Ra mắt “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”

GD&TĐ - Ngày 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức.  

Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành tại lễ ra mắt “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”.
Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành tại lễ ra mắt “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”.

Đây là chương trình được tổ chức trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam diễn ra vào 29/11/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Hệ thống này được Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia NCSC (thuộc Cục An toàn thông tin) với vai trò là đầu mối kỹ thuật quốc gia trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng và giám sát xu hướng thông tin trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam, phối hợp cùng các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV xây dựng.

Hệ thống này sẽ giúp giám sát, phân tích thông tin từ đó chia sẻ và đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Đến nay có 31 Bộ, ngành, địa phương đã kết nối kỹ thuật thành công với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Sau thời gian thử nghiệm 6 tháng, khi chính thức được đi vào hoạt động, “Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Việc bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Do đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không mà nằm ở cách phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách dưới sự điều phối của cơ quan chức năng của Việt Nam. Làm sao thông tin được chia sẻ kịp thời và mọi người cùng có trách nhiệm tham gia giải quyết”.

Tại Lễ ra mắt “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn Thông tin cùng các đơn vị trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin.

Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới thường đầu tư trung bình 15-20% giá trị dự án công nghệ thông tin cho việc đảm bảo công tác an toàn thông tin. Tại Việt Nam, tỷ lệ này thường xuyên ở mức dưới 5%. Với thực tế này, chưa thể nói Việt Nam đã có nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin được. Do đó cần tích cực truyền thông hơn nữa để không chỉ các cơ quan chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp mà từng người dân cũng nhận thức được về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ