cẩn thận. Chính trong cuộc gặp gỡ này, thầy đã thỏa tâm nguyện bao năm khi được gặp mặt 2 cậu “học trò nhỏ” ngày nào. Và theo như lời của MC, “3 thầy trò họ đã không dời nhau nửa bước”.

Giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic cũng chính là thầy giáo của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Những câu chuyện và kỉ vật rất thú vị liên quan đến người học trò mà thầy yêu mến: những bức ảnh, bức tranh về Việt Nam, những bức ảnh về những học trò của thầy trong đó có hình ảnh thời thanh niên sôi nổi của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã được giáo sư chia sẻ.

cxczxczx
  19 nữ sinh ngày xưa vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi gặp lại cô giáo cũ Ảnh: VTV

Thêm một câu chuyện xúc động về một cô giáo Nga với 19 nữ học sinh Việt Nam. Đó là câu chuyện của cô giáo Zubes Doia Petrovna - giáo viên tiếng Nga đã nghỉ hưu hiện đang sống ở Donhet, Ukraine. Hiện, trong nhà cô giáo Zubes vẫn còn treo những đồ lưu niệm của các sinh viên của mình. Trong câu chuyện khi nhắc về sinh viên Việt Nam và đặc biệt khi xem băng mà các nữ học sinh gửi sang thăm hỏi cô giáo, cô giáo và chồng đã nhiều lần khóc. Sự xuất hiện bất ngờ của cô Zubes tại Hà Nội đã khiến nhóm sinh của cô như vỡ oà hạnh phúc…

Câu chuyện của những lưu học sinh Nga những năm tháng đó cũng đầy thú vị. Nhà thơ của "Góc sân và khoảng trời" Trần Đăng Khoa đã chia sẻ những năm tháng học tại Nga và ấn tượng về nước Nga, con người Nga. Anh khẳng định, không bao giờ có thể quên và có thể kể rõ từng không gian ngôi trường anh học tại Nga...Thật tiếc là người học trò chưa có dịp trở lại nước Nga không thể gặp cô giáo của mình tại Hà Nội lần này vì sức khoẻ cô không cho phép. Từ "cõi nhớ", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về cô giáo dạy tiếng Nga- người mà anh gọi là "bà già yêu quí", là "nhà văn hoá tuyệt vời của nước Nga" - những lời chia sẻ khiến cả hội trường xúc động.

Và còn rất nhiều những câu chuyện, những kỷ niệm thầy trò xúc động và đầy tình cảm nồng ấm đã được chia sẻ trong cuộc gặp gỡ mà nước mắt xen lẫn nụ cười. Cuộc gặp mặt không chỉ đầy ý nghĩa nhân văn mà còn thắt chặt thêm tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam với đất nước Nga.

Đan Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ