Rau tự trồng: ngỡ sạch nhưng không sạch

GD&TĐ - Trước thực trạng rau nhiễm độc, rau phun thuốc trừ sâu, rau quả nhiễm độc từ Trung Quốc tuồn vào nước ta, nhiều người dân thành phố đã tự trồng rau theo mô hình tự cung tự cấp. Nhưng liệu rau tự trồng đó có thực sự sạch như kỳ vọng của người dân?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực trạng rau sạch hiếm hoi, rau nhiễm độc nhiều nhan nhãn khiến người dân vô cùng lo lắng và hoang mang. Càng đáng lo ngại hơn khi dù biết các loại rau quả hàng ngày được ngâm tẩm hóa chất song bản thân chị em nội trợ lại không thể phân biệt được đâu là rau bẩn, đâu là rau sạch.

Cái khó ló cái khôn

Bên cạnh những người dân “bất lực” “sống chung với lũ”, một số hộ dân đã nảy ra sáng kiến tự trồng rau để ăn trên nền đất ít ỏi của mình. Việc tự trồng rau ăn vốn chẳng có gì lạ với bà con ở thôn quê có mảnh vườn rộng hoặc cả một cánh đồng để trồng rau. Nhưng với những người sống ở các thành phố lớn vốn đất chật người đông đó là cả một vấn đề. Nếu trước đây, sân thượng, ban công, sân nhà dùng để trồng kiểng "sang chảnh" thì không gian ấy giờ dành cho trồng rau với hi vọng người ăn sẽ được an toàn hơn.

Chị Nguyễn Minh Hoàn (Tp.HCM) hiện đang có một mảnh vườn trồng rau mini trên sân thượng chia sẻ: “Thực ra trồng rau cũng không khó, quan trọng là có chỗ để trồng hay không thôi. Chính vì vậy, gia đình tôi đã tận dụng phần sân thượng để đặt các thùng xốp, tự trồng rau để ăn. Xung quanh nhà tôi, hầu như nhà nào cũng tự trồng rau ăn. Vừa sạch, vừa tiết kiệm, hơn nữa việc dùng những nông sản do chính mình làm ra, đó là một trải nghiệm rất thú vị”.

Việc tự trồng rau sạch để ăn vốn dĩ là một ý tưởng rất hay nên nhiều người dân đã truyền tai nhau bí quyết tự trồng rau sạch. Họ tận dụng mọi không gian để trồng rau. Nếu đi dọc con đường Khương Trung - Hà Nội, chúng ta sẽ thấy nhiều thùng xốp được đặt ven sông Tô Lịch. Hầu như nhà nào cũng có vài ba thùng xốp trồng các loại rau quen thuộc như rau mồng tơi, xà lách, rau cải… Hay như ven đê đường Nghi Tàm, người dân cũng tận dụng mọi chỗ có đất để trồng rau… Nhiều loại rau vốn dĩ rất dễ sống nên chỉ cần chăm tưới nước, người dân đã có thể có những nồi canh rau do chính mình tự sản xuất.

Sạch mà không sạch

Việc tự trồng rau sạch là một giải pháp đối phó trước thực trạng rau nhiễm độc tràn lan và khi các cơ quan quản lý chưa thể đưa ra giải pháp xử lý triệt để. Nhưng đây không giải pháp tuyệt đối an toàn, vì khi tránh được các loại thuốc bảo vệ thực vật, những loại rau này lại đứng trước nguy cơ nhiễm độc chì từ nguồn nước tưới hay phóng xạ từ các phương tiện giao thông (với các rau trồng ven vệ đường)…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Nguồn nước nhiễm bẩn, ô nhiễm có thể mang theo các chất như lưu huỳnh, chì, thủy ngân… qua rễ lên thân rau sau khi tưới. Ngoài ra, nguồn nước bẩn còn là môi trường thuận lợi để các loại trứng giun, sán phát triển và kí sinh trong rau”.

Bởi vậy, dù đã giải quyết phần nào mối nguy hại từ các loại rau quả ngậm độc trên thị trường cũng như xoa dịu phần nào nỗi lo lắng cho người dân, việc tự trồng rau cũng không thể là biện pháp lâu dài. Vẫn cần có hành động quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe lâu dài cho người dân, thay vì để người dân tự vật lộn tìm cách bảo vệ mình như vậy.

Theo suckhoegiadinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.