Quyết định chất lượng GD là ở đội ngũ giáo viên

Quyết định chất lượng GD là ở đội ngũ giáo viên

(GD&TĐ) – Ngày 19 và 20-10-2011 bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD; Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam có chuyến công tác tại Trường ĐH Vinh và Sở GD&ĐT Nghệ An. Mặc dù bận nhiều việc, nhưng  20-10, Bà đã thu xếp cho chúng tôi được trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề giáo dục mà bà trăn trở và quan tâm.

PV: Thưa bà, nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, xin gửi tới bà lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc chuyến công tác của bà thành công tốt đẹp. Bà là một trong số những người phụ nữ đã làm rạng danh truyền thống anh hung, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam. Bà đã giữ nhiều vị trí công tác quan trọng, trong đó bà đã từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ GD.

Xin bà cho biết, phụ nữ làm nghề giáo có thuận lợi và khó khăn gì?

Bà Nguyễn Thị Bình (Bà NTB):  Không phải ở Việt Nam mà những nước tôi  có dịp đến, phụ nữ làm công tác GD là hiện tượng phổ biến. ví như ở Malaixya, ngành GD Tiểu học, nữ GV chiếm đến 75%. Ở nước ta, GV ngành học MN, Tiểu học, THCS đã số là nữ. Tại sao GD lại  thu hút phụ nữ đến như vậy? Có thể là  công tác GD  đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, đòi hỏi tận tụy, tận tâm với trái tim yêu thương con người biết lắng nghe, chia sẻ và thông hiểu. Và điều này có thể dễ dàng tìm thấy ở phụ nữ. Cho nên, theo tôi đây là thuận lợi căn bản nhất của phụ nữ để họ chọn môi trường GD cống hiến.

Đối với học sinh MN, Tiểu học, cô giáo là “ Mẹ của em ở trường”. Người Mẹ ở trường nuôi dưỡng tri thức, nuôi dưỡng đời sống tinh thần vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Nghề  giáo là nghề của yêu thương. Do vậy, phụ nữ có nhiều thuận lợi khi lựa chọn nghề giáo.

Nhưng phải thấy, lao động giáo dục là lao động vô cùng nặng nhọc và  vất vả. Cần có những điều tra, khảo sát đánh giá về lao động GD. Theo tôi đó là lao động đặc thù vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Chỉ tính thời gian lao động, thì nghề GV đâu phải ngày 8 tiếng. Nào là  soạn bài, chấm bài, chữa bài, làm đồ dung dạy học, GD học sinh cá biệt, bồi dưỡng HS giỏi, HS yếu kém. Công việc đối với GV đâu chỉ trên trường, trên lớp mà theo cả về nhà.  Mà phụ nữ đâu chỉ ôm cặp lên lớp. Cô về nhà cũng xoay việc nhà, chợ búa, bếp núc, săn sóc chồng con, cha mẹ vv…  hàng trăm việc không tên trên đôi vai phụ nữ, cho nên nữ GV vất vả gấp mấy lần nam giới.

Theo tôi, đối tượng GD là HS, nhưng có phải thuần nhất đâu mà mỗi HS là một cá thể. Vì vậy, chỉ yêu thương, thuyết phục, kiên trì thôi chưa đủ, mà còn có những nguyên tắc, có nhiều phương pháp  khác phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Vì vậy, một trường mà tất cả là cô giáo thì cũng có những khó khăn của nó. Mà khó khăn lớn nhất là gắn đào tạo, gắn giảng dạy với công tác nghiên cứu khoa học. Tôi mơ ước làm sao, GV trở thành nhà GD. Mà điều ấy không phải ngày một, ngày hai, mà phải có quá trình đào tạo bài bản, công phu, trên nền tảng nhân văn, chứ không phải chỉ thuần túy là kiến thức.

Tác giả với bà Nguyễn Thị Bình- Nguyên Bộ trường Bộ GD, Nguyên PCT nước CHXHCN Việt Nam
Tác giả với bà Nguyễn Thị Bình- Nguyên Bộ trường Bộ GD, Nguyên PCT nước CHXHCN Việt Nam

PV:  Vâng. Đội ngũ GV quyết định chất lượng GD. Nhưng muốn có được đội ngũ GV liên quan đến hàng loạt vấn đề: Đầu vào, quá trình đào tạo, sử dụng vv… Hiện nay có một thực tế, học sinh khá giỏi không đầu đơn vào SP. Đào tạo GV SP đang là một thách thức. Ngày 19-10, bà có buổi làm việc với trường ĐH Vinh. Bà có nhận xét gì về công tác tuyển sinh, đào tạo ngành SP của cơ sở GD này?

Bà NTB: Trước đây, các trường ĐHSP chỉ có chức năng, nhiệm vụ đào tạo GV.  Nhưng từ khi đất nước đổi mới, nhiều trường ĐHSP đã chuyển  sang đào tạo nhiều ngành khác nữa trở thành trường ĐH đa ngành.  Chuyển sang đa ngành đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước là cần thiết. Nhưng để có được một cách nhìn khoa học cần phải có điều tra,khảo sát, đánh giá. Nhưng, theo tôi, có đa ngành gì thì đa ngành, nhưng khoa SP vẫn cứ phải tách riêng và phải được quan tâm đầu tư các nguồn lực một cách thích đáng. Vì SP là nguồn nhân lực của các nguồn nhân lực. “ Quốc sách hàng đầu” phải trở thành cơ chế, chính sách nhằm thu hút tài năng, tâm huyết cho GD…

Tôi thấy ĐH Vinh có quan điểm, nhận thức và hành động rất đúng về vấn đề tuyển sinh, đào tạo ngành SP. Nhà trường đã tuyệt đối không hạ điểm chuẩn đối với các ngành SP. Năm học vừa qua, điểm tuyển sinh ngành SP là 15. Mã ngành tin  học không mở vì kiên quyết không hạ điểm chuẩn.

Quá trình đào tạo , tôi thấy ĐH Vinh đã công bố bộ tiêu chuẩn đánh giá , kiểm soát đươc chất lượng đào tạo. Tôi dành nhiều thời gian quan tâm đến đào tạo GV Tiểu học. Tại khoa Tiểu học, SV thường xuyên đi thực hành, thực tập tại các CSGD, gắn kết với các CSGD, cho nên, khi ra trường SV không ngỡ ngàng trước thực tế phổ thông. Mặt khác, GV của Khoa, của Trường thường xuyên đi thực tế. Từ thực tế phổ thông, họ   điều chỉnh chương trình, đổi mới phương pháp, đổi mới phương thức đào tạo, mở cửa nhà trường, gắn đào tạo với sử dụng, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đó là một hướng đi đúng, cần phải đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đây là cách làm để GD ĐH  không lạc hậu trước GDPT.

PV: Nhưng muốn vậy, bất cứ ngành học, cấp học nào, chúng ta cũng cần có một đội ngũ GV giỏi, tâm huyết. Phải làm sao để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp GD. Sở dĩ gần đây, HS không mặn mà với SP có lẽ một phần do đời sống GV khó khăn quá?

Bà NTB: Quyết định chất lượng GD là ông thầy. Mọi cải cách có đến được HS hay không, có tạo nên chuyển biến hay không quyết định ở thầy, cô giáo. Vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên vô cùng quan trọng. Bấy lâu nay chúng ta đã làm, đang làm và còn tiếp tục làm. Nền GD của chúng ta có bề dày, đã đào được nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh giá công bằng công lao của GD đào tạo nên các thế hệ yêu nước, sẵn sàng cống hiến hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng khi đất nước đổi mới, trong xu thế hội nhập quốc tế,  đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, GD chuyển biến, bắt nhịp chưa kịp, nên có những bất cập là một tất yếu. Chúng ta cần có một cách nhìn biện chứng, nhìn trong vận động, trong xu thế chuyển biến.

Giải quyết vấn đề đời sống GV để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp GD là vấn đề Đảng, nhà nước quan tâm. Nhiều chế độ chính sách ưu đãi đối với GV như chế độ đứng lớp, ưu tiên khu vực và gần đây là phụ cấp thâm niên.  Các chế độ phụ cấp góp phần cải thiện đời sống GV, nhất là GV vùng sâu, vùng xa.  Nhưng về lâu dài, cần nghiên cứu chế độ lương, làm sao để GV sống được bằng lương. Lương trả cho người lao động phải đánh giá được lao động, trả lương theo cống hiến , đóng góp mới khuyến khích được người lao động.

Hiển nhiên trong quá trình thực hiện, chỗ nào chưa hợp lý, lại tiếp tục điều chỉnh. Vừa qua, tiếp xúc với đội ngũ CB quản lý GD ở Nghệ An, tôi nghe anh em phàn nàn là CBQLGD không được hưởng phụ cấp thâm niên. Quả thật để trở thành CB, họ đã đứng lớp đã lăn lộn với GD, và nhiều người trong họ từng là GV giỏi. Cho nên ý kiến phản hồi từ cơ sở, cần được nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh. (Mà nhà báo ơi. Mình đang bận viết nốt cái bài…Tối nay lại đi dự Lễ khai giảng tại trường ĐH Vinh rồi. Dịp khác nhé!)

PV: Vâng ! Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi về những vấn đề độc giả Báo GD&TĐ quan tâm. Xin chúc bà sức khỏe và tiếp tục có những đóng góp cho đất nước , nhân dân, nhất là cho sự nghiệp GD, lĩnh vực mà bà rất quan tâm.

Người thực hiện: Lê Văn Vỵ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ