“Ráng học nghe con!”

GD&TĐ - Bức ảnh chụp người cha đi đôi dép tổ ong, cẩn thận kiểm đếm tiền đưa con trong ngày nhập học vào một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh được số lượng lớn người chia sẻ trên mạng với rất nhiều cảm xúc.

“Ráng học nghe con!”

Nhìn trong ảnh, có thể đoán hai cha con đến từ một vùng quê, lên thành phố với khoản tiền là thành quả từ sự chắt chiu, tích cóp. Người cha lúc đó, có lẽ bên cạnh nhiều nỗi lo còn có cả sự tự hào, hy vọng vào tương lai tốt đẹp mà cánh cửa đại học đang chờ đợi con mình phía trước.

Những gì thấy trong ảnh không có gì đặc biệt, ngược lại vô cùng dung dị và quen thuộc. Nhưng điều tạo nên cảm xúc cũng chính từ sự dung dị và quen thuộc ấy; bởi rất nhiều người nhìn thấy mình trong bức ảnh.

Với truyền thống hiếu học, hầu như mọi ông bố, bà mẹ trên đất nước Việt Nam này đều sẵn sàng chịu vất vả, hy sinh để con được học tập tốt nhất. Người viết được tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về những ông bố, bà mẹ lam lũ gần như dồn mọi tài sản để thỏa mãn ước mơ giảng đường của con. Người chuẩn bị hàng năm trời nuôi lứa lợn; người bán hết thóc từ cả vụ mùa; người viết giấy vay tiền ngân hàng, nội dung là tăng gia sản xuất nhưng thực chất là để gửi cho con…

Cũng không ít trường hợp, khi con lên thành phố học, cha mẹ cũng khăn gói đi theo để tìm việc, sống cùng con. Họ làm bất cứ công việc gì, từ giúp việc, rửa bát, làm quán ăn, phụ xây… cốt hàng tháng có thu nhập ổn định nuôi con 4 - 5 năm đại học. Cách đây vài năm, câu chuyện người cha nghèo ở trong ống cống, bám vỉa hè mưu sinh nuôi 4 người con ăn học đã khiến bao người xúc động…

Những người làm cha mẹ vượt qua tất cả vất vả, nhọc nhằn ấy chỉ với một mong ước duy nhất: Sự học sẽ giúp con thay đổi cuộc đời, thoát khỏi cái nghèo. Họ đưa con lên thành phố nhập học ĐH với câu nhắn nhủ từ đáy lòng: “Ráng học nghe con!”.

Thế nhưng, trong suy nghĩ của không ít các tân sinh viên lại có một diễn biến khác: Vào được đại học là “xả hơi” cho bõ những tháng ngày vùi đầu vào sách vở ở phổ thông. Ngược lại thời gian ở phổ thông với lịch học luôn dày kín, không ít sinh viên khi vào đại học, lập tức trở thành “triệu phú thời gian”.

Một giảng viên đại học than phiền rằng sinh viên mình dạy thụ động đến khó tin; hiếm khi tự tìm tòi đọc tài liệu trước khi lên lớp; vẫn nặng thói quen đọc chép; hầu như không tham gia phát biểu, tranh luận trong giờ học; nhút nhát, e ngại trước đám đông; ít tham gia các hoạt động xã hội. Cả một thư viện rộng lớn nhưng chỉ lác đác sinh viên. Thời gian đọc sách của sinh viên thì ít nhưng thời gian lướt Facebook, sống “ảo” rất nhiều… Một bộ phận sinh viên chơi dài, hoặc tranh thủ đi làm thêm, chỉ tập trung học cấp tốc trong mấy ngày chuẩn bị thi cử…

Xã hội đang nói nhiều đến số lượng sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này, nhưng chắc chắn không thể không có yếu tố chủ quan từ người học. Không có mục tiêu rõ ràng; thiếu kế hoạch học tập rèn luyện khoa học và thực hiện chúng một cách nghiêm túc; lười biếng, dễ dãi với bản thân… nhiều sinh viên ra trường với sự non nớt về cả kiến thức và kỹ năng nên không thể tìm được việc làm như mong muốn.

Mùa tựu trường nữa lại đến. Một số lượng lớn tân sinh viên bỡ ngỡ bắt đầu cuộc sống mới nơi thành phố, mang theo rất nhiều kỳ vọng của những người làm cha mẹ một nắng hai sương nơi quê nhà. Ở lứa tuổi đã là một công dân thực thụ với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ trước pháp luật, các tân sinh viên nên nhớ mình sẽ bắt đầu hành trình là bước đệm quan trọng nhất để bước vào đời. Tương lai tốt đẹp phía trước, như kỳ vọng của những người cha, người mẹ lam lũ dẫn con đi nhập học, chỉ đến khi mỗi sinh viên có ý thức và nỗ lực đầu tư phát triển bản thân một cách xứng đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.