Đó là các nạn nhân: Phạm Viết Nam (SN 1973, quê xóm 10, xã Cát Văn); Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, xóm 10, xã Cát Văn) và Phạm Viết Lành (SN 1994, xóm Đại Sơn, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương). Chị Đặng Thị Hồng Ngọc là vợ của Phạm Viết Bắc, em trai của Phạm Viết Nam. Giữa anh Nam và Lành lại có quan hệ họ hàng.
Cầu mong sao cho con tôi và những người gặp nạn sớm được cứu ra ngoài, nếu không tôi không biết phải sống làm răng nữa”, người mẹ nghẹn ngào.
Mấy ngày nay, ruột gan ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi) và bà Hoàng Thị Bình (65 tuổi) như lửa đốt, vì cả 2 người con của ông bà là anh Phạm Viết Nam (con trai trưởng) và Đặng Thị Hồng Ngọc (con dâu) đang mắc kẹt dưới hầm thủy điện Đạ Dâng.
Ông Diệm lo lắng nói: Tính đến hôm nay đã là 3 ngày 3 đêm, kể từ khi chúng tôi biết tin 2 con và 1 đứa cháu gặp nạn. Hôm 16/9, khoảng 2 tiếng sau vụ sập hầm là chúng tôi ở nhà nhận được tin, nhưng phải đến chiều hôm đó, chúng tôi mới biết rõ là cả con trai và con dâu cùng mắc kẹt dưới hầm.
Bà nhà tôi sức khỏe yếu, cứ nhắc đến con lại khóc, không ngủ, không ăn uống chi cả. Vừa lo cho tính mạng của con đang gặp nguy hiểm lại vừa lo cho bà ấy, không chịu đựng được mà quỵ xuống thì không biết phải làm sao”.
Ngoài ngõ, một cháu nhỏ đang đứng chơi thập thò, bà Bình vội sai con gái út bế cháu đi chơi. “Nó là con trai của vợ chồng Bắc và Ngọc, 5 tuổi rồi, nó nhạy cảm lắm, nó biết bác Nam nó bị nạn dưới hầm, nhưng chưa biết mẹ nó cũng mắc kẹt ở dưới đó.
Mấy hôm nay cứ suốt ngày hỏi mẹ ở đâu? Tại sao mẹ không gọi điện về cho con? Chúng tôi phải nói dối cháu là bố mẹ đang làm việc dưới hầm, không có sóng điện thoại. Tôi không dám cho nó đến trường, sợ bạn bè, người làng vô tình cho nó biết, thì ông bà không biết phải làm sao với nó” - bà Bình kể.
Anh Phạm Bắc rời quê vào miền Nam từ năm 15 tuổi, đến nay đã gần 20 năm. Anh làm công nhân cho các công trình thủy điện tại Tây Nguyên. Sau đó, anh về quê cưới chị Ngọc cùng làng làm vợ, rồi lại tiếp tục xa nhà. Cách đây 2 năm, khi con trai đã cứng cáp, chị Ngọc gửi con lại cho ông bà nội, và theo chồng rời Cát Văn vào Lâm Đồng làm công nhân.
Còn gia đình anh Phạm Viết Nam đã có 2 con, một trai một gái. Vợ anh Nam là chị Hoàng Thị Năm, ở nhà làm nông, vẫn thường xuyên sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao trong xóm và xã. Mấy hôm nay, nghe tin anh Nam gặp nạn, con trai đầu của anh đã vào Lâm Đồng với bố.
Gia đình ông Diệm có 7 người con, cũng đều đi làm công nhân ở xa, người ở Kiên Giang, người ở Phú Yên, người ở Huế. Ở vùng quê Cát Văn (Thanh Chương) nằm bên bờ sông Lam này, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Thanh niên trong làng hầu hết rời quê vào miền Nam kiếm sống.
Những ngày này, nghe tin có 12 người bị mắc kẹt tại hầm thủy điện Đạ Dâng, người dân xôn xao lo lắng, đến nhà ông Diệm, bà Bình hỏi thăm, an ủi, động viên.
Hiện nay, các lực lượng chức năng đã có mặt tại hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) tìm mọi biện pháp để đưa những người gặp nạn ra ngoài.
Còn ở quê nhà, chỉ biết ngóng tin qua điện thoại, đài, báo, ai cũng quặn lòng lo lắng không yên. "Giờ đây tôi chỉ biết ngồi chờ đợi mà không làm được chi cả. Thằng Bắc gọi điện về nói nói thức ăn và oxy đã được đưa vào trong hầm rồi. Nhưng biết đến khi mô mới đưa được người ra, chắc chúng nó ở dưới hầm lạnh lắm.
Mong sao các lực lượng sớm cứu được các con chúng tôi cùng với những người khác ra, nếu không tôi không sống nổi mất” - ông Diệm rưng rưng hy vọng.