Rồi có lúc cô sẽ ân hận!

Rồi có lúc cô sẽ ân hận!

(GD&TĐ) - Ngọc Hân là học sinh không chỉ học giỏi mà còn có đạo đức tốt. Em được ở trong đội tuyển học sinh giỏi Văn lớp 8 của trường. Nhưng kết quả xếp loại học kỳ vừa qua, em chỉ đạt học lực trung bình, vì bị khống chế môn Hoá (mặc dù điểm trung bình các môn khá cao là 7,9. nhưng Hoá “bị” 4,6).  Nguyên do của cái sự bị khống chế môn Hóa ấy, chỉ một mình Hân biết, lại xuất phát từ một chuyện đáng tiếc xảy ra, đó là mâu thuẫn giữa gia đình Hân và cô giáo dạy Hóa. 

Cô dạy Hóa là giáo viên lâu năm được bộ phận chuyên môn phân công giảng dạy môn Hoá học. Cô dạy tốt, học sinh hiểu bài. Tận dụng triệt để của nhà riêng không gian mặt tiền rộng rãi, ngoài thời gian lên lớp, cô còn có thêm nghề tay trái là kinh doanh mặt hàng nước giải khát, mấy phòng karaoke, dãy bàn bi-a và dịch vụ trượt patin để kiếm thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Mặc dầu, đã ký cam kết với chính quyền địa phương đến 22 giờ 30 phút là chấm dứt hoạt động vui chơi giải trí, giữ gìn sự yên lặng để khỏi ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, xem ra bản giấy trắng mực đen đó dường như vô hiệu hoá. 

Là địa bàn nông thôn, nên chẳng kín cổng cao tường và thiết kế xây phòng cách âm nên những tiếng ồn đó mặc sức gây phiền hà đến nhiều hộ gia đình lân cận, thậm chí “xập xình” thâu đêm suốt sáng vào dịp lễ lạt hay ngày Tết. 

Mẹ của Hân cũng như những hộ gần đó, vì nể nang cô giáo nên cố nén chịu đựng hàng loạt chuỗi âm thanh hỗn độn đinh tai nhức óc phát ra tứ hướng từ phía nhà cô. Nhưng lẽ đời, tức nước vỡ bờ, nên bà đã tế nhị sang gặp riêng cô với mục đích mong gia đình thực hiện đúng quy định để các em còn phải tập trung cho việc học tập, thi cử; người dân nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Cô gật đầu ầm ừ cho qua chuyện. Song kể từ ngày ấy, “chiến tranh lạnh” âm thầm xảy ra giữa cô và mẹ Hân. Mẹ Hân đã không thể ngờ, năm lên lớp 8, môn Hóa ở lớp Hân lại do cô đảm nhiệm. Và hàng ngày lên lớp, Hân không những phải chứng kiến vẻ mặt lạnh lùng của cô giáo, mà còn phải hứng chịu những nghịch lý. Những bài tập nâng cao, những câu hỏi hóc búa, những cái nhìn thiếu thiện cảm... đều dành “tặng” riêng Hân. 

Em kể: “Mỗi lần học môn Hoá làm em thắc thỏm và rất căng thẳng, có lần cô liên tục truy bài gắt gao nên lúc nào cũng phải chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp, thế mà vẫn bị điểm yếu. Em rất sợ cô”. 

Hân ao ước như các bạn mình, khi tới trường được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng. Ấy vậy mà, không phải trò nào cũng được hưởng cái quyền bất khả xâm phạm đó. 

Tôi chỉ biết thương cảm, động viên, khuyên nhủ em cố gắng học thật tốt để vượt qua “chướng ngại vật”. là cái sự “giận cá chém thớt” của cô. Tuy nhiên, câu chuyện của em cứ mãi ám ảnh tôi, làm tôi trăn trở tự hỏi: mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, sự công tâm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của cô giáo trên đặt nơi nào? 

Thiên Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ