Rèn kĩ năng làm văn nghị luận cho học sinh chuyên văn

GD&TĐ - Cô Lại Thị Thu Huyền - Giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) – quan niệm: Để làm tốt bài nghị luận xã hội, thí sinh cần đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản là kiến thức và kỹ năng.

Rèn kĩ năng làm văn nghị luận cho học sinh chuyên văn

Tuy nhiên, đối với học sinh chuyên Văn, tích lũy kiến thức văn học là việc làm thường xuyên nhưng việc tích lũy, bồi đắp kiến thức cuộc sống, những hiểu biết xã hội còn bị xem nhẹ. Vì vậy, hướng dẫn của người thầy là hết sức quan trọng.

Tích lũy kiến thức

Theo cô Lại Thị Thu Huyền, các lĩnh vực xã hội làm đề tài cho bài văn nghị luận xã hội rất đa dạng, nên kiến thức phục vụ cho bài làm của học sinh là rất phong phú. 

Nhưng, điều quan trọng, học sinh phải có ý thức quan sát, tìm hiểu, ghi chép, để vận dụng (giáo viên cần hướng dẫn để học sinh biết để ý, để tâm những vấn đề của đời sống, xã hội)

Có thể định hướng học sinh huy động kiến thức từ các nguồn:

Kiến thức từ sách vở: Chủ yếu từ báo chí, sách tham khảo về các lĩnh vực của cuộc sống, từ văn học, lịch sử, khoa học, tôn giáo, sách về gương người tốt việc tốt …" Hạt giống tâm hồn", "Hạt giống hạnh phúc", "Suy nghĩ của những người trẻ",… Điều quan trọng cùng các em tìm và lựa chọn sách cần thiết để học, biết cách đọc, hệ thống hóa kiến thức.

Kiến thức từ đời sống: Hiểu biết, tích lũy hoặc từ đời sống hàng ngày của bản thân người viết, yêu cầu học sinh có thói quen quan sát cuộc sống, những hoạt động, sự việc, những vấn đề từ cuộc sống xung quanh quan trọng hơn là biết suy nghĩ, suy xét những gì mình nghe được, quan sát được. Trên cơ sở đó, biết lựa chọn, nắm bắt lấy bản chất vấn đề.

Kiến thức từ trải nghiệm bản thân, đây sẽ là ví dụ minh họa sống đúng, có sức thuyết phục nếu nó được vận dụng vào bài văn một cách tự nhiên, chân thành.

Kỹ năng nhận diện phân tích đề, tìm ý

Trong các bài văn nghị luận xã hội, học sinh phải phát biểu những suy nghĩ nghiêm túc, chín chắn, sâu sắc của mình về một hiện tượng tốt, xấu trong đời sống xã hội, về những vấn đề của cuộc sống từ chân lývĩnh hằng đến thời sự nóng hổi.

Muốn vậy, trước hết học sinh phải nhận thức đúng vấn đề mà đề bài yêu cầu nghĩa là việc xác định vấn đề phải trúng, vì thế khâu tìm hiểu đề hết sức quan trọng.

“Theo tôi kỹ năng cần thiết, rèn luyện đầu tiên là kĩ năng nhận diện phân tích đề” – cô Huyền cho biết.

Đối với học sinh giỏi, các kỳ thi mà các em tham gia đều phải chịu áp lực lớn. Từ chọn đội tuyển cấp trường, đến cấp tỉnh, qua nhiều vòng thi đến kỳ thi quốc gia, vì vậy rèn luyện thói quen độc lập suy nghĩ dám phát biểu chính kiến, quan niệm cá nhân là cả vấn đề.

Về căn bản kiểu bài nghị luận xã hội chia làm 3 dạng chính: Nghị luận về một hiện tượng xã hội, nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một vấn đề từ tác phẩm văn học. 

Nhưng ở mỗi dạng đó, có rất nhiều tình huống đề, những vấn đề đưa ra cần nghị luận; đề văn rất phong phú trong cách thể hiện những vấn đề đó. Vì vậy, học sinh giỏi rất cần được tiếp cận, làm quen, từ đó học cách suy nghĩ và giải quyết.

Trong 3 dạng này, với học sinh giỏi lớp 12, dạng đề thường gặp nhất là nghị luận về một tư tưởng đạo lý (tư tưởng đạo lý được hiểu theo nghĩa rộng).

Trong quá trình bồi dưỡng, cần cho học sinh được tiếp xúc các dạng đề dưới nhiều hình thức bài tập để các em tư duy, suy nghĩ, nhận thức tìm cách giải quyết.

Đối với giải quyết một đề văn, việc nhận thức phát hiện đúng vấn đề là khâu hết sức quan trọng, có làm được điều đó học sinh tránh bị lạc đề, xa đề.

Xây dựng luận điểm cho bài văn

Nhận thức đề là cơ sở cho việc tìm ý và xây dựng hệ thống ý lớn cho bài viết. Tư tưởng, suy nghĩ của người viết trước vấn đề cần nghị luận phải là tư tưởng phù hợp đạo lý, lẽ phải thể hiện trách nhiệm của người viết trước những vấn đề của đời sống.

Tư tưởng trong bài văn được thể hiện thông qua các luận điểm, luận điểm là sợi chỉ đỏ, là xương sống của bài nghị luận, người viết phải xác định được hệ thống luận điểm rõ ràng thì bài văn mới có phương hướng, có nội dung đúng, đủ và sâu sắc.

Luận điểm trong bài nghị luận xã hội phải đạt các yêu cầu: Chính xác, rõ ràng, sâu sắc và mới mẻ.

Điều đó có nghĩa là: Luận điểm phải phản ánh đúng bản chất vấn đề, phù hợp với đối tượng bàn luận, luận điểm được xây dựng phải sáng rõ, nổi bật, nhờ luận điểm mà người đọc nhận thức vấn đề sâu sắc; luận điểm cần đưa ra được những ý mới, ý hay, đem đến cho người đọc những nhận thức mới.

Trong quá trình xây dựng luận điểm cho bài viết, học sinh luôn phải biết tự đặt ra các câu hỏi: Vì sao, cần phải làm như thế nào, những hiện tượng nào cần phê phán trong thực tế cuộc sống, bài học mỗi người tự rút ra được sau các vấn đề bàn luận là gì?

Đối với học sinh trong quá trình làm bài, luôn có ý thức bám sát yêu cầu của đề. Triển khai các luận điểm để nội dung toàn bài cùng tập trung hướng tới làm rõ một vấn đề xã hội từ đó cần bàn luận.

Một trong những thủ pháp để tìm được luận điểm mới, sâu sắc là người viết phải biết lật đi, lật lại vấn đề, bên cạnh chính đề cần tìm ý phản đề hay giả định trong những trường hợp cần thiết.

Điều đó giúp cho vấn đề bàn luận được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ và tăng thêm sức thuyết phục. Yêu cầu này phải được đặt ra đối với các em và cần để luyện tập để các em thấy nó cần thiết, không thể thiếu đối với tư duy, giải quyết vấn đề của người học sinh giỏi (tránh được lối viết hời hợt, thuận chiều).

Rèn luyện kỹ năng diễn đạt

Đối với bài nghị luận xã hội, việc vận dụng phối hợp linh hoạt các thao tác lập luận để giải thích, phân tích, bình luận vấn đề, làm cho vấn đề được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau cũng rất quan trọng.

Ví dụ: Đối với dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí các bước cần phải tiến hành:

Giải thích vấn đề làm cơ sở nghị luận, phân tích các khía cạnh biểu hiện của vấn đề; vận dụng kiến thức đã tích lũy để chứng minh; bình luận mở rộng (tạo ra những phản đề); rút ra những bài học, khẳng định ý nghĩa thiết thực của vấn đề với bản thân và thế hệ trẻ.

Việc rèn luyện kỹ năng viết bài là khâu công phu đòi hỏi người thầy sự tận tâm, lòng kiên trì, bền bỉ.

Giáo viên rất cần phải tỉ mỉ, chăm chút trong quá trình chấm bài từ chỉ lỗi đến sửa lỗi cho học sinh; chấm trả bài tay đôi giữa giáo viên và học sinh là cách làm rất hiệu quả tuy mất nhiều thời gian.

Nhưng cách thức này rất phù hợp và hiệu quả đối với các học sinh trong đội tuyển Quốc gia. Từ cách lập luận, trình bày các ý chính, đến ý nhỏ; sự kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng; đến cách sử dụng dẫn chứng sao cho hiệu quả và "nghệ thuật".

Thực tế cho thấy, không có học sinh nào ngay từ đầu đã tỏ ra có "năng khiếu" với kiểu bài này, mà phải qua rèn luyện, trau dồi mới dần hoàn thiện.

Giáo viên phải định hướng cho các em từ phát hiện, tư duy vấn đề đến cách diễn đạt sao cho vừa khoa học, logic mà vẫn phải đượm "chất văn".

Bởi lẽ, một bài văn nghị luận được coi là đạt, là hay ngoài lập luận lí lẽ, dẫn chứng vẫn rất cần cái tình của người viết, cách diễn đạt phải "thấu tình đạt lí".

Như vậy, học sinh cũng cần chủ động tự rèn kĩ năng cho mình dưới hướng dẫn của giáo viên qua các đề bài cụ thể.

Qua thực tế giảng dạy, ở kiểu bài nghị luận xã hội, ngay cả với đối tượng học sinh giỏi thì khâu các em lúng túng vẫn là sử dụng dẫn chứng xã hội vào bài viết sao cho hiệu quả.

Vậy việc huy động dẫn chứng, chọn dẫn chứng cho phong phú, đa dạng và sử dụng như thế nào đều là những kĩ năng người thầy phải trang bị cho học sinh.

Việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh khi làm bài nghị luận xã hội còn phải chú ý từ rèn chính tả đến lựa chọn ngôn từ đặt câu sao cho phù hợp, chính xác với kiểu bài. Có em rất "giản đơn" trong cách lập luận, viết câu, song có em lại thích thể hiện bằng lối diễn đạt cầu kỳ, uyên bác, hoặc đôi khi rơi vào sáo ngữ.

“Giáo viên phải kịp thời nắm bắt, điều chỉnh lối viết bất cập này. Biện pháp cụ thể giáo viên sửa trên bài, học sinh tham khảo bài viết của nhau tự rút kinh nghiệm; tham khảo bài viết hay của học sinh đội tuyển các khóa trước… Tất cả đều tỏ ra rất có tác dụng đối với các em” – Cô Hiền cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.