Ra mắt Chủ tịch Danh dự quỹ VNU-F

Ra mắt Chủ tịch Danh dự quỹ VNU-F

(GD&TĐ) - Sáng 18/4, tại TPHCM, ĐHQG TPHCM đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 3 năm thành lập Quỹ Phát triển ĐHQG TPHCM (VNU-F) và ra mắt Chủ tịch Danh dự Hội đồng Quản lý Quỹ - Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

“Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) - gọi tắt là VNU-F  là mô hình mới được ĐHQG-HCM xây dựng nhằm kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ từ nhiều phía: Người học, doanh nghiệp, cựu sinh viên, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, tài trợ của quốc tế… để tạo tiềm lực về tài chính, hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập; góp phần vào sự  phát triển nhanh và bền vững của ĐHQG-HCM.

Đồng chí Phan Văn Khải, nguyên thủ tướng Chính Phủ-chủ tịch danh dự quỹ VNU-F tại lễ kỉ niệm
Đồng chí Phan Văn Khải - Nguyên Thủ tướng, Chủ tịch Danh dự quỹ VNU-F tại lễ kỉ niệm

Từ khi VNU-F được thành lập đến nay, ĐHQG-HCM thông qua VNU-F đã tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ từ xã hội đóng góp cho hoạt động giáo dục, đào tạo tại ĐHQG-HCM là hơn 10 tỉ đổng tiền mặt, hơn 50 tỉ đồng đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho Khu Ký túc xá ĐHQG-HCM, và đang hướng tới việc vận động, tài trợ để đầu tư nhiều hơn nữa cho Khu Đô thị ĐHQG-HCM.

Đặc biệt, sau ba năm hoạt động, VNU-F vinh dự được Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhận lời mời làm Chủ tịch Danh dự của Hội đồng Quản lý VNU-F.

Phát biểu tại lễ kỉ niệm và công bố chủ tịch danh dự của quỹ VNU-F, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết: Ông thật sự hạnh phúc và vinh dự được ĐHQG TPHCM gửi gắm niềm tin và chọn làm Chủ tịch Danh dự của quỹ VNU-F.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài, ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần phải có sự tham gia hỗ trợ lớn của xã hội mà đặc biệt là các doanh nghiệp, các tập đoàn, các công ty. ĐHQG-HCM là một trong những đầu tàu lớn mạnh của sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Đầu tư cho giáo dục đào tạo tại ĐHQG-HCM là để giúp đỡ các em sinh viên có cơ hội học tập tốt hơn, nghiên cứu khoa học giỏi hơn tạo ra nhân tài phục vụ cho đất nước. Vì vậy, đầu tư, hỗ trợ cho ĐHQG-HCM không nên thực hiện một lần mà nên cân nhắc tính toán đến kế hoạch lâu dài, thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ của doanh nghiệp vì tương lai của chính con em họ.

Lễ ký kết của ĐHQG TP.HCM với các đối tác chiến lược
Lễ ký kết của ĐHQG TPHCM với các đối tác chiến lược

Trước đó tại lễ kỉ niệm 3 năm ngày thành lập quỹ VNU-F, PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG đã thay mặt ĐHQG TPHCM ký hợp tác với Ngân hàng Công thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Tin học HPT và một Công ty nước ngoài là Trung tâm phát triển Quốc tế Nhật Bản (IDCJ).

Theo đó, các đơn vị doanh nghiệp trên sẽ hợp tác, hỗ trợ ĐHQG-HCM trong việc xã hội hóa giáo dục, góp phần phát triển hoạt động giáo dục đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.