Theo phong tục của người Việt, lễ cúng ông Công, ông Táo diễn ra hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Vào ngày này, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, gian bếp, bàn thờ cho gọn gàng, sạch sẽ.
Cùng với việc làm một mâm cỗ mặn, người dân còn chuẩn bị ba bộ quần áo mũ giày vàng mã, ba con cá chép sống, xôi, chè… tiễn Táo quân về chầu trời.
Sau khi làm xong nghi lễ, người dân mang cá chép ra sông, hồ để thả. Nếu như mọi năm, mọi người bức xúc trước việc người dân thả cá, thả cả túi nilon thì năm nay tình trạng thuyên giảm khá nhiều. Tuy nhiên, ở một số khu vực, “thói quen xấu” này vẫn còn khi họ “vô tư” xả rác, túi nilon, hộp đựng cá ngay tại chỗ.
PV Saostar đã ghi lạnh cảnh rác thải, túi bóng chất thành đống lớn khu vực lên xuống ở Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào sáng ngày 20/1 (tức 23 tháng Chạp âm lịch).
Theo tục cổ truyền, người Việt tin rằng cứ đến ngày ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, vào ngày này, người dân lại nô nức mang cá chép ra sông, hồ để thả, tiễn ông Táo về trời.
Xung quanh những sông, hồ lớn, mọi người đều thực hiện nghi thức đặc biệt và thiêng liêng này.
Không chỉ thả cá, người dân còn thả hóa vàng xuống sông, hồ với mục đích có một năm mới mát mẻ, thuận buồm xuôi gió.
Những con cá chép cỡ lớn được thả xuống Hồ Tây.
Theo đánh giá của nhiều người, năm nay, việc thả cá tiễn Táo quân chầu trời được thực hiện nghiêm túc hơn, khi tình trạng thả cá thả cả túi nilon xuống sông, hồ đã thuyên giảm rất nhiều. Tuy nhiên, tại một số khu vực như hồ Tây, ven Sông Hồng… “thói quen xấu” này vẫn còn. Túi nilon cùng rác thải nổi lềnh bềnh ven bờ.
Tại khu vực lên xuống ở Hồ Tây, khu vực phố Nguyễn Đình Thi (Tây Hồ, Hà Nội), túi nilon chất thành đống với số lượng lớn, kéo dài từ bờ xuống đến mặt nước.
Sau khi thả cá chép xuống hồ, thay vì mang đến các thùng rác, một số người tiện tay vứt ngay tại chỗ.
Rác, túi nilon chất đầy gốc cây.
Khi gặp gió, những túi nilon này bay khắp đường, gây phản cảm.
Túi nilon bay phấp phới khắp các đoạn đường ven hồ.
Thậm chí, rác thải còn tạo thành những đống lớn nằm sát cạnh nhau. Chứng kiến cảnh tượng này, bác Long (Thụy Khuê, Tây Hồ) tỏ ra ngao ngán. “Thùng rác có ngay bên cạnh mà không bỏ vào, nhiều người ý thức kém quá”, bác Long thở dài.
Túi nilon nhét vào gốc cây….
Và chất đầy trên đường Nguyễn Đình Thi.
Không chỉ có rác thải, túi nilon mà hóa vàng, chân nhang cũng ken đặc ngay sát mặt hồ.
Nhiều người cho rằng, rải hóa vàng xuống sông, hồ sẽ có một năm mát mẻ, thuận buồm xuôi gió.
Một số đồ cúng cũng bị vứt xuống lòng hồ.
Công nhân vệ sinh môi trường hối hả dọn dẹp từ sáng tới trưa mà vẫn chưa hết rác, túi nilon.
Nhà sư Thích Tịnh Giác (trụ trì chùa Trúc Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) cùng đoàn tình nguyện dọn rác, túi nilon, đồng thời hướng dẫn người dân thả cá chép đúng cách ở khu vực Hồ Tây, gần chùa Trấn Quốc. Năm nay thầy đưa hai cháu nhỏ đi cùng với mục đích để dạy trẻ nhỏ ý thức bảo vệ môi trường, cách sống yêu thương, vì mình, vì mọi người.
Thầy Thích Tịnh Giác cho hay:“Chúng ta không nên xả rác tùy tiện, đồng thời rải hóa vàng xuống mặt sông, hồ, mà nên rải trên đất vườn để trồng hoa màu. Người miền Bắc quan niệm rải tro xuống nước cho mát mẻ, nhưng điều đó không phù hợp. Bởi nếu mọi người nghĩ điều đó là mát mẻ, sao không nghĩ nó lạnh, nó sốt. Đức Phật dạy, mọi hành động của con người đều có nghiệp lực, có nhân và quả”.
Một số người dân dọn rác, cọ bậc lên xuống cùng nhà sư Thích Tịnh Giác.
Đoàn tình nguyện viên cũng tích cực tham gia công rác dọn rác, bảo vệ môi trường. Nhóm tình nguyện này hoạt động với thông điệp “Thả cá đừng thả túi nilon“, nhắn nhủ tới người dân Hà Nội trong dịp Tết ông Công ông Táo năm nay.
Ngoài những chiếc túi to để đựng rác, mỗi tình nguyện viên đều có một tấm biển kêu gọi người dân vứt rác, túi nilon đúng nơi quy định.
Nhóm tình nguyện giúp nhau đeo băng rôn trước khi hành động.