Rèn kỹ năng cho học sinh thành thị

GD&TĐ - Nhằm tăng cường trải nghiệm cho học sinh sống ở vùng thành thị, Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Chỉ đơn giản như việc trải nghiệm học làm bánh hay bơi lội cũng đã giúp các em phát triển được nhiều kỹ năng quan trọng…

HS Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tham gia khóa trải nghiệm Khoa học máy tính và Robotic
HS Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tham gia khóa trải nghiệm Khoa học máy tính và Robotic

Gắn với giáo dục kỹ năng sống

Trường TH Ngô Quyền là trường trọng điểm, nằm ở trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, hiện có 50 lớp với hơn 1.800 học sinh. Đa số các em ngụ cư trong địa bàn nội thành. Từ nhiều năm qua, nhà trường chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục trải nghiệm cho học sinh bằng nhiều hình thức.

Theo chia sẻ của cô Đinh Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường TH Ngô Quyền: Trường hiện có 155 giáo viên (trong đó có 87 giáo viên trực tiếp giảng dạy). Số giáo viên được phân công thực hiện hoạt động trải nghiệm là 60 người. Các giáo viên còn lại dạy ôn tập kiến thức theo chương trình buổi thứ hai.

Để rèn kỹ năng cho đối tượng học sinh chủ yếu sinh sống vùng nội thành, nhà trường đã tổ chức nhiều khóa trải nghiệm gắn với giáo dục kỹ năng sống. Trước tiên, trường phát phiếu cho học sinh đăng ký theo năng lực, sở trường. Sau đó tổng hợp, lập danh sách chia lớp theo 9 nội dung, lập thời khóa biểu vào 2 tiết cuối buổi thứ hai.

Theo cô Đinh Thị Thảo, trên cơ sở đăng ký của giáo viên và xét năng lực giảng dạy của đội ngũ nhà giáo, lãnh đạo trường phân công thực hiện dạy các môn: Toán nâng cao, Văn học tuổi thơ, Rèn chữ viết, Múa hát; hướng dẫn giáo viên được phân công lập kế hoạch hoạt động giảng dạy từng nội dung và hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện. Ngoài ra, trường còn phân công giáo viên bộ môn, nhân viên tham gia trợ giảng các môn: tiếng Anh, bơi, Robotics, làm bánh…

Từ khi phát động các lớp trải nghiệm cho học sinh, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận của tập thể giáo viên và đông đảo phụ huynh. Trường đã tổ chức 97 khóa trải nghiệm, gồm: 26 lớp tiếng Anh, 16 lớp Toán nâng cao ngoài chương trình SGK, 3 lớp Văn học tuổi thơ, 14 lớp rèn chữ, 9 lớp múa hát, 5 lớp Mĩ thuật, 13 lớp làm bánh, 3 khóa học bơi, các lớp Robotic (dành cho học sinh khối 3, 4, 5) và Khoa học máy tính (dành cho khối học sinh lớp 1, 2). Mỗi lớp sẽ học, trải nghiệm với thời gian 2 tiết/tuần vào các ngày thứ 2, 3, 5, 6 (từ 15 giờ đến 16 giờ 20 phút).

Mỗi trải nghiệm là bài học quý

Từ những học sinh còn nhút nhát, còn xa lạ về thế giới xung quanh, sau các khóa trải nghiệm, các em đã tự tin, hiểu biết được nhiều điều trong cuộc sống. “Như lớp múa hát, ban đầu chỉ có 20% học sinh đăng ký có năng khiếu về múa hát. Số còn lại còn nhút nhát trước đám đông, chưa dám biểu diễn trên sân khấu. Sau khóa trải nghiệm, các em đã tự tin hơn trước đám đông, mạnh dạn biểu diễn văn nghệ, múa dân vũ, vui thích khi được tham gia biểu diễn”, cô Đinh Thị Thảo chia sẻ.

Hoặc như lớp tiếng Anh, ban đầu các em tham gia với vốn từ tiếng Anh rất hạn chế, đa số còn e ngại khi gặp và giao tiếp với người nước ngoài, nhưng bằng phương pháp giáo dục mở, “học mà chơi, chơi mà học”, các em bắt đầu hòa nhập và dần tự tin hẳn lên. Kết thúc khóa học, các em đều tỏ ra dạn dĩ khi giao tiếp với người nước ngoài, chủ động chào hỏi khách du lịch khi gặp ở công viên hay bến Ninh Kiều. Kết quả, có 100% học sinh tham gia vào các hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh, đi thi hùng biện tiếng Anh cấp quận và thành phố đạt 7 giải thưởng.

Điều khiến nhà trường vui nhất là các khóa trải nghiệm làm bánh đã thành công vượt mong đợi. Khi mở khóa này, rất nhiều học sinh chưa có kiến thức cơ bản về công việc bếp núc, chỉ một số biết “chút chút” trong những lúc phụ cha mẹ việc nhà. Sau khóa học, có 100% học sinh hiểu biết an toàn vệ sinh thực phẩm và biết pha chế tỷ lệ về nguyên liệu làm bánh. Các em đã tạo được sản phẩm, như bánh rau câu ngũ quả và bánh phục linh; làm cơm cuộn, gỏi cuốn… Nhờ vậy, nhiều em có thái độ trân trọng hơn với công việc nội trợ, thậm chí rất hứng thú khi được “ra tay” phụ bếp cho gia đình.

Theo cô Đinh Thị Thảo, để đảm bảo các hoạt động trải nghiệm phát huy hiệu quả cao, trước tiên nhà trường tiến hành tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên. Mời các chuyên gia, giảng viên đại học trong và ngoài nước, chuyên viên Sở GD&ĐT tập huấn kiến thức, kỹ năng mở rộng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên của trường. Thông qua các đợt tập huấn, giáo viên nắm vững các chuyên đề, tự tin tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.