Rạng rỡ nghề làm hoa từ đất

GD&TĐ - Nghề làm hoa từ đất vừa là nghệ thuật, song cũng là một thú chơi tao nhã mà những người yêu hoa Hà thành cùng chăm chút. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến Xuân về, những bông hoa được gửi gắm tình yêu cái đẹp, cũng như sự tinh tế ấy lại như càng rạng rỡ hơn trong khí sắc màu xuân dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân làm hoa đất Hương Thủy.

Rạng rỡ nghề làm hoa từ đất

Cơ duyên với nghề

Được biết đến với nghề làm hoa lụa do gia đình truyền lại, nhưng cô gái tuổi Bính Thìn - sinh năm 1976 lại chọn hướng đi cho mình là làm những bông hoa từ đất để thỏa sức bay bổng sáng tạo. Ngay từ năm 2005, khi mới biết đến những sản phẩm hoa đất của Thái Lan, Hương Thủy đã vô cùng yêu thích loại hoa nhân tạo ấy. Niềm yêu thích dần dần trở thành say mê thực sự. Bởi vậy, năm 2008, chị đưa ra quyết định thay đổi cả cuộc sống của mình là học nghề làm hoa đất.

Những năm tháng ấy, cô gái nhỏ nhắn đã không quản ngại lặn lội khắp hai miền Nam, Bắc học cách tạo ra những bông hoa đất đặc sắc. Học để có thể làm được hoa cũng chỉ vài tháng, nhưng học để cho ra đời những bông hoa đẹp, bền màu và phải giống như hoa thật không đơn giản chút nào. Ở mỗi nghệ nhân, chị chỉ học được những bước cơ bản nhất. Và suốt gần một năm sau đó, một mình chị tự thử nghiệm, mày mò pha đất, phối màu, tạo kiểu… mong tạo được sản phẩm ưng ý.

Quả thực nhớ lại thời gian đầu ấy là cả quãng đường khó khăn chất chồng. Bởi vì chưa có kinh nghiệm nên một loạt khuôn cánh hoa đã mua đều không cho ra loại cánh mỏng, đẹp, giống thật như chị mong ước. Chính vì vậy bên cạnh việc đầu tư kinh phí, Hương Thủy đã phải trăn trở tìm tòi và đặt riêng những khuôn làm cánh hoa theo ý mình.

Nơi gửi gắm tình yêu

Chị nhớ lại không biết bao đêm một mình chị thao thức đến 2 - 3 giờ sáng, nhìn chăm chăm vào những đóa hoa tươi cho đến lúc cảm thấy mắt như mờ đi. Rồi thử đi thử lại cách pha màu cho tới hình dáng từng cánh hoa thế nào cho giống như hoa thật nhất… Và niềm vui chợt vỡ òa… khi những thử nghiệm đầu tay của chị đã thành công.

Chị tâm sự, các loại đất chị đã thử nhiều, nhưng chỉ có loại đất nhập từ Nhật Bản mới cho ra những bông hoa đẹp, cánh hoa trong và mỏng, màu sắc tươi tắn như hoa thật. Để tạo ra một bông hoa đất hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn như cán đất, cắt cánh hoa, tạo dáng cho bông, vẽ màu lên cánh hoa, nặn nhị, nặn nụ, ghép cánh thành bông, xe bông, xe cành… Còn với nghệ nhân Hương Thủy sáng tạo ra những bông hoa đất là gửi gắm tình yêu và thỏa sức ước mơ bởi vậy đó là sự tự nguyện đầy duyên nợ.

Ăn ngủ cùng hoa đất, say sưa với những tìm tòi, thử nghiệm cho đến thời điểm này chị và những người bạn đồng hành của mình đã tạo ra được hàng chục mẫu hoa đất khá bắt mắt như: Địa lan, Nữ hoàng, Hồ điệp, Vanda, Mô ra ca và cả những loại hoa bình dị nhưng mang đậm phong vị của Hà Nội như Cúc họa mi, hoa Bằng lăng, hoa Lộc vừng… Điều chị hạnh phúc là sự lựa chọn đúng đắn khi mang sản phẩm giới thiệu với công chúng và hoa đất Hương Thủy đã nhận được sự yêu mến của nhiều người chơi hoa tại Hà Nội.

Sáng tạo với những sắc màu

Với nụ cười nhẹ rồi khẽ vuốt sợi tóc vương trên trán, cô gái Hà thành khéo léo chuốt lại cánh hoa vừa lên khuôn xong khẽ khàng: Làm cánh hoa, thì sau khi cho đất vào cán rồi sẽ tuỳ theo độ dày mỏng của từng loại cánh mà tạo hình cho thật giống. Nhiều loại hoa có sẵn khuôn riêng để tạo dáng cánh hoa nhưng vẫn đòi hỏi người làm hoa phải tạo dáng thật khéo mới mang được “cái hồn” cho bông hoa qua các công đoạn như in gân hoa và “đánh lăn”, sau đó phơi cho khô, rồi tiếp tục tô màu cho cánh hoa. Còn các loại nhụy hoa, nụ hoa… thường phải nặn hoàn toàn bằng tay. Khi làm lá thì khâu quan trọng nhất thường là se đất vào cọng thép, cọng thép phải được quấn bằng băng dính sáp mỏng bên ngoài tránh để lâu sẽ gỉ.

Không chỉ tạo ra những bông hoa đơn thuần, nghệ nhân Hương Thủy còn kết hợp với nghệ thuật tranh sơn dầu để sáng tạo nên những bức tranh với không gian 3 chiều độc đáo. Với cách nhấn nhá những mảng màu, trong bức tranh thì điểm nhấn là những bông hoa đất. Chính vì vậy khi được ngắm những bức tranh ấy, người xem cảm nhận được sự tươi mới, trong trẻo bên cạnh cái dung dị ấm áp đến nao lòng. Nghệ thuật luôn là sự tìm tòi đầy mới lạ, cái khéo của những người gắn bó với nghệ thuật là tìm ra sự sáng tạo từ những kết nối giản dị ấy.

Nghệ nhân Hương Thủy mỉm cười khi bảo: “Trên cơ thể con người, tôi rất thích hai bàn tay. Nhất là khi chắp lại, chúng giống như một búp sen thành kính. Những ngón tay tôi nhỏ bé, chai sần, nhưng có thể thuần thục viết báo, nhiếp ảnh, nấu cơm, chăm sóc gia đình... Quan trọng hơn, bàn tay chính là công cụ để tôi có thể tạo ra hoa đất, có thể kết nối những trái tim, những tâm hồn lại với nhau từ chỗ chỉ là người xa lạ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.