Tiếp sau ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho các ngành chức năng xử lý dứt điểm vụ “giam lỏng” nhà báo trong khi tác nghiệp, mới đây, UBND huyện Bình Sơn - nơi xảy ra vụ việc, đã tiến hành điều tra làm rõ và kết luận: Hành vi của Công ty TNHH Lý Tuấn là sai hoàn toàn.
Sự việc như sau: Hôm 6/9, một nhóm phóng viên thường trú đại diện cho 3 tờ báo Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến mỏ đất Dông Cây Dừa, thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để điều tra theo đơn thư bạn đọc.
Người dân nơi đây phản ánh, doanh nghiệp Lý Tuấn vận chuyển đất tại mỏ này gây ô nhiễm nghiêm trọng đến cuộc sống của họ như xe chạy tấp nập suốt ngày đêm mà không che chắn để đất rơi vãi dọc đường, không phun nước chống bụi khiến những người có nhà ven đường không thể sinh hoạt bình thường được...
Họ đã gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng của huyện và tỉnh nhưng không ai giải quyết nên gửi đến các nhà báo nhờ can thiệp.
Thấy các phóng viên chụp ảnh, ghi hình, phỏng vấn người dân tại hiện trường, người của chủ mỏ đất Lý Tuấn đã cho xe tải ngăn cản lối vào mỏ, đồng thời đổ đất bít hết các ngả đường khiến các nhà báo không thể ra về được.
Họ đã bị doanh nghiệp này “giam lỏng” hai giờ đồng hồ trong khu vực mỏ đất kèm nhiều lời đe dọa. Các phóng viên buộc phải gọi Công an huyện Bình Sơn đến giải cứu!
Việc “giam lỏng” nhà báo khi họ tác nghiệp để phanh phui một sự vụ nào đó của địa phương hoặc doanh nghiệp không phải là chuyện cá biệt, mà đã từng diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trong cả nước.
Cũng cần nói rõ điều này: Trong thời gian qua, không ít nhà báo và những người nhân danh nhà báo, đã “lần theo đơn thư bạn đọc” để tiếp cận hiện trường, sau đó vòi vĩnh doanh nghiệp hoặc mặc cả tiền bạc để được bỏ qua.
Có những vụ, “nhà báo” ra giá với doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng thì mới không bị phản ánh lên mặt báo. Doanh nghiệp nào muốn yên chuyện thì bấm bụng “chung chi” nhưng cũng có doanh nghiệp đã tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng. Không ít nhà báo đã bị bắt tại trận sau những cú vòi vĩnh tống tiền này.
Tuy nhiên, trong trường hợp 3 phóng viên bị chủ mỏ đất ở Bình Sơn giam lỏng trên đây thì hoàn toàn khác. Họ đã làm việc đúng chức phận của nhà báo và tác nghiệp trong khuôn khổ của Luật Báo chí. Vì vậy, doanh nghiệp cố tình ngăn cản nhà báo tác nghiệp là vi phạm pháp luật chứ chưa nói đến chuyện giam lỏng họ hàng giờ đồng hồ.
Doanh nghiệp cứ làm đúng chức năng của mình, không gây ảnh hưởng đến người khác trong quá trình hoạt động thì nhà báo không có lý do gì để “phản ánh tiêu cực” lên mặt báo cả. Với những người nhân danh nhà báo hoặc nhà báo có thẻ mà tha hóa về đạo đức thì họ cũng không có cớ gì để vòi vĩnh hoặc mặc cả với doanh nghiệp để tống tiền rồi phải vào tù.
Cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi cần phải xử lý nghiêm những người gây cản trở công việc của nhà báo, nhất là công việc ấy mang lại niềm tin cho người dân. Không nên “phê bình, rút kinh nghiệm” rồi bỏ qua chuyện này! Luật pháp sẽ bị lờn đi nếu chúng ta xuê xoa từ những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy.