Robot tự động hóa - nghề “hot” thời 4.0

GD&TĐ - Tốc độ phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghệ 4.0 đã biến những điều không thể trở thành hiện thực, công nghệ mới đang từng bước làm chủ nhiều lĩnh vực sản xuất, robot thay thế công việc của con người. Điều này dẫn đến nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực tự động hóa tăng mạnh, đây chính là cơ hội cho những lao động có trình độ kỹ thuật cao phát huy năng lực cá nhân, nhanh chóng tạo lập cuộc sống ổn định và phát triển nghề nghiệp.

SV Nguyễn Thị Bích Thùy thực hành kỹ năng nghề. Ảnh: Anh Quang
SV Nguyễn Thị Bích Thùy thực hành kỹ năng nghề. Ảnh: Anh Quang

Câu chuyện của sinh viên ngành

Trong Kỳ thi Tay nghề quốc gia lần thứ 10 năm 2018, SV Nguyễn Thị Bích Thùy - Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - đã xuất sắc giành Huy chương Vàng nghề robot di động. Chỉ trong vòng hai năm học tập, cô gái đến từ Quy Nhơn đã nhanh chóng thu được thành công ban đầu. Tốt nghiệp THPT với tổng số điểm là 23,5 điểm cho 3 môn. Mặc dù có nhiều cơ hội để vào trường ĐH, nhưng Thùy đã lựa chọn học nghề, bởi nhận thấy tiềm năng và nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành cơ điện tử nói chung và robot di động nói riêng.

Trong thời đại công nghệ 4.0, các nghề kỹ thuật đều được thị trường lao động đón nhận, bản thân em cũng rất thích, bởi nghề này có nhiều cơ hội để tiếp cận với công nghệ mới. Chính vì vậy, em hướng tới nghề nghiệp là lập trình và vận hành tự động hóa, đây là nghề mà con gái cũng vẫn làm được.
SV Nguyễn Thị Bích Thùy

Nguyễn Thị Bích Thùy cho biết: “Em chọn học cơ điện tử bởi ngành này rất rộng bao gồm: Cơ khí, điện và lập trình. Đây cũng là ngành học được tiếp xúc với rất nhiều thiết bị, máy móc mới hiện đại gắn liền với thực tế. Đối với robot di động, khó khăn đầu tiên là việc điều khiển các bánh xe đa hướng một cách thành thạo và chính xác, phải làm chủ được vận tốc và góc quay, người lập trình phải nắm được các thông số về phần cứng để tính toán chỉnh sửa phù hợp. Bên cạnh đó, phải kết hợp các thuật toán sao cho đúng với ý định của người lập trình”.

Cơ điện tử là nghề tự động hoá nên mọi trường hợp phải được dự trù và có phương án giải quyết phù hợp. Để có thể điều khiển một cách thuận lợi trước hết phải tìm hiểu kĩ về các thông số phần cứng, chức năng các lệnh, hàm của phần mềm lập trình. Nhưng quan trọng nhất là phải thực hành thật nhiều vì lý thuyết khác thực tế. Khi thực hành thì mới thấy rõ được cái sai, có thể phần cứng chưa phù hợp hoặc do lỗi lập trình, qua đó đưa ra cách giải quyết tối ưu nhất, đồng thời thực hành cũng giúp cho việc chỉnh các lỗi tương tự trong thực tế một cách nhanh chóng.

Sau thành công tại Kỳ thi Tay nghề quốc gia, Thùy đã quay trở lại tập trung học tập và chuẩn bị cho kỳ thực tập tại doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Thùy mong muốn sẽ trở thành một kỹ sư trong ngành tự động hóa và có môi trường làm việc phù hợp để phát triển năng lực bản thân.

 

Rộng mở cơ hội nghề nghiệp

Robot tự động hóa là ngành còn khá non trẻ tại Việt Nam, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam đang cần đến hàng trăm nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn về các ứng dụng liên quan đến robot.

Bà Trần Thị Huyền, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Tân Phát cho biết: “Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thiết bị công nghiệp, bên cạnh việc lắp ráp và vận hành các dây chuyền sản xuất tự động, chúng tôi đã nhận đặt hàng các mô hình sản xuất dây chuyền tự động hóa cũng như các sản phẩm tự động hóa đặc thù theo yêu cầu khách hàng. Do đó, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này luôn rất cần thiết, hiện nay tập đoàn đang cần tuyển khoảng 30 kỹ thuật viên trong lĩnh vực robot và tự động hóa. Mức lương khởi điểm của các kỹ thuật viên này từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, mức lương của kỹ thuật viên có tay nghề cao, kỹ sư từ 10 - 20 triệu đồng/tháng và hơn nữa là người lao động có thể tự thỏa thuận mức lương với tập đoàn”.

Cũng theo đánh giá của bà Huyền, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực robot và tự động hóa là rất cao, đặc biệt tại các công ty, tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI… Nhưng hiện nay mới chỉ có rất ít cơ sở đào tạo kỹ thuật viên ngành này, nên khả năng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là khá cao. Đây cũng chính là cơ hội cho các lao động trẻ có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới và tham gia vào thị trường lao động một cách bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.