Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, vừa qua, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; vận hành khai thác các công trình thủy điện và báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Làm rõ trách nhiệm phê duyệt các công trình thủy điện
Đánh giá về báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương có liên quan; thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng thủy điện không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội.
Tuy vậy, nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện thời gian qua còn một số hạn chế.
Theo đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị), việc xây dựng dự án thủy điện chưa theo đúng lộ trình, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hiệu quả đầu tư thấp; đời sống nhân dân ở vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện kém chất lượng; loại bỏ quy hoạch dự án tác động xấu đời sống người dân.
Đa số các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện để đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, bảo đảm an toàn cộng đồng dân cư và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu rõ: Trong Nghị quyết, Quốc hội cần giao Chính phủ tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, nếu không bảo đảm môi trường sẽ loại bỏ; khẩn trương ban hành đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hồ đập thủy điện và chế tài xử lý cụ thể; xác định thời gian hoàn thành trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn, lưu vực sông, rừng đặc chủng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng “chặt cây sống, trồng cây chết.”
Quan tâm đến việc ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư trong khu vực dự án thủy điện, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả, tích cực hơn nữa để chăm lo đời sống của người dân tái định cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người; đảm bảo định canh, định cư. Việc nâng cao đời sống của người dân nên là ưu tiên hàng đầu.
Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các phương án tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất; bảo đảm sự sinh kế của người dân sau khi thu hồi, xây dựng chương trình dài hạn, tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề mới cho người dân.
Tiếp tục rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện
Giải trình về việc phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích quy hoạch thủy điện là quy hoạch mang tính đặc thù, dựa trên tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về nguồn thủy năng.
Qua tập hợp nghiên cứu về hệ thống sông ngòi Việt Nam, Chính phủ đưa ra vấn đề định hướng có thể khai thác tiềm năng này. Vì vậy, quy hoạch thủy điện nhất là thủy điện nhỏ chủ yếu mang tính định hướng. Quy hoạch thủy điện không phải quy hoạch bất biến, cố định mà là quy hoạch "động" và "mở," qua từng thời kỳ quy hoạch thủy điện có thể được sửa đổi, bổ sung, loại trừ những quy hoạch không khả thi. Quy hoạch thủy điện là quy hoạch đặc thù so với quy hoạch khác. Quy hoạch thủy điện là quy hoạch cả nước, không chỉ là quy hoạch của riêng Chính phủ hay Bộ Công Thương.
Trước năm 2006, Thủ thướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch các dự án thủy điện bậc thang trên các sông. Bộ Công nghiệp phê duyệt thủy điện vừa và nhỏ. Nhưng từ năm 2006 đến nay, theo phân cấp, tất cả các dự án thủy điện đều do địa phương quyết định quy hoạch, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ, ngành.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mong muốn các địa phương phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công thương rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thủy điện để các dự án này phát huy được mặt tích cực.
Đối với công tác rà soát quy hoạch các công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý các địa phương không nên chờ khi Quốc hội có Nghị quyết về về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện mới tiến hành rà soát các công trình này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định những dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch không phải là các dự án không có tính khả thi về kinh tế mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố như môi trường, tài chính... 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch đều đang trong giai đoạn nghiên cứu nên không gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục rà soát quy hoạch, thực hiện cơ chế đặc thù di dân tái định cư; trước khi đầu tư phải báo cáo Chính phủ mới được triển khai.
Hoàn thiện chính sách ưu đãi thu hút đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh
Thể hiện sự tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đại biểu cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 38/2004/QH11 là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Về cơ bản, dự án đã triển khai bám sát các mục tiêu nêu trong Báo cáo của Chính phủ số 1581/CP-CN ngày 22/10/2004 về Dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh, cũng như Nghị quyết 38/2004/QH11. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị quyết 38/2004/QH11 không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung.
Các đại biểu Quốc hội nhất trí Quốc hội cần ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), nội dung Nghị quyết điều chỉnh cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp tình hình kinh tế đất nước; các điều khoản cần được quy định chặt chẽ, rõ ràng, việc triển khai thực hiện phải đảm bảo tiến độ. Theo tiến độ đến 2020 sẽ nâng cấp một số đoạn tiêu chuẩn thành đường cao tốc, tuy nhiên, khi xây dựng phải hoàn thiện hệ thống dịch vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội dọc tuyến, phân luồng giao thông giảm tải quốc lộ 1A; xây dựng các các tuyến đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A và các khu kinh tế, cửa khẩu; đảm bảo quỹ đất sau khi nâng cấp thành đường cao tốc…
Lo ngại về việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 3, đến năm 2020 chủ yếu xây dựng các tuyến cao tốc dài 445km, tổng kinh phí ước 300.000 tỷ đồng sẽ khó thực hiện vì năng lực tài chính của Việt Nam còn nhiều khó khăn, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ tăng đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, 3; cân đối nguồn vốn các dự án trọng điểm khác.
Đồng thời, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; có chủ trương ưu đãi về lãi suất với các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án giao thông nhằm giảm áp lực vốn nhà nước với các dự án; xây dựng chính sách đồng bộ phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách lãi suất, tạo sự hấp dẫn cho khu vực đầu tư tư nhân.
Theo TTXVN