Rắn cắn – nguy hiểm chết người

Rắn cắn – nguy hiểm chết người

(GD&TĐ) - Những ngày vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận trung bình 4 - 5 bệnh nhân bị rắn cắn/ngày. Theo bác sĩ tại Trung tâm, tháng 4 - 10 là mùa rắn đi kiếm ăn nên số người bị rắn cắn vì thế cũng nhiều hơn.

Liệt người do rắn cắn

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng (Trung tâm Chống độc) cho biết:  Bệnh nhân rắn cắn thì tháng nào Trung tâm cũng ghi nhận nhưng từ tháng 4, số bệnh nhân nhập viện bắt đầu gia tăng và cao điểm là tháng 8 - 10 do đây là mùa nóng, mưa nhiều nên rắn ra ngoài kiếm ăn.

Gần đây nhất, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Khay (sinh năm 1953 ở Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam) trong tình trạng sụp mi, đồng tử giãn to, liệt cơ toàn thân, phản xạ gân xương yếu. Anh Vũ Văn Lục (chồng bệnh nhân) cho biết: 4h sáng, hai vợ chồng ra đồng để thu bẫy chuột, tiện thể tát nước một đoạn mương để bắt tôm, cá.

Vừa lội xuống mương để bắt cá, chị Khay bị một con rắn khúc đen khúc trắng (hay còn gọi là rắn cạp nia) cắn vào cổ tay phải. Chỉ kịp hét lên một tiếng đau đớn, chị ngã gục ngay trên bờ mương. Thấy vợ nằm gần như… chết, anh Lục vội đưa vợ đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.

Theo bác sĩ Hùng, nạn nhân bị rắn cạp nia cắn, thường  hạ NaCl máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như hôn mê, co giật, phù não, liệt cơ làm tăng nguy cơ tử vong. Do vậy, cần được đặt ống thở, rửa vết thương kịp thời để duy trì sự sống. Cũng theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân Khay phải trải qua đợt điều trị từ 4 - 6 tuần mới có thể bình phục cho dù các bác sĩ đã điều trị tích cực (đặt ống thở nội khí quản, điều trị chống nhiễm trùng, chống suy dinh dưỡng và tăng sức đề kháng…).

Bệnh nhân bị rắn cắn được điều trị tại Trung tâm chống độc Ảnh: H. Thu

Bệnh nhân bị rắn cắn được điều trị tại Trung tâm chống độc Ảnh: H. Thu

 

Mong manh sự sống

Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ Trung tâm Chống độc, bệnh nhân nhập viện thường do rắn cạp nia, cạp nong, hổ mang, lục cắn. Hiện nay, nước ta mới có huyết thanh kháng nọc rắn hổ tinh chế, lục tre tinh chế và cạp nong do Công ty vacxin sinh phẩm Nha Trang sản xuất, còn rắn cạp nia vẫn điều trị theo hướng truyền nước để cơ thể tự giải độc là chính. Do vậy, với độc chất có thể gây liệt cơ toàn thân, những bệnh nhân này đều phải thở máy từ  4 - 6 tuần vì nếu ngưng thở máy sẽ tử vong do liệt cơ hô hấp.

Cũng theo TS Sơn, trước kia Trung tâm có đề tài nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn choạp quạp, cạp nia, hổ đất nhưng do thiếu kinh phí nên đề tài dừng lại giữa chừng. Không có huyết thanh nên đa phần bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn ngoài việc phải nằm viện dài ngày (4 - 6 tuần thay vì 3 - 5 ngày), chi phí tốn kém (4 - 5 triệu/ngày), bệnh nhân còn phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng. Không ít người tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn xin về chờ chết… do gia đình không có điều kiện chi trả tiền thuốc, giường bệnh. “Với những trường hợp này, một mặt động viên gia đình, mặt khác phải kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ để bệnh nhân được trở về với cuộc sống”, BS Sơn cho biết.

- Những năm gần đây, số người bị rắn cắn nhập viện gia tăng. Một phần do người dân chủ quan, đi làm sớm - đúng vào giờ rắn đi kiếm ăn nên hay bị rắn cắn. Mặt khác do phong trào nuôi rắn nở rộ ở nhiều nơi (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội) nên  chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ bị rắn cắn.

- Nhiều  người thường ga rô chặt khu vực bị rắn cắn để chất độc không lan tỏa nhưng thực ra đây là cách sơ cứu sai lầm. Ga rô quá chặt có thể gây tắc mạch máu, làm hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Thực tế,  khi bị rắn độc cắn, cần khẩn trương băng ép tại vết cắn, nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm nhất.

(TS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai)

Việt Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ