Linh hoạt triển khai các giải pháp chuyên môn
Nói về điều kiện dạy học của giáo viên, HS nhà trường, thầy Hiệu trưởng Thiều Đức cho hay, trường đóng chân trên vùng đất còn nghèo khó; hầu hết HS trong trường là con em gia đình thuần nông, nhiều em có điều kiện kinh tế gia đình còn khá hạn hẹp. Cơ sở vật chất trường lớp còn đang trong giai đoạn bổ sung hoàn thành, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học, tuy vậy, nhiều thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu, chưa đảm bảo.
Tuy nhiên, có một điều kiện thuận lợi lớn của nhà trường là các em HS có tinh thần hiếu học, gia đình, phụ huynh HS rất quan tâm đến chuyện học của con em mình. Cùng với đó là tinh thần, ý thức, trách nhiệm cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công tác tổ chức hoạt động GD rất cao.
Chính những điều kiện thuận lợi hết sức căn cơ đó mà trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai được nhiều giải pháp có tính đột phá trong hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng dạy học. Theo thầy Thiều Đức, để chính quyền địa phương, phụ huynh HS tin tưởng, ủng hộ, hỗ trợ nhà trường trong mọi hoạt động thì phải “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Nghĩa là phải xây dựng được kỷ cương, nề nếp trường học, môi trường văn hóa sư phạm và sự đoàn kết thống nhất trong tập thể sư phạm nhà trường.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thực sự là những tấm gương đạo đức mẫu mực cho HS, cộng đồng, xã hội. Có như vậy trường học mới phát triển được lâu dài, có được sự tin yêu của HS, người dân, cùng các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. Đó là nền tảng của một trường học, là bàn đạp để triển khai các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng hoạt động GD.
Về những giải pháp trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động GD phù hợp với địa phương, thầy Văn Hữu Duy Khánh – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn chia sẻ: Để triển khai thực hiện các phong trào thi đua dạy học, nhà trường luôn thành lập các ban chỉ đạo, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, kế hoạch triển khai cụ thể, phận định vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể.
Cùng với đó kế hoạch thực hiện phải có nhiều hình thức, cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị mình. Tất cả các kế hoạch, hình thức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đều được xây dựng trên cơ sở thông qua các cuộc họp hội đồng sư phạm, họp chuyên môn, họp tổ. Qua đó, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Linh hoạt trong đánh giá HS
Theo thầy Thiều Đức, mặc dù trong thời gian qua việc thực hiện đánh giá HS thay điểm số theo Thông tư 30 có một số bất cập (dẫn đến việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 sửa đổi bổ sung, sẽ có hiệu lực từ 6/11 tới đây), tuy nhiên với sự chỉ đạo của ngành GD&ĐT, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã có những giải pháp triển khai hết sức hiệu quả, mang lại những thành công nhất định.
Nhằm tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, nhà trường khi triển khai đánh giá HS, Trường TH Trần Thị Lý đã tổ chức họp cha mẹ HS để quán triệt nội dung, tinh thần về việc đánh giá HS theo hướng mới. Đồng thời cũng hướng dẫn, động viên phụ huynh cùng tham gia đánh giá con em mình.
“Vào thời điểm cuối học kỳ I và cuối năm học, nhà trường phát phiếu đánh giá HS cho từng phụ huynh để cùng tham gia đánh giá. Nội dung phiếu đánh giá tập trung các hoạt động tự học ở nhà của HS, nếp ăn ở, cư xử, sinh hoạt, đạo đức, lối sống của con em mình ở gia đình, làng xóm. Nội dung đánh giá của phụ huynh HS có tính tham khảo cho giáo viên khi thực hiện đánh giá HS cuối kỳ.
Chúng tôi thấy rằng, với cách làm này đã có tác dụng tích cực đến HS khi các em được đọc những lời nhận xét của bố mẹ. Qua đó, HS có sự điều chỉnh hành vi, ý thức học tập của mình ở nhà cũng như ở trường. Với những giải pháp cơ bản đó, chúng tôi tin tưởng rằng khi triển khai thực hiện Thông tư 22 thay thế cho Thông tư 30 về đánh giá HS sẽ có nhiều thành công, hiệu quả mới” - thầy Văn Hữu Duy Khánh cho hay.