(GD&TĐ) - Chẳng phải đợi đến lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay thi đại học, mấy năm nay, không ít học sinh tỉnh lẻ đổ về Hà Nội từ rất sớm với muôn vàn lý do.
Gái Tày sớm xa quê
Vy Phương Linh Đan, dân tộc Tày, sinh năm 1995. Cấp một, Đan học một trường huyện Ba Bể, dành cho học sinh dân tộc nghèo của tỉnh Bắc Cạn. Cấp hai, Đan ra thị xã. Vậy mà hôm nay, Đan chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải ở quê nhà mà là... Hà Nội.
Ở quê, Đan sống giữa thiên nhiên. Bao quanh nhà và trường là rừng núi. Không bị đè nặng bởi học thêm và bệnh thành tích. Ngoài một buổi ở trường, Đan được giao một số bài tập về nhà.
Nhiều học sinh muốn làm quen với môi trường học tập tại thành phố. Ảnh: Thanh Tùng |
Nhưng ở quê thiêu thiếu cái gì đó. Thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giỏi, không có môi trường sôi nổi. Ở quê, như nhiều bạn khác, Đan chỉ biết đến nghề nghiệp qua sách vở và lời khuyên của người lớn, chỉ biết mình phải thi đại học nếu muốn làm công chức. Mà muốn làm công chức, phải giỏi Toán - Lý - Hóa.
Đan về thủ đô từ lâu rồi, ngay lúc bắt đầu Trung học Phổ thông (THPT). Nhà nghèo, mẹ tìm cách cho con gái có cơ hội đổi đời. “Tôi muốn cháu trưởng thành sớm từ sự va chạm trong môi trường sôi động. Đôi khi phải nhờ may rủi. Phải liều thôi” - Mẹ Đan, cán bộ một cơ quan ở tỉnh, nói. Thế là Đan vào Trường THPT Liễu Giai, nay là Trường THPT Thực nghiệm Hà Nội. “Ra Hà Nội em hiểu phải đi đúng hướng nghề mà mình thực sự thích” - Đan nói. Thế là Đan đăng ký thi vào ngành hội họa, lĩnh vực thích từ bé.
“Về Hà Nội, chúng em học quá nhiều. Toàn những thứ sau này ra đời không biết sử dụng ở đâu, sử dụng thế nào. Chương trình ít giờ ngoại khóa, ít luyện kỹ năng sống. Sách giáo khoa chẳng thấy câu chuyện của đời thực. Đọc sách toàn thấy chuyện cổ tích hay những câu chuyện mẫu mực. Những bài mẫu mực như thế luôn che giấu những khía cạnh thực của cuộc sống” - Vi Phương Linh Đan chia sẻ kinh nghiệm. |
Sớm lai kinh như Đan không ít. Minh Ngọc học Trường THPT Phan Huy Chú (Lạng Sơn) được hai năm rồi cũng xuôi Hà Thành dù đấy là theo ý cha mẹ. Ông Minh (đề nghị giấu quê quán) thuê một phòng trọ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) để cùng ở với hai con đang ở học THPT.
Thầy Hoàng Đức Nghiêm -Giáo viên THPT huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho rằng: “Được học ở Hà Nội vẫn tốt nhất”. Phạm Thanh Hương, quê Thái Bình, bày tỏ: “Không thể chối cãi Hà Nội có nhiều trường THPT chất lượng đứng đầu cả nước. Cơ hội học hỏi và phát triển các kỹ năng cũng nhiều hơn. Như thế cũng đồng nghĩa với việc tăng khả năng đỗ đại học, mục tiêu chính của cả học sinh và phụ huynh. Các bạn ở Thái Bình lên Hà Nội học THPT khá nhiều”.
Muốn sớm cọ xát với trường đời
Với học sinh có năng lực, nhiều gia đình quyết cho con ra Hà Nội bằng cách thi vào các trường chuyên ở Hà Thành. Trần Việt Hằng sinh năm 1992, quê Phú Thọ, về Hà Nội sớm do thi đỗ chuyên Lý Trường THPT Chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên. Lưu Phi Khanh sinh năm 1991, quê Thái Bình, lên Hà Nội vì đỗ chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm.
“Không sớm rời quê, chắc gì em có cơ hội như bây giờ” - Khanh nói. Cơ hội mà Khanh đề cập là, ngoài việc theo học khoa Kinh tế đối ngoại (Trường Đại học Ngoại thương), thỉnh thoảng, Khanh còn cộng tác dịch cho một số trang báo mạng.
Hương cho rằng nên về Hà Nội học THPT nếu có điều kiện, chứ không nhất thiết chỉ giới hạn ở nhóm học sinh trường chuyên. Môi trường học tập có nhiều thầy cô giỏi, cơ sở vật chất tốt, nhiều cá nhân xuất sắc. Đó là cách hữu hiệu để học tập, noi theo và chịu ảnh hưởng từ những cá nhân, những tập thể xuất sắc.
Theo một giáo viên THPT trường huyện của tỉnh Thái Nguyên, đa số học sinh Thái Nguyên ít được va chạm và tham gia các hoạt động cộng đồng, nhiều em thụ động và rụt rè. Hãng truyền thông DPA bèn đứng ra tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh tỉnh nhà. DPA là một công ty truyền thông cấp tỉnh của Thái Nguyên được Sở GD&ĐT Tỉnh Thái Nguyên cấp phép hoạt động.
Kết cục, chỉ một số rất nhỏ học sinh hào hứng tham gia. Tham gia rồi cũng thấy chán. Không ít phụ huynh vẫn muốn con em mình được cọ xát trong môi trường họ cho là thực tế ở Hà Nội, dù có tốn kém kinh tế, dù có rất nhiều cạm bẫy cho học sinh xa nhà.
“Cho con em đến một môi trường học tốt hơn, hiện đại hơn như Hà Nội là nên làm” - Ông Bùi Đức, phụ huynh một cựu học sinh tỉnh lẻ về học Trưởng THPT Thực nghiệm Hà Nội, nói - Miền núi chậm phát triển, cho con học xa nhà từ THPT không có gì sai cả. Như một kiểu chọn lọc tự nhiên, ai xuất sắc sẽ tồn tại và phát triển. Không việc gì phải lo hiện tượng về Hà Nội học sớm”.
Hà Nội không phải thuốc thánh
“Ở Hà Nội, sức ép học tập quá lớn, đôi khi khiến học sinh không có tuổi thơ. Bệnh thành tích khiến sự sáng tạo nhiều khi không được phát huy. Học ở quê dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn. Như vậy, tư duy sáng tạo mới có điều kiện nảy sinh và phát triển hơn, Đan cho biết đấy là bài học đầu đời khi ra Hà Nội để được khôn sớm.
Một giáo viên Trường THPT Phú Lương (Thái Nguyên), cho biết phụ huynh không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của đám đông, thấy con người ta đi học ở Hà Nội cũng muốn cho con mình đi. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyên Hưng, “Nguyện vọng cho con đi học xa nhà để tốt hơn có thể sẽ đem kết quả ngược lại”.
Lương Đình Khoa, chuyên viết bài trên tamtay.com, tỏ ra đồng tình: “Nếu có năng lực, học ở đâu cũng có thể phát huy. Hà Nội không đơn giản, không phải là đích bắt buộc phải đến. Đấy là chưa kể có thể phụ huynh không quản được. Không nên tuyệt đối hóa vai trò của môi trường học tập. Học ở đâu cũng giống nhau, quan trọng là ý thức” - Khoa nói.
Lưu Phi Khanh cho hay một số bạn bè cùng lứa khi về Hà Nội vướng phải những thói hư, bỏ bê việc học, thậm chí bị đuổi học. “Ở Hà Nội, cạnh tranh cao khiến bản thân phải nỗ lực hơn. Nhưng Hà Nội cũng không phải là nơi quan tâm dạy kỹ năng sống hơn so với trường học ở quê nhà” - Trần Việt Hằng nhận xét. |
Vi Phương Thảo