Ra mắt chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình"

Ra mắt chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình"

(GD&TĐ) - Hôm nay (23/2) tại Hà Nội, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ban Khoa giáo Đài THVN tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình".

Quang cảnh họp báo (Ảnh:gdtd.vn)
Quang cảnh họp báo (Ảnh:gdtd.vn)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 1 triệu người khiếm thính (chiếm khoảng 6,3% dân số). Như vậy, dạng khuyết tật về thính lực chiếm tỉ lệ khá lớn trong các dạng khuyết tật nói chung của người Việt.

Bà Dương Thị Vân, Ủy viên thường vụ Liên hiệp NKT Việt Nam, Phó CT Hội NKT Hà Nội cho biết, hiện nay, mới chỉ có 70 trường học/trung tâm dành cho người khiếm thính, tập trung tại một số thành phố lớn với chương trình giáo dục Tiểu học. Do thiếu giáo viên, tài liệu học tập và môi trường giáo dục bằng ngôn ngữ kí hiệu nên người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, học văn hóa, học nghề, tiếp cận các dịch vụ hành chính, xã hội nói chung, đặc biệt là tìm và duy trì việc làm. Những khó khăn và thách thức này khiến đa ssos người khiếm thính khó hòa nhập bình đẳng trong xã hội.

Đại diện Đài THVN, Ông Phạm Việt Tiến, Trưởng Ban khoa giáo chia sẻ, Chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình" ra đời trước tiên để thực hiện đúng Công ước Quốc tế về người khuyết tật - Dùng ngôn ngữ kí hiệu phục vụ người khiếm thính. Bên cạnh đó thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền tiếp nhận thông tin của người khiếm thính.

Ông Tiến khẳng định, Chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình" là một chương trình dạy ngôn ngữ đặc biệt nhất trên sóng Đài THVN với những đặc thù và khó khăn riêng cùng ý nghĩa nhân văn cao cả. THVN đặt kỳ vọng, với tính tương tác cao, chương trình sẽ giúp ích nhiều hơn cho người khiếm thính và cả người thân, bạn bè, gia đình họ. Vì bản thân người khiếm thính rất cần được giao lưu, chia sẻ thông tin và tìm hiểu thế giới xung quanh.

Chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình" là món quà thiết thực cho người khiếm thính (Ảnh:gdtd.vn).
Chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình" là món quà thiết thực cho người khiếm thính (Ảnh:gdtd.vn).

PGS.TS. Lê Văn Tạc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GD Đặc biệt, Viện KHGD Việt Nam cho biết, trong số hơn 1 triệu người khiếm thính ở Việt Nam hiện nay có khoảng 400 nghìn người khiếm thính trong độ tuổi học đường. Hằng năm có khoảng 20 nghìn trẻ khiếm thính đến độ tuổi đi học. Mặc dù các phương tiện kỹ thuật ngày càng phát triển, hiện đại và phổ thông hóa giúp người khiếm thính có cơ hội học nói, giao tiếp bằng lời song "ngôn ngữ ký hiệu" vẫn giữ vị trí vô cùng quan trọng và là thứ ngôn ngữ "mẹ đẻ" của người điếc.

Đại diện Đài THVN cho biết, Công tác chuẩn bị cho chương trình này đã được khởi động từ tháng 01/2012 và sẽ chính thức lên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam từ tháng 03/2012, lúc 23h, thứ 5 (ngay sau chương trình thời sự lúc 22h trên VTV2), phát lại vào 9h sáng Chủ nhật hàng tuần.

Tiến sĩ tâm lý Đinh Đoàn, Hiệu trưởng trường dạy trẻ câm điếc Xã Đàn (Hà Nội) bày tỏ vui mừng và hi vọng Chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình" sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người khiếm thính hòa nhập cộng đồng. Số người khiếm thính ước tính bằng dân số của một tỉnh vừa, vì thế tạo điều kiện cho người khiếm thính cũng chính là tạo điều kiện để xây dựng một xã hội ngày càng hoàn thiện và tốt đẹp hơn.

Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ